Những người không được uống nước mía

Nước mía là một loại đồ uống giải khát được làm từ mía bằng phương pháp xay ép cây mía để lấy nước.Loại nước uống này rất được yêu thích trong mùa hè, tuy nhiên có những người không được uống nước mía vì không có lợi cho sức khỏe của họ.

Giá trị dinh dưỡng có trong nước mía

Trong nước mía có thành phần chủ yếu là đường saccaro, ngoài ra còn chứa nhiều can-xi, crôm, côban, đồng, magiê, mangan, phốtpho, kali và kẽm. Bên cạnh đó, nước mía còn cung cấp sắt và vitamin A, C, B1, B2, B3, B5, B6 cùng với khá nhiều các phytonutrient, chất chống ôxy hóa, protein và chất xơ hòa tan khác cần thiết cho cơ thể.

Những người không được uống nước mía

Các chất dinh dưỡng này giúp làm khỏe thận, bao tử, mắt, tim, đường ruột và các cơ quan sinh dục. Nó cũng giúp làm giảm các cholesterol xấu do đó phòng chống bệnh ung thư, cân bằng lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường, giảm sốt, giảm cân, thanh lọc thận cùng nhiều bệnh lý khác.

Không được uống nước mía khi đang sử dụng một số loại thuốc

Chất policosanol có trong nước mía giúp làm giảm cholesterol xấu của cơ thể, ngăn ngừa các bệnh về tim mạch. Tuy nhiên, nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc như thuốc bổ sung, chống đông máu thì không nên uống nước mía. Bởi các loại thuốc này sẽ cản trở tác dụng của policosanol, khiến công dụng của nó trở nên vô nghĩa.

Người có đường ruột yếu, hay đầy bụng, đi lỏng không được uống nước mía thường xuyên

Nước mía có tính lạnh và hàm lượng đường rất cao nên đối với người có đường ruột yếu, hay đầy bụng và đi lỏng thì không nên sử dụng nước mía thường xuyên. Cũng chính vì hàm lượng đường cao nên uống quá nhiều nước mía sẽ dẫn đến béo phì vì dư thừa năng lượng.

Một số nguy cơ tiềm ẩn khi uống nước mía

Nguy cơ gây ung thư

Nước mía là loại nước rất phổ biến vào mùa hè. Đối với những máy ép mía không đảm bảo vệ sinh, ngoài việc làm nước mía có màu đục, chất lượng kém, còn tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hại đến sức khỏe. Trong máy ép sẽ có những kim loại nặng tích tụ có thể sẽ gây độc tính và nguy hiểm hơn là tiềm ẩn khả năng gây ung thư rất cao.

Dễ bị nhiễm khuẩn

Khâu vệ sinh cây mía, máy ép, cốc đựng nước thường không đảm bảo sạch sẽ, nên nước mía có thể dễ dàng nhiễm khuẩn, ảnh hưởng không tốt tới hệ tiêu hóa, thậm chí gây ngộ độc, nguy hiểm đến tính mạng.

Ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa

Một hệ lụy tất yếu của việc sử dụng nước mía kém vệ sinh thường xuyên chính là ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Cho dù một số người khỏe mạnh hơn, không bị hoặc ít khi bị đau bụng, tiêu chảy do uống nước mía bẩn, nhưng như thế không có nghĩa là không bị ảnh hưởng. Những chất bẩn và các vi khuẩn trong đó vẫn có thể tích tụ và gây hại cho hệ tiêu hóa. Nó có thể trở thành nguyên nhân gây bệnh cho dạ dày và hệ tiêu hóa bất cứ lúc nào.

Theo Phương Vũ (GĐvn)