Những đại gia địa ốc ôm hàng tồn kho nghìn tỷ

Thống kê gần 60 doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý II, hiện có tới 17 doanh nghiệp đang có hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng.

Những đại gia địa ốc “ôm” hàng tồn kho nghìn tỷ

Tổng hàng tồn kho của 17 doanh nghiệp này tính đến 30/6/2015 là 69.018 tỷ đồng, tăng thêm 6.654 tỷ so với đầu năm, tương ứng tăng 11%.


Tổng hàng tồn kho của 17 doanh nghiệp này cũng đang chiếm tới 90% hàng tồn kho của các doanh nghiệp địa ốc đang niêm yết.

Mặc dù có 5 doanh nghiệp có hàng tồn kho giảm so với đầu kỳ nhưng mức giảm không lớn (dưới 5%) nên không thể kéo bớt mức tăng hàng tồn kho của cả ngành.

Xét về giá trị tuyệt đối, Vingroup (VIC) là doanh nghiệp đứng đầu bảng khi có giá trị tồn kho tăng nhanh từ 16.598 tỷ đồng đầu năm lên 20.712 tỷ đồng cuối quý II này, tương ứng tăng 25%.

Mức tăng này chủ yếu do giá trị bất động sản để bán đang xây dựng tăng từ 12.981 tỷ đồng đầu kỳ lên 18.241 tỷ đồng cuối kỳ. Hàng tồn kho bệnh viện, siêu thị và gian hàng chuyên doanh cũng tăng từ 233 tỷ lên 713 tỷ đồng.

Những đại gia địa ốc “ôm” hàng tồn kho nghìn tỷ

Những doanh nghiệp bất động sản có hệ số Hàng tồn kho/Tổng tài sản lớn


Tuy nhiên xét về tỷ lệ, Tập đoàn Hà Đô (HDG) là doanh nghiệp có mức độ hàng tồn kho tăng nhanh nhất khi cuối quý II, hạng mục này đã lên đến 1.170 tỷ đồng (đầu 2015 chỉ khoảng 889 tỷ đồng), tương ứng tăng 32%. Mức tăng cao này chủ yếu do giá trị các công trình xây dựng dở dang của HDG tăng từ 169 tỷ đồng lên 909 tỷ đồng cuối tháng 6.

Hàng tồn kho lớn là nỗi lo ngại của nhiều doanh nghiệp bất động sản khi hạng mục này đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản. Hiện có tới 18 doanh nghiệp có tỷ trọng hàng tồn kho/tổng tài sản trên 50%.

Trong khi đó, mặc dù hàng tồn kho lên tới 8.000 tỷ, tăng thêm 6% so với đầu năm song Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) vẫn cho rằng khoản hàng tồn kho này là lợi thế của doanh nghiệp.

KBC cho biết hơn 400 tỷ đồng hàng tồn kho tăng trong 6 tháng đầu năm 2015 tập trung chủ yếu ở KCN Tràng Duệ, do gần 200ha đất Giai đoạn 2 đã được đền bù giải phóng mặt bằng và đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Doanh nghiệp này cũng khẳng định đây là đặc thù của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp, tích lũy đất là rất quan trọng và đây là quỹ đất đảm bảo cho KBC duy trì hoạt động trong hàng chục năm nữa.

Quốc Cường Gia Lai (QCG) tuy chưa công bố bản cân đối kế toán và thuyết minh chi tiết của báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2015, song cuối quý I/2015, hàng tồn kho của doanh nghiệp này vẫn đang nằm ở mức cao: 4.134 tỷ đồng. Nếu bao gồm cả QCG, hiện đang có 18 doanh nghiệp bất động sản niêm yết đang có hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng.


Theo Nguyên Minh(BizLIVE/Vinanet)