Nhiều siêu thị lớn ở TP.HCM vẫn hoạt động, mua bán cách nào?

Các siêu thị lớn trên địa bàn TP.HCM như Satra, Saigon Co.op, AEON, MM Mega Market... đều khẳng định vẫn mở cửa hoạt động và sẵn sàng phối hợp với các tổ đặc biệt của phường để cung ứng hàng hóa cho dân.

nhieu-sieu-thi-lon-o-tp-hcm-van-hoat-dong-mua-ban-cach-nao

Trước sức mua tăng nhanh, dồn dập, cứ 30 phút nhân viên của siêu thị tiếp hàng một lần. Hàng hóa vẫn rất dồi dào nhưng sức mua quá mạnh khiến tình trạng hàng bị thiếu cục bộ xảy ra. Trong khi đó, kênh bán hàng online cũng ghi nhận bị quá tải phục vụ - Ảnh: M.M

  Từ ngày 23-8, tất cả hoạt động mua bán hàng hóa, lương thực thực phẩm của người dân sẽ được các cơ quan địa phương hỗ trợ thực hiện. Các siêu thị đã chuẩn bị ra sao?

Các hoạt động bán lẻ trực tiếp sẽ tạm dừng và chỉ còn tổ chức bán hàng theo cách thức duy nhất là "soạn đơn theo yêu cầu" và giao qua lực lượng chức năng.

Combo hàng hóa đã sẵn sàng

Các siêu thị lớn trên địa bàn TP.HCM như Satra, Saigon Co.op, AEON, MM Mega Market... đều khẳng định vẫn mở cửa hoạt động và sẵn sàng phối hợp với các tổ đặc biệt của phường để cung ứng hàng hóa cho dân. Trong ngày 22-8, nhiều combo hàng thiết yếu đã được các nhà phân phối thiết kế, kèm mức giá cụ thể gửi về cho các tổ đặc biệt.

Đại diện SatraFood cho biết từ ngày 23-8, 120 trong số 188 cửa hàng ở khu vực TP.HCM sẽ hoạt động bình thường. Các điểm bán này vừa nằm trong "vùng xanh" và "vùng đỏ", riêng gần 70 cửa hàng phải đóng cửa do không đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ". 

Trong ngày 22-8, hệ thống này cũng đã hoàn thành mẫu 6 combo thực phẩm khác nhau để giới thiệu đến khách hàng. Các mẫu combo có giá bình quân 300.000 đồng đa dạng mặt hàng từ trứng, rau, hành ngò đến thịt gà, thịt bò, heo... Người dân cũng được lựa chọn thêm số lượng theo nhu cầu.

"Dựa trên đơn hàng này, tổ tình nguyện của khu phố sẽ chuyển đơn hàng và thanh toán tiền cho cán bộ đầu mối tại phường để nhập dữ liệu đặt hàng trước 9h30 hằng ngày để chuyển về phòng kinh tế. Từ đây, các đơn hàng được tổng hợp và chuyển về cho siêu thị, cửa hàng để chuẩn bị soạn hàng hóa trước 11h30 hằng ngày. Hàng sẽ được đóng gói và chuyển giao về điểm tập kết của khu phố từng phường trong sáng hôm sau, người dân sẽ thanh toán khi nhận hàng" - đại diện SatraFood cho biết.

nhieu-sieu-thi-lon-o-tp-hcm-van-hoat-dong-mua-ban-cach-nao

Người dân xếp hàng trật tự chờ siêu thị mở cửa - Ảnh: BÔNG MAI

Theo ghi nhận, các siêu thị, cửa hàng đã bắt đầu thiết kế những mẫu combo khác nhau dựa trên nguồn hàng siêu thị sẵn có và đơn hàng từ phòng kinh tế. Đại diện Lottemart Việt Nam cho biết siêu thị xác định sẽ bán combo trong hai tuần tới và đang tính toán nhân sự.

"Do yêu cầu siêu thị phải hoạt động '3 tại chỗ' nên nhân sự sẽ tính toán rất kỹ. Cùng với 10% nhân viên cơ hữu được phép đi lại trong giờ hạn chế, siêu thị đang hợp tác với chính quyền địa phương về khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường" - đại diện Lottemart cho biết.

Trong khi đó, AEON Việt Nam vẫn đang làm việc với Sở Công thương TP.HCM, đồng thời phối hợp với UBND quận Tân Phú và Bình Tân để hoàn tất các công tác chuẩn bị. Nhà bán lẻ này cũng sẽ tạm ngừng các kênh bán hàng trực tuyến (qua điện thoại, tin nhắn, các ứng dụng) tại khu vực TP.HCM kể từ ngày 23-8 cho đến khi có thông báo mới.

nhieu-sieu-thi-lon-o-tp-hcm-van-hoat-dong-mua-ban-cach-nao

Hàng dài người dân xếp hàng vào Big C - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngay cả MM Mega Market Việt Nam dù chưa có đơn hàng từ phía phường trong ngày 22-8, nhưng cho biết vẫn mở cửa các ngày tiếp theo và sẵn sàng bán hàng theo yêu cầu đặt hàng từ phường. 

