Nhiều "lỗ hổng" trong việc nhập khẩu và buôn bán cá tầm Trung Quốc

Theo quy định hiện hành của pháp luật về lâm nghiệp, thuỷ sản và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) thì cá tầm Trung Quốc đang nhập khẩu vào Việt Nam thuộc danh mục động vật hoang dã.

Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, ngày 28/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh trong đó có yêu cầu "cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam".

Nhận định tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp cùng nguy cơ phát sinh rủi ro truyền nhiễm dịch bệnh sang người, gia súc, gia cầm, ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

"Dừng nhập khẩu động vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài động vật hoang dã (trừ các loài thủy sản phục vụ sản xuất, chế biến làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi đã được công bố theo quy định của pháp luật…).

Mọi trường hợp nhập khẩu động vật hoang dã trái với Chỉ thị này phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với động vật hoang dã bất hợp pháp; đối với động vật hoang dã được cơ quan thẩm quyền quản lý CITES nước ngoài cấp giấy phép xuất khẩu vào Việt Nam, cơ quan Hải quan cửa khẩu yêu cầu chủ hàng trả về nơi xuất khẩu.

Trường hợp chủ hàng không thực hiện hoặc hàng hóa không xác định được chủ hàng thì xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam đối với động vật hoang dã bất hợp pháp".

nhieu-lo-hong-trong-viec-nhap-khau-va-buon-ban-ca-tam-trung-quoc

Từ năm 2020 đến nay, hàng ngàn tấn cá tầm Trung Quốc được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam một cách dễ dàng. Ảnh: Cao Tuân

Theo quy định hiện hành của pháp luật về lâm nghiệp, thuỷ sản và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) thì cá tầm Xibêri hiện đang được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là động vật hoang dã, thuộc phụ lục II.

Hoạt động khai thác mẫu vật từ tự nhiên, nuôi sinh sản, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh, chế biến được quản lý theo quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ và CITES. 

Việc nhập khẩu cá tầm Xibêri từ Trung Quốc vào Việt Nam phải có giấy phép nhập khẩu do cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp và chỉ được nhập vì 2 mục đích là phục vụ sản xuất hoặc để chế biến làm thực phẩm theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ.

Được biết đến nay, cơ quan quản lý CITES Việt Nam chỉ cấp phép nhập khẩu cho loài cá tầm Xibêri. Tuy nhiên, từ ghi nhận của báo chí và qua kiểm tra của Bộ NN&PTNT, thì có nhiều mẫu cá tầm thương phẩm tại chợ Yên Sở (Hà Nội) và chợ Bình Điền (TPHCM) có hình thái không phù hợp với loài cá tầm được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Ngoài ra, có một số loài cá tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường chưa rõ nguồn gốc, không thực hiện kiểm dịch có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và sản xuất cá tầm tại Việt Nam.

Điều này cho thấy có khả năng các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm Trung Quốc về tiêu thụ ở Việt Nam không đúng với loại được cấp phép nhập khẩu hoặc có tình trạng nhập lậu qua đường tiểu ngạch.

nhieu-lo-hong-trong-viec-nhap-khau-va-buon-ban-ca-tam-trung-quoc

Cá tầm Trung Quốc bày bán với giá rẻ khắp các chợ đầu mối Bình Điền (TPHCM). Ảnh chụp ngày 3/3/2020.

Khảo sát thực tế của nhóm chuyên gia thuỷ sản của Nga hiện đang làm việc tại Việt Nam cũng chỉ ra, loài cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc đang bày bán với số lượng lớn tại chợ đầu mối phía Nam có hình thái không giống cá tầm Xibêri (tên khoa học: Acipenser baerii) trong giấy phép thông quan.

Bởi lẽ giống cá này là dòng thuần chủng, rất yếu và không thể sống trong thời gian dài với quãng đường vận chuyển từ Trung Quốc về các tỉnh phía Bắc rồi sau đó chuyển vào thị trường trong miền Nam.

"Đây có thể là dòng ngoại lai giữa cá tầm Trung Hoa và cá tầm Kaluga (không thuộc danh mục được Tổng cục Thủy sản đồng ý cho phép nhập khẩu).

Do vậy, ban ngành chức năng cần phải có một cuộc rà soát tổng thế, đánh giá chất lượng, kiểm dịch, kiểm tra giống loài để tăng cường công tác quản lý nhằm tránh những rủi ro lây lan bệnh tật cũng như gây hại đến nền sản xuất cá tầm trong nước", vị chuyên gia chia sẻ.

Trong Chỉ thị số 29 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, chỉ được phép nhập khẩu các loài thủy sản phục vụ sản xuất (con giống), chế biến làm thực phẩm.

