Nhiều người 'ngậm quả đắng' vì mua hàng online

Ham hố mua hàng online giá rẻ, mẫu mã đẹp, lại giao hàng tận nơi, nhiều người tiêu dùng đã 'ngậm quả đắng'

Ghé thăm một số trang bán hàng online giá rẻ, hầu hết các sản phẩm có mẫu mã đẹp, hàng nhập khẩu, màu sắc bắt mắt.

Chẳng hạn, túi sách thời trang Lendy từ da Pu, giá khuyến mãi chỉ còn 245.000 đồng; Đầm viền ren cao cấp – GS140, vãi cát Hàn co giãn tốt, có đủ màu, giảm giá còn 210.000 đồng…

Nhiều người 'ngậm quả đắng' vì mua hàng online

Sản phẩm đăng trên các trang website bán hàng đều có hình ảnh, mẫu mã đẹp.

Phần lớn sản phẩm tại các trang bán hàng online đều có mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt, hàng nhập khẩu chất liệu tốt, giao hàng tận nơi.

Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng phản ánh, sản phẩm không giống với hình ảnh quảng cáo trên website. Thậm chí, nhiều sản phẩm được quảng cáo nhập từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhưng thực chất lại xuất xứ từ Trung Quốc.

Chị Thu, làm việc tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, tuần trước chị đặt mua một chiếc váy qua mạng và được nhận hàng ngay trong ngày. Tuy nhiên, mẫu mã và màu sắc khác xa so với hình ảnh trên mạng.

“Trên website, chiếc váy có màu xanh lá cây đậm, rất đẹp mắt nhưng lúc kiểm tra hàng lại có màu xanh nhợt nhạt. Phần eo thiết kế bị lỗi, vải nhăn nheo trông rất xấu”, chị Thu ngán ngẩm.

Có kinh nghiệm với việc mua hàng qua mạng, chị Nguyễn Kim Nhung ở quận Hà Đông cho biết chưa lần nào mua phải hàng hóa mà mình không ưng ý.

“Tôi thường mua ở những cửa hàng uy tín được bạn bè giới thiệu hoặc mua ở những cửa hàng từng mua và yêu cầu phải có hóa đơn.

Nếu khách hàng không ưng ý có thể đổi trả lại. Những cửa hàngkinh doanh có uy tín họ luôn chấp nhận điều này”, chị Nhung cho hay.

Nhiều người 'ngậm quả đắng' vì mua hàng online

Không ít khách hàng phàn nàn vì sản phẩm khác xa với hình ảnh trên website.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Tổng Thư ký, Trưởng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử tại TP HCM cho biết, theo Nghị đinh 52, các website trước khi họat động kinh doanh cần phải đăng ký với Bộ Công thương.

Việc đăng ký này giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm được thông tin doanh nghiệp, cá nhân có liên quan đến website.

Trường hợp người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại các website bán hàng không đúng chất lượng, quảng cáo thổi phồng, chế độ bảo hành hay bán hàng lừa đảo… thì thông qua các thông tin đăng ký, cơ quan chức năng có thể lần ra đầu mối để xử lý, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nếu vi phạm nặng có thể đưa vào danh sách website bị phản ánh, website vi phạm để người tiêu dùng nhận biết và cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xử phạt.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa theo kịp để quản lý thị trường mới này.

Thực tế, đã có nhiều người mua qua mạng khiếu nại vì mua phải hàng hóa kém chất lượng. Nếu hàng hóa mua có địa chỉ rõ ràng thì theo quy định của pháp luật, người tiêu dùng vẫn được đền bù.

Tuy nhiên, nếu mua phải hàng của công ty, cửa hàng không có địa chỉ rõ ràng hoặc thì người tiêu dùng phải chịu thiệt.

Ông Hùng khuyến cáo, người tiêu dùng phải hết sức quan tâm đến tính chính danh của trang mạng đó để quyết định mua, tránh rủi ro cho mình.

Đặc biệt những quảng cáo thái quá có giá bán không bình thường thì người tiêu dùng không nên ham rẻ.

Nhiều doanh nghiệp lơ là

Sở Công Thương TP HCM cho biết đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội nghị tuyên truyền cho các doanh nghiệp trên địa bàn về việc thông báo, đăng ký website thương mại điện tử.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm thực hiện đăng ký, thông báo.

Theo vietq