'Ở Ấn Độ, người ta để xác ch.ế.t trước cửa mà không báo chúng tôi'

Các tu sĩ đạo Hindu và nhân viên tổ chức tang lễ sẽ nhớ mãi nỗi khiếp sợ khi số ca mắc Covid-19 gia tăng theo cấp số nhân. Họ không muốn phải trải qua tình cảnh này lần nữa.

"Mọi thứ đều hỗn loạn. Các thi thể quấn vải liệm trắng được đưa đến hàng loạt. Tiếng còi xe cấp cứu hú vang từ sáng đến tối. Thứ duy nhất chúng tôi thấy là các giàn thiêu đang rực lửa", Hemant Kumar Sharma, tu sĩ tại khu hỏa táng Seemapuri, nhớ lại.

Trong bộ trang phục màu trắng, ông Kumar ngồi ở sân khu hỏa táng cùng các tu sĩ khác. Trong 26 giàn thiêu, chỉ có một giàn đang hoạt động. Một thi thể khác đang trên đường tới đó.

"Giờ thì thoải mái rồi. Cứ 3-4 ngày sẽ có một thi thể mắc Covid-19 đến đây. Chúng tôi có thời gian để thở, ăn uống và ngủ", ông nói với The Hindu. Đến giờ, ông vẫn không thể tưởng tượng được những gì mình phải trải qua hai tháng trước.

Những ngày không quên

Dạo bước quanh khu hỏa táng, ông Kumar chỉ về một bãi đất trống. Tại đây, các nhân viên khu hỏa táng từng phải dựng thêm 9 giàn thiêu. Ở khu đất khác, 5 giàn thiêu được xây dựng. Giờ đây, khu vực này chỉ còn là khoảng trống đầy vết than đen, với vài viên gạch còn sót lại.

o-an-do-nguoi-ta-de-xac-chet-truoc-cua-ma-khong-bao-chung-toi

Ông Kumar chỉ vào khu đất từng là các giàn thiêu xác nạn nhân Covid-19. Ảnh: The Hindu.

Bước thêm một đoạn, ông Kumar chỉ vào bãi đất khác. "Nơi đây từng là nghĩa trang của trẻ em. Tuy nhiên, khi số ca tử vong lên đến đỉnh điểm, chúng tôi phải biến đây thành khu hỏa táng và xây dựng thêm 72 giàn thiêu. Chúng tôi thậm chí phải phá một bức tường để chuyển gỗ vào", ông hồi tưởng.

Trong khoảng 10 ngày vào tháng 4, hơn 20 nhân viên ở khu hỏa táng, bao gồm tu sĩ, công nhân vệ sinh và người hỗ trợ, phải làm việc 24 giờ mỗi ngày. Họ thậm chí phải thiêu xác giữa đêm, đi ngược lại tín ngưỡng đạo Hindu.

"Mọi người để xác chết trước cửa mà không báo chúng tôi. Ngoài ra, nhiều gia đình mong chúng tôi gửi lại video về lễ hỏa thiêu", ông Kumar nhớ lại.

"Mẹ tôi thường bắt tôi phải về nhà ngủ vài tiếng đồng hồ. Tôi tụng kinh cả trong giấc ngủ, theo như gia đình kể lại", ông nhớ lại. "Giờ tôi đã có thể ngủ ngon".

Ông Kumar có một bé gái 6 tháng tuổi. Ông không dám bế con trong suốt một tháng rưỡi qua do lo ngại mắc Covid-19. Ở nhà, ông ăn và ngủ riêng một góc, cố gắng tránh xa người thân trong gia đình. "Chúng tôi không mặc đồ bảo hộ do quá nóng. Không thể thở được… Chúng tôi chỉ dùng khẩu trang và găng tay", ông nói.

Giờ đây, tình hình đã bớt căng thẳng. Khi chiến dịch tiêm chủng vaccine của Ấn Độ khởi động, toàn bộ nhân viên khu hỏa táng được tiêm. Đây là đối tượng được ưu tiên do phải xử lý thi thể người tử vong do Covid-19.

"Chúng tôi từng hỏa táng cho một bé trai 6 tháng tuổi, tử vong do Covid-19, trong khi cha đứa bé khóc than da diết. Tôi không thể nào quên cảnh tượng này", ông Kumar nói.

o-an-do-nguoi-ta-de-xac-chet-truoc-cua-ma-khong-bao-chung-toi
 

Đại dịch Covid-19 đã gây ra nỗi đau cho hàng trăm nghìn gia đình Ấn Độ. Ảnh: BBC.

Trở về trạng thái bình thường

Tại bệnh viện Lok Nayak, hai căn lều lớn từng được dựng làm phòng chờ cho bệnh nhân trước cửa khu cấp cứu. Đến nay, chúng đã được dỡ bỏ. Không còn bệnh nhân thở oxy bên ngoài bệnh viện. Không còn hàng dài xe cấp cứu với tiếng gia đình người bệnh kêu khóc, cầu xin bệnh viện tiếp nhận.

Anh Abhay, tình nguyện viên cộng đồng, hồi tưởng về những ca trực khi dịch bệnh lên đỉnh điểm. "Tôi không muốn nhớ lại", anh nói.

Tại khu hỏa táng Punjabi Bagh, cây cối từng chết hết do các giàn thiêu mới được dựng lên bên cạnh. Giờ đây, mầm xanh đã trở lại.

"Tôi quen với cảnh tượng này từ năm ngoái, do đó, tôi không bị tác động nhiều", thầy tu Pankaj Sharma kể lại. Tuy vậy, đối với các tu sĩ và nhân viên thiếu kinh nghiệm, việc phải thấy hàng loạt thi thể để lại chấn động về tâm lý.

"Có những ngày chúng tôi không có thời gian ăn uống", anh Deepanshu, một nhân viên 23 tuổi, kể lại. "Một ngày làm việc bắt đầu lúc 6h30. Chúng tôi giúp đỡ người nhà nạn nhân. Nhiều người khóc lóc, sợ hãi và không biết phải đi đâu hay làm gì. Chúng tôi chỉ được nghỉ ngơi sau 9-10 giờ tối".

Trái với nhân viên khu hỏa táng Seemapuri, Deepanshu và đồng nghiệp chưa được tiêm vaccine Covid-19.

"Khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu, các quan chức chính quyền gọi chúng tôi để lấy thông tin. Họ yêu cầu chúng tôi đến một bệnh viện gần đây. Tuy vậy, khi đến viện, họ nói chúng tôi không trong danh sách", một nhân viên nói với The Hindu.

o-an-do-nguoi-ta-de-xac-chet-truoc-cua-ma-khong-bao-chung-toi
 

Trong thời kỳ dịch bệnh lên tới đỉnh điểm, các khu hỏa táng Ấn Độ hoạt động bất kể ngày đêm. Ảnh: Reuters.

"Chúng tôi ở gần các thi thể mắc Covid-19 và nhiều bệnh nhân Covid-19. Chúng tôi xứng đáng được tiêm", Deepanshu khẳng định.

Hiện tại, chỉ còn 1-2 thi thể nhiễm Covid-19 được đưa đến khu hỏa thiêu này mỗi ngày. Hầu hết giàn thiêu đang không hoạt động.

"Tình hình ở đây không đến nỗi tồi tệ như các khu hỏa táng khác. Mọi người vẫn phải chờ đợi, nhưng với thời gian ngắn hơn nhiều", thầy tu Pankaj Sharma cho biết.

Theo Zingnews