Như vậy, việc doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm Trung Quốc về Việt nam sau đó đưa ra thị trường tiêu thụ con sống với số lượng lớn hiện nay là trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như quy định tại mục đích nhập khẩu trên giấy phép CITES nhập khẩu.

nhieu-lo-hong-trong-viec-nhap-khau-va-buon-ban-ca-tam-trung-quoc

Cá tầm Trung Quốc tại chợ đầu mối Yên Sở (Hà Nội). Ảnh chụp ngày 3/3/2020.

Với trách nhiệm của mình, cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) dừng cấp phép nhập khẩu cá tầm Trung Quốc.

Ngoài ra, cơ quan quản lý CITES Việt Nam cũng yêu cầu hậu kiểm cá tầm theo Điều 29 Nghị định 06 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Cụ thể, tại Điều 29 quy định chế biến, kinh doanh, quảng cáo, trưng bày mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES nêu rõ:

Cơ sở chế biến, kinh doanh và hoạt động chế biến, kinh doanh mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thực hiện theo quy định của Nghị định này, pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ thực vật, thú y, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định hiện hành của nhà nước; Sản phẩm chế biến từ động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục phải được quản lý truy xuất nguồn gốc…

Như vậy, các doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ phải có xác nhận của cơ quan thú y và cách ly kiểm dịch tối thiểu từ 1-3 ngày.

Đặc biệt, các doanh nghiệp này có khu chế biến đáp ứng an toàn thực phẩm theo quy định và chỉ bán ra thị trường sản phẩm là nguyên liệu thực phẩm hoặc sản phẩm thực phẩm chứ không phải là con sống.

nhieu-lo-hong-trong-viec-nhap-khau-va-buon-ban-ca-tam-trung-quoc

Trái ngược với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan, số lượng cá tầm Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam vẫn tăng vọt.

Điều đáng nói, việc kiểm tra quy trình cách ly kiểm dịch cá tầm nhập khẩu lâu nay hầu như bị buông lỏng, không kiểm soát. Theo tiết lộ của các chủ buôn, do cá tầm Trung Quốc nhập về hàng ngày nên chủ hàng "lách luật" bằng cách sử dụng giấy kiểm dịch của lô hàng về từ 3 ngày trước và đã kết thúc cách ly kiểm dịch để đối phó với lực lượng chức năng kiểm tra trong quá trình đưa ra thị trường tiêu thụ.

Những con số thống kê của cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã khiến nhiều người "giật mình". Trong thời gian từ ngày 23/7/2020 đến 8/2/2021 các doanh nghiệp đã nhập khẩu số lượng 2988 tấn cá tầm Trung Quốc về Việt Nam.

Trong đó có tới 7 doanh nghiệp nhập khẩu cá tầm trong thời gian Thủ tướng cấm nhập khẩu theo Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ và 2 trong số đó lại tiếp tục vi phạm khai báo hải quan không đúng với số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về. Số lượng hàng thừa lên đến cả tấn nhưng vẫn không bị rút giấy phép hoặc bị cơ quan chức năng đình chỉ nhập khẩu.

Bất ngờ hơn, ngày 20/8/2020, Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp có văn bản thông báo chỉ đạo của Tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị yêu cầu "Cơ quan quản lý CITES Việt Nam xem xét, cấp giấy phép CITES cho Công ty Thanh Tú và Công ty Sỹ Hưng nếu 2 Công ty đã nộp đủ hồ sơ theo quy định về cấp giấy phép theo Điều 25 Nghị định 06/2019/NĐ-CP và đã sử dụng hết các giấy phép được cấp trước ngày 28/1/2020, được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhập khẩu trước ngày 23/7/2020".

nhieu-lo-hong-trong-viec-nhap-khau-va-buon-ban-ca-tam-trung-quoc

Việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam đã gây ra những hệ lụy không nhỏ, nhất là vấn đề chất lượng và kiểm dịch. Về lâu dài, những “lỗ hổng” trong việc quản lý có nguy cơ giết chết ngành nuôi cá tầm đầy tiềm năng trong nước.

Theo thông tin từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), trong tháng 1/2021, đơn vị này đã phát hiện lô cá tầm Trung Quốc của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Thanh Tú khai báo trên tờ hải quan nhập khẩu không đúng với số lượng cá tầm Trung Quốc nhập về.

Số lượng hàng thừa được xác định lên đến 850 kg. Hiện lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng đối với công ty này.

Các số liệu từ cơ quan chức năng cung cấp cũng cho thấy, Công ty TNHH Thủy sản Sỹ Hưng và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy hải sản Thanh Tú là 2 doanh nghiệp "khủng" trong việc nhập khẩu cá tầm Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. 2 công ty này có cùng địa chỉ đăng ký ở số 1, ngõ 562 đường Lĩnh Nam, tổ 19, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội và đều do bà Nguyễn Thị Thư là đại diện pháp luật.

Trước những chỉ đạo bất thường của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp và sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng liên quan khiến dư luận đặt nghi vấn về "lợi ích nhóm" trong việc nhập khẩu và tiêu thụ cá tầm Trung Quốc tại Việt Nam?.

Theo GiaDinh