Nhiều người thắc mắc: Tại sao chỉ ở trong nhà mà vẫn bị nhiễm bệnh Covid-19?

Trả lời về nguyên nhân khiến những người không đi đâu, chỉ ở trong nhà mà vẫn nhiễm Covid-19, BS Trương Hữu Khanh đã có một số chia sẻ về nguồn lây như sau!

Dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp tại nước ta. Mặc dù tuân thủ giãn cách xã hội, nhiều người bày tỏ thắc mắc chỉ sống trong nhà, không đi đâu, thế nhưng khi xét nghiệm vẫn dương tính.

Nhiều người khi được xác định nhiễm covid-19 đã không khỏi bất ngờ, sợ hãi. Họ luôn khẳng định rằng, mình chỉ sống trong nhà, chẳng giao du chuyện trò với ai, có đi chợ cũng đeo khẩu trang, rửa tay liên tục bằng xà phòng, nước sát khuẩn… tuân thủ kỹ càng quy tắc 5K.

nhieu-nguoi-thac-mac-tai-sao-chi-o-trong-nha-ma-van-bi-nhiem-benh-covid-19

Việc điều tra kỹ dịch tễ mới là then chốt để phát hiện lây nhiễm từ đâu.

Từ lo lắng, sợ hãi, nhiều người bắt đầu suy diễn về khả năng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 như: nhà hàng xóm nhiễm thì virus có thể "bay" sang được nhà mình; virus lây qua không khí...

Trước vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu (cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam) luôn nhấn mạnh, việc lây nhiễm qua không khí của nCoV chưa có đủ bằng chứng kết luận. Việc điều tra kỹ dịch tễ mới là then chốt để phát hiện lây nhiễm từ đâu. Thế nên, có những người luôn khẳng định "chỉ ở trong nhà" mà vẫn nhiễm Covid-19 thì quan trọng nhất là phải điều tra kỹ lại dịch tễ.

Trả lời về nguyên nhân khiến những người "không đi đâu", "chỉ ở trong nhà" mà vẫn nhiễm Covid-19, BS Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) đã có một số chia sẻ về nguồn lây như sau:

1. Từ người giao hàng

Nhiều người cho rằng mình không đi đâu, chỉ ở trong nhà nhưng thực tế thì vẫn có tiếp xúc với hàng hóa, với shipper. Shipper là người đi giao hàng, có thể tiếp xúc từ người này đến người kia. Dù chỉ thoáng chốc, không cần nói chuyện, cầm gói hàng từ tay shipper và bạn chạy vội vào nhà… Những tình huống như vậy nhiều người cho rằng không có khả năng lây nhiễm. Thực tế thì điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

nhieu-nguoi-thac-mac-tai-sao-chi-o-trong-nha-ma-van-bi-nhiem-benh-covid-19

Nhiều người cho rằng mình không đi đâu, chỉ ở trong nhà nhưng thực tế thì vẫn có tiếp xúc với hàng hóa, với shipper.

Nguyên nhân bởi bàn tay là nơi khu trú của virus, vi khuẩn, chúng ta không thể chắc shipper cẩn thận đến nỗi sau khi giao hàng xong một nơi lại dùng sát khuẩn luôn. Khi đến gặp bạn, bàn tay cầm món hàng đưa trực tiếp sang tay bạn cũng có thể lây nhiễm.

Chưa kể, bạn có suy nghĩ chủ quan khi gặp shipper. Bạn có chắc mình đeo khẩu trang, dùng sát khuẩn, duy trì khoảng cách… khi nhận hàng? Tất cả những yếu tố đó đều có thể là nguồn lây nhiễm bệnh nếu chẳng may shipper tiếp xúc với nguồn lây trước đó hoặc đã âm thầm bị nhiễm bệnh.

Giải pháp: Nên giao hẹn trước với shipper, đặt hàng hóa ở vị trí trước nhà, nơi mình dễ dàng quan sát. Khi shipper bỏ hàng tại đó rồi rời đi hãy xuống lấy hàng. Khi xuống vẫn nên dùng khẩu trang, bê hàng vào nên xịt khuẩn, rửa tay sạch bằng xà phòng và nước sau khi bê gói hàng vào.

2. Nhận lại tiền thừa từ các giao dịch

Sau những lần mua hàng online thì bạn vẫn cần gặp shipper để nhận hàng. Nếu bạn trả tiền bằng cách chuyển khoản thì dĩ nhiên không cần phải đưa tiền trực tiếp khi nhận hàng. Còn không, bạn vẫn phải trả tiền món hàng bằng cách mặt đối mặt với shipper. Nguy cơ lây nhiễm có thể đến từ bàn tay từng cầm qua những đồng tiền thừa được trả lại.

nhieu-nguoi-thac-mac-tai-sao-chi-o-trong-nha-ma-van-bi-nhiem-benh-covid-19

Nguy cơ lây nhiễm có thể đến từ bàn tay từng cầm qua những đồng tiền thừa được trả lại.

