Người phụ nữ bị bỏng nặng ở gối sau khi đắp thuốc nam

Nghe lời hàng xóm, chị H. hái một loại lá, xào chung với giấm rồi giã ra đắp lên hai khớp gối. Đắp lá được hai tuần, xung quanh vùng gối của chị H. bị ngứa dữ dội, các vết đỏ lan rộng và phồng rộp.

Chiều 12/5, khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân nữ là chị V.T.H. (58 tuổi), nhập viện trong tình trạng bị sưng nề, tấy đỏ và phỏng rộp vùng da xung quanh hai khớp gối.

Qua khai thác bệnh sử, chị H. cho biết trước đây chị bị đau ở hai khớp gối nên đã uống thuốc nam để điều trị. Sau đó, nghe lời hàng xóm, chị hái một loại lá, xào chung với giấm rồi giã ra đắp lên hai khớp gối. Đắp lá được hai tuần, xung quanh vùng gối của chị bị ngứa dữ dội, các vết đỏ lan rộng và phồng rộp nên chị đã vào bệnh viện địa phương để điều trị trong 2 ngày, sau đó chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết bệnh nhân có tình trạng phỏng rộp, bội nhiễm, viêm nhiễm mô mềm quanh khớp gối sau khi đắp thuốc, trên nền thoái hóa khớp gối. Bệnh nhân đã được điều trị kháng viêm, kháng sinh, các tổn thương mô mềm ở hai khớp gối dần ổn định và bệnh nhân đã được xuất viện vào hôm nay, 12/5.

nguoi-phu-nu-bi-bong-nang-o-goi-sau-khi-dap-thuoc-nam

Hôm nay, bệnh nhân đã được xuất viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa, thoái hóa khớp là bệnh mạn tính thường gặp ở những người trung niên và lớn tuổi, đặc biệt là ở phụ nữ lớn tuổi.

Tuy nhiên, hiện nay cũng có những người ở độ tuổi 30 đã xuất hiện các triệu chứng thoái hóa khớp do những nguyên nhân như di truyền, béo phì, chấn thương khớp không được điều trị kịp thời…Biểu hiện thường gặp khi bị thoái hóa khớp gối là tình trạng cứng khớp, đau khớp sau khi ngồi lâu… và trong một số ít trường hợp có tình trạng sưng, tràn dịch trong khớp.

Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, phù hợp ở các cơ sở y tế chuyên khoa, bệnh có thể ổn định, các triệu chứng sẽ được kiểm soát và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Bên cạnh việc điều trị, người bệnh cần thay đổi thói quen sinh hoạt, lối sống lành mạnh để "sống chung" với bệnh.

PGS.TS.BS Nguyễn Đình Khoa cho biết khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp viêm nhiễm phần mềm, thậm chí nhiễm trùng huyết do tự ý đắp thuốc, hoặc cắt lể (véo lên chỗ da cần lể rồi dùng dao hoặc kim, mảnh thủy tinh để rạch một vết nhỏ và nặn máu vài lần) điều trị bệnh lý khớp, điều trị viêm khớp.

Tuy nhiên, cắt lể có thể gây biến chứng nhiễm trùng rất nặng dẫn đến tử vong trên nền cơ địa những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như mắc bệnh đái tháo đường.

 "Thực tế, nhiều bệnh nhân không hiểu được bản chất của bệnh nên thường tự ý mua thuốc để sử dụng, hoặc áp dụng các phương pháp phản khoa học dẫn đến những biến chứng nặng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Bệnh nhân bị thoái hóa khớp cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để có hướng điều trị phù hợp", bác sĩ Khoa khuyến cáo.

Theo GiaDinh