Nhiều rủi ro khi mua ôtô thanh lý từ ngân hàng

Theo các chuyên gia về ô tô, khi mua ô tô thanh lý từ ngân hàng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro người dân cần thận trọng.

Xe thanh lý mà các ngân hàng bán ra là xe do các cá nhân, công ty mua dưới hình thức trả góp nhưng không còn khả năng trả nợ, nên bị ngân hàng thu hồi và bán lại. Trong khoảng 45-180 ngày kể từ khi khách không thể trả nợ tùy trường hợp, ngân hàng sẽ tiến hành thu hồi xe. Nếu không thể bán cho khách cá nhân, ngân hàng sẽ bán cho các công ty chuyên thu hồi nợ hoặc đơn vị kinh doanh ô tô cũ.

Đặc biệt, thời gian giáp Tết là lúc nhiều ngân hàng thanh lý xe nợ xấu, xe không còn khả năng trả nợ để siết nợ hoặc thu hồi vốn cuối năm. Ngoài những yếu tố rủi ro khi mua xe thanh lý ngân hàng, thời điểm cuối năm mua xe thanh lý ngân hàng người mua cần chú ý thêm các yếu tố sau.

nhieu-rui-ro-khi-mua-oto-thanh-ly-tu-ngan-hang

 Cẩn thận khi mua xe ô tô thanh lý của ngân hàng. Ảnh minh họa

Giá rẻ nhưng thủ tục phức tạp

Giá xe thanh lý mà các ngân hàng đang đưa ra dù thấp hơn giá chung của thị trường nhưng lại có nhiều thủ tục giải quyết phức tạp hơn về mặt pháp lý. Nếu thực hiện mua bán không cẩn thận sẽ dễ nảy sinh tình huống tranh chấp. 

Hơn nữa, do là tài sản thanh lý nhằm thu hồi vốn giảm nợ xấu cho nên ngân hàng sẽ không hỗ trợ trả góp, mà sẽ lấy tiền mặt toàn bộ.

Thời gian xử lý hồ sơ có thể lâu hơn

Cuối năm, nhiều bộ phận ngân hàng khá bận để giải ngân hoặc chạy chỉ tiêu cuối năm, thời gian xử lý vì thế có thể sẽ chậm hơn. Nhiều thủ tục thanh toán hơn cũng là điều khiến xe thanh lý bị phát sinh thêm thời gian đăng ký, sang tên. Một số bước trong quá trình này như xem xe, kiểm tra xe, thỏa thuận giá, ngân hàng duyệt giá, thanh toán nợ vào ngân hàng, trả tiền thừa cho chủ xe nếu có, hoàn thiện giấy tờ với ngân hàng, làm công chứng sang tên.

Đối với tài sản thanh lý, việc xử lý hồ sơ có thể lâu hơn do người bị thu hồi tài sản trì hoãn ký giấy tờ thanh lý, hoặc cố tình không đồng ý thương thảo về giá bán cuối cùng để thanh lý tài sản. Mục đích của việc này là người có nợ kéo dài thời gian để kiếm tiền chuộc xe. Lý do thứ hai, cũng vì dịp cuối năm, lượng xe thanh lý nhiều hơn, khu vực đăng ký, công chứng xe cũng đông bình thường khiến xử lý hồ sơ có thể kéo dài hơn 3-10 ngày.

Chất lượng xe không đảm bảo

Đa số ngân hàng không cam kết về chất lượng xe bán thanh lý, bởi không phải chuyên môn. Tâm lý ham rẻ khiến nhiều người không kiểm tra kỹ chất lượng xe.

Bên cạnh đó, việc đưa xe tới các garage chuyên nghiệp để kiểm tra cũng bất khả thi, vì các ngân hàng không cho đưa xe ra khỏi bãi nếu chưa đủ tiền. Thực tế, có nhiều chủ cũ gặp tai nạn khi dùng xe, tiền sửa chữa lớn nên những người này bỏ hoặc chỉ sửa qua loa. Sau đó, họ không thanh toán nợ để chờ ngân hàng tới siết nợ. Vì thế, xe ngân hàng bán thanh lý có chất lượng khó kiểm soát.

Ngoài ra, thời gian lưu kho lâu cũng khiến nhiều xe xuống cấp. Để tiết kiệm chi phí, các bãi đỗ xe mà ngân hàng thuê thường là bãi cũ, xa, không có mái che. Vì vậy, xe không được bảo dưỡng định kỳ, bụi bẩn, ố bên ngoài, mốc bên trong, ảnh hưởng cả các hệ thống máy móc, công nghệ.

Pháp lý không rõ ràng

Nhiều chủ xe không chỉ dùng ô tô thế chấp ở ngân hàng mà còn nhiều nơi khác để vay nợ. Vì vậy, nếu người mua xe không tìm hiểu kỹ, có thể sau khi đã sở hữu xe lại phải đối mặt với các vấn đề tranh chấp từ chủ nợ khác. Có trường hợp xe thanh lý đang nằm trong vụ án hình sự hoặc tranh chấp dân sự khác, ví dụ chủ xe vi phạm pháp luật, vợ chồng đang ly hôn (xe là tài sản chung), điều này khiến những thủ tục pháp lý thêm rắc rối.

Ngoài ra, còn có một dạng tranh chấp khác, đó là chính chủ xe và ngân hàng không đạt được thỏa thuận giãn nợ. Khi đó, xe đã bị thu hồi, nhưng chủ xe lại không đồng ý thanh lý tài sản, không ký giấy bán. Việc mua xe thanh lý, phát mãi, siết nợ từ ngân hàng cuối năm sẽ ẩn chứa nhiều rủi ro nhưng cũng là cơ hội cho nhiều khách hàng muốn mua xe với giá tốt hơn vì ngân hàng chủ động để giá xe thấp hơn thị trường, tăng tính thanh khoản. Một số ngân hàng còn mở các hội chợ thanh lý, hỗ trợ, cam kết giấy tờ pháp lý cho khách mua xe.

Mua bán qua hình thức đấu giá

Thường đa số giao dịch mua bán xe thanh lý đều được thực hiện bằng việc đấu giá tại các trung tâm đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp hoặc trả giá bằng miệng. Nếu trong phiên đấu giá có từ 2 người tham gia trả giá trở lên thì ai là người trả giá cao hơn sẽ sở hữu xe.

Có những trường hợp, người mua không cần tham gia đấu giá. Người mua có thể thoả thuận giá cả, hình thức thanh toán với chủ xe. Ưu điểm của cách này là thủ tục nhanh gọn hơn nhưng độ rủi ro cao.

Giá xe rao bán ban đầu chênh nhiều với giá mua bán

Từ giá trị ban đầu của chiếc xe nhưng trong phiên đấu giá có thể sẽ được trả giá cao hơn. Việc đưa ra giá xe ban đầu thấp có thể chỉ là cách để thu hút người mua, tạo cảm giác sẽ mua được giá rẻ. Càng nhiều người quan tâm, tham gia trả giá xe thì ngân hàng càng được lợi và khả năng giá xe đẩy lên cao hơn.

Ngân hàng có thể đưa ra mức giá rất thấp để thu hút nhiều người quan tâm tham gia phiên đấu giá, đến khi bán thì do cạnh tranh nhau người mua sẽ trả giá cao lên. Với hình thức mua bán đó, đôi khi giá bán chiếc xe thực sự sẽ không rẻ như người mua vẫn nghĩ. Do đó, người mua xe cần suy nghĩ và tìm hiểu thật kĩ trước khi quyết định mua xe thanh lý từ ngân hàng.

Theo VietQ