Tổ chức y tế thế giới WHO từng lên tiếng cảnh báo, mọi người nên ngừng giao dịch bằng tiền mặt nếu có thể vì tiền giấy có thể là một nguồn lây nhiễm nCoV. WHO cũng cho biết, người tiêu dùng nên rửa sạch tay sau khi có những tiếp xúc với tiền mặt trong giao dịch vì virus gây bệnh Covid-19 có khả năng tồn tại trong một số ngày trên các bề mặt như tờ bạc giấy. Thế nên, sử dụng tiền mặt để giao dịch hàng hóa cũng là một trong những nguyên nhân có thể khiến bạn lây nhiễm Covid-19 ngay cả khi chỉ ở nhà chẳng đi đâu.

Giải pháp: Chuyển khoản online thay vì giao dịch bằng tiền mặt.

3. Thang máy

Đối với những người sống ở chung cư, thang máy luôn là một trong những nguồn lây nhiễm Covid-19 đáng quan tâm. Bạn không đi đâu nhưng vẫn cần xuống dưới sảnh lấy hàng hóa. Ở tầng cao, bạn tất nhiên phải đi thang máy. Trong thang máy chung cư, việc một mình một thang là điều hiếm hoi. Ít nhất sẽ có vài người đi cùng thang máy với bạn.

Trong không gian kín, lại đông người, dù không nói chuyện với nhau vẫn có nguy cơ lây nhiễm, rồi việc bấm nút thang máy không đảm bảo yêu cầu... Tất cả những yếu tố ấy đều có thể khiến bạn lây nhiễm bệnh dù bạn chưa phi xe ra ngoài đường, chưa hề bước chân đến chợ cóc.

nhieu-nguoi-thac-mac-tai-sao-chi-o-trong-nha-ma-van-bi-nhiem-benh-covid-19

Bạn không đi đâu nhưng vẫn cần xuống dưới sảnh lấy hàng hóa.

Giải pháp: Hạn chế đi vào thang máy đông người. Không nói chuyện khi đi ở trong thang máy. Nếu có thể hãy đi thang bộ.

4. Đi lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin

BS Trương Hữu Khanh khẳng định, việc đi lấy mẫu không đúng quy định của Bộ Y tế có thể làm lây nhiễm chéo. Do đó, dù không đi đâu nhưng nhiều người đến hẹn lịch tiêm vắc-xin, khi cần xét nghiệm Covid-19 vẫn cần phải đến khu vực yêu cầu, lấy mẫu xét nghiệm. Việc không đảm bảo có thể khiến người dân bị lây nhiễm bệnh.

Giải pháp: Nhân viên y tế cần rửa tay nhanh trước khi lấy mẫu, thay găng sau lấy mẫu 5 người. Thực hiện lấy mẫu như lấy cho người thân của mình. Người dân đi lấy mẫu phải tuân thủ khoảng cách, khẩu trang và phải có ý kiến khi nhân viên y tế làm không đúng quy định vì mình được quyền nói.

nhieu-nguoi-thac-mac-tai-sao-chi-o-trong-nha-ma-van-bi-nhiem-benh-covid-19

Việc đi lấy mẫu không đúng quy định của Bộ Y tế có thể làm lây nhiễm chéo.

Tóm lại, BS Trương Hữu Khanh khẳng định, ngay cả khi thực hiện giãn cách xã hội thì bạn vẫn có nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Điều quan trọng là luôn biết cách bảo vệ chính mình, không được chủ quan. Chú ý khi rời khỏi cửa nhà cần phải đeo khẩu trang, mang theo dung dịch sát khuẩn, trang bị thêm kính chắn giọt bắn, không được tụ tập đông người dù chỉ một chốc một lát.

Hạn chế tiếp xúc với bất cứ ai, nếu có thể giao dịch bằng những cách không cần mặt đối mặt để nhận hàng hóa thì hãy tận dụng tối đa.

Sau cùng, bước sát khuẩn đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Đi ra ngoài về, dù chỉ là xuống sảnh cũng không chủ quan. Nên thay quần áo, bỏ khẩu trang đúng nơi quy định, rửa tay sạch bằng xà phòng...

Theo Nhịp Sống Việt/Giadinh