Nguy cơ chập điện, triệu hồi gấp Mercedes-Benz SUV GLE và GLS

Mercedes-Benz Việt Nam ra thông báo triệu hồi gấp hai dòng xe SUV GLE và GLS do nguy cơ gây chập điện để đảm bảo an toàn, chống chập cháy.

Cụ thể, thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Mercedes-Benz Việt Nam (MBV) sẽ triệu hồi toàn bộ xe GLE 450 4MATIC, GLS 450 4MATIC, và AMG GLE 53 4MATIC (số loại X167) sản xuất tại nhà máy Đức trong khoảng thời gian từ tháng 7-2019 tới tháng 11-2021.

Theo Mercedes-Benz Việt Nam, trên các xe phải triệu hồi, bu lông của dây điện 48 vôn nối vào thân xe (điểm nối âm) dưới ghế hành khách có thể không đủ lực siết khi lắp ráp. Trong trường hợp này, điện trở của điểm kết nối có thể tăng lên.

Ở một số tình huống, nếu dòng điện công suất cao chạy qua, nhiệt độ sẽ gia tăng, có nguy cơ gây cháy. Ngoài ra, khi kết nối điện cực âm ở điểm tiếp xúc nói trên bị gián đoạn, sẽ khiến xe không thể khởi động lại sau khi đã tắt máy.

nguy-co-chap-dien-trieu-hoi-gap-mercedes-benz-suv-gle-va-gls

 Mercedes-Benz SUV GLE và GLS triệu hồi do nguy cơ gây chập điện

Chủ xe trong diện triệu hồi sẽ được Mercedes-Benz Việt Nam trực tiếp liên hệ để lên lịch xử lý, hoặc chủ động liên hệ với các đại lý ủy quyền của hãng. Thời gian triệu hồi diễn ra từ nay tới hết 31-12-2025.

Việc khắc phục lỗi (miễn phí) sẽ được thực hiện tại tất cả các đại lý và trạm dịch vụ ủy quyền của Mercedes-Benz Việt Nam trên toàn quốc. Thời gian thao tác vào khoảng 1,5 giờ mỗi xe.

Cũng trong thời điểm này, Mercedes-Benz triển khai song song nhiều đợt triệu hồi khác nhau trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng tới hầu như mọi sản phẩm của hãng.

Lệnh triệu hồi thứ nhất áp dụng với các xe SUV ML và GL, cùng minivan cao cấp R-Class được sản xuất từ năm 2004 đến năm 2015. Trong số 993.000 xe được triệu hồi trên toàn cầu, có 70.000 xe bán ra tại quê nhà Đức.

Lần triệu hồi này được Mercedes-Benz triển khai ngay sau thông báo của Cơ quan Giao thông vận tải liên bang Đức (KBA). Hãng cho biết, nguyên nhân triệu hồi là do vấn đề ở hệ thống phanh. Theo mô tả, bộ phận trợ lực phanh có thể bị rỉ sét quá mức. Trong trường hợp xấu nhất, kết nối giữa bàn đạp phanh và hệ thống phanh có thể bị gián đoạn, dẫn tới phanh mất tác dụng, làm gia tăng nguy cơ va chạm hoặc thương tích.

nguy-co-chap-dien-trieu-hoi-gap-mercedes-benz-suv-gle-va-gls
Việc hệ thống phanh hao mòn cũng có thể dẫn đến việc người cầm lái phải tăng lực bàn đạp phanh quá mức cần thiết để giảm tốc xe, hoặc tăng hành trình phanh của xe, dẫn tới nhiều rủi ro trong quá trình lưu thông. Vì những lý do trên, Mercedes-Benz đề nghị người dùng tạm thời không sử dụng phương tiện cho tới khi xe được kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn.

Cùng với các SUV cao cấp, Mercedes-Benz cũng tiến hành triệu hồi C-Class thế hệ 2012-2020 vì lỗi liên quan tới cửa sổ trời. Theo thông báo đưa ra, bộ phận này có thể được gắn kết không chính xác vào khung, và có thể bị rời ra trong quá trình xe di chuyển, tạo ra những rủi ro cho các phương tiện xung quanh. Các xe trong diện triệu hồi được sản xuất trong khoảng thời gian từ ngày 2-7-2012 tới ngày 21-10-2020.

Tiếp đến, có tới 234.862 xe thuộc mọi nhóm sản phẩm của Mercedes-Benz, bao gồm cả Mercedes-AMG và Mercedes-Maybach, cần triệu hồi để khắc phục lỗi liên quan đến phần mềm thẻ SIM gây gián đoạn kết nối mạng viễn thông. Khi có sự cố xảy ra, cơ chế gọi cứu hộ khẩn cấp của xe sẽ không thể hoạt động. Các xe bị ảnh hưởng gồm CLA, GLA, GLE, SLC, A, C… đời 2017-2022. Thậm chí, các “siêu xe” như Mercedes-Maybach S650 và AMG GT cũng không “ngoại lệ”.

Theo VietQ