"Nhiều địa phương cũng tính toán sẽ chưa thể triển khai ngay và sử dụng hết công suất bán hàng theo combo trong ngày 23-8. Nhưng các ngày sau, nhu cầu sẽ tăng cao dần do lượng hàng người dân dự trữ bắt đầu hết" - đại diện siêu thị này cho biết.

Theo đại diện Phòng kinh tế quận 8, trên địa bàn quận có 5 hệ thống phân phối như San Hà, Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op, Satra... và sẽ gánh hết tất cả các đơn hàng trên địa bàn quận. 

Theo tính toán, quận có khoảng 108.000 hộ, trong đó khoảng 47.000 hộ khó khăn và xác định sẽ hưởng gói an sinh xã hội trong thời gian này. Với khoảng 61.000 hộ còn lại sẽ có nhu cầu sử dụng dịch vụ "đi chợ hộ" và quận chọn phương án triển khai khoảng 12 combo chia theo từng nhóm hàng rau, gia vị, củ, thịt, cá, đồ dùng vệ sinh, gia dụng... để người dân mua hàng.

"Các đơn vị phân phối sẽ báo giá cho quận 8 với một mức giá như nhau cho các mặt hàng cùng loại. Vì nếu các đơn vị cho giá khác nhau thì quận phải tính ngược lại cho người dân rất mất thời gian. Một hộ vì thế có thể đăng ký vài combo đáp ứng nhu cầu của gia đình. Hiện quận đã làm việc với các đầu mối và khả năng đáp ứng khoảng 4.000 đơn hàng soạn sẵn/ngày" - đại diện Phòng kinh tế quận 8 cho biết.

Sẽ điều chỉnh nguồn hàng

Theo hướng dẫn của UBND TP.HCM, việc "đi chợ hộ" cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân sẽ do các tổ hậu cần, tổ COVID-19 cộng đồng, lực lượng tình nguyện, công an, quân đội theo từng phường, xã, thị trấn của các quận, huyện, TP Thủ Đức chịu trách nhiệm. Nhiều địa phương đã kịp "kéo" các mặt hàng thiết yếu như gạo, trứng, thịt... về trữ các kho trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Ngọc An - tổng giám đốc Công ty Vissan, đơn vị đã điều chỉnh tăng lượng thịt tươi sống bán ra thị trường với 80 tấn/ngày và có thể tăng hơn nữa khi thị trường cần bởi nguồn cung heo dồi dào, lượng dự trữ còn và công nhân đã đi làm lại.

Tuy nhiên, theo ông An, để chủ động hơn trong kế hoạch giao nhận và sản xuất, các sở ngành cần nhanh chóng phê duyệt và cấp mẫu giấy đi đường cho lực lượng lao động được phép đi lại trong thời gian này. "Nếu chính quyền sắp xếp và hỗ trợ tốt khâu giao hàng từ điểm bán đến người dân khi nhân viên siêu thị bị hạn chế ra ngoài thì khâu cung ứng hàng hóa sẽ ổn định" - ông An nói.

Nhiều hệ thống cũng khẳng định không thiếu hàng, sẵn sàng linh động theo thị trường. Đại diện Bách Hóa Xanh cho biết không thiếu hàng nhưng do đặc thù hàng hóa có hạn sử dụng ngắn nên các ngày đầu đơn vị có thể giảm nguồn cung hàng tươi sống để đo lường sức mua, khi cần sẽ tăng lại ngay. Ngoài ra sẽ điều chuyển lượng hàng từ điểm này sang điểm khác để cân đối nguồn cung phù hợp với sức mua.

nhieu-sieu-thi-lon-o-tp-hcm-van-hoat-dong-mua-ban-cach-nao

Người dân xếp hàng tại Bách Hóa Xanh trên đường Phan Chu Trinh, Q.Bình Thạnh - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Đại diện một siêu thị tại TP.HCM thẳng thắn: qua làm việc với chính quyền một số địa phương để có phương án hỗ trợ giao nhận thì thấy liên hệ chưa rõ ràng, nhiều địa phương còn rối. "Để phương án giao nhận đạt hiệu quả và duy trì trong 14 ngày giãn cách, TP cần sớm có thêm chỉ đạo, hướng dẫn" - vị này đề nghị.

Nhiều điểm bán đóng cửa vì không đảm bảo "3 tại chỗ"

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-8, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết cố gắng mở tối đa các điểm bán trong số gần 600 điểm tại TP.HCM. Tuy nhiên không tránh khỏi phải đóng cửa một số điểm bán do khó có thể đáp ứng được điều kiện "3 tại chỗ".

Ông Nguyễn Ngọc An cũng cho hay hệ thống gần 50 cửa hàng của Vissan tại TP.HCM sẽ áp dụng triệt để "3 tại chỗ", nhân viên sẽ ở lại để duy trì hoạt động bình thường khi TP siết chặt giãn cách, trừ số ít cửa hàng không đủ tiêu chuẩn hoặc nằm trong "vùng đỏ" có thể sẽ tạm ngưng hoạt động.

Đại diện Công ty CP cho biết hiện đã có một số điểm bán tạm ngưng do dịch, nhưng nguồn cung cho TP vẫn không giảm nhiều. Theo đó, đơn vị vẫn duy trì nguồn cung khoảng 1.200 mảnh heo (600 con) cho gần 75 điểm bán tại TP.HCM trong thời gian TP siết chặt giãn cách.

Theo Tuoitre