Ôm mộng giàu nhanh, mê muội lao vào bẫy đa cấp

Tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, đủ kiến thức để nhận diện mô hình đa cấp biến tướng nhưng không ít người, đặc biệt là người trẻ vẫn mê muội "dính bẫy" vì tham vọng giàu nhanh.

Hơn một tháng nay, chị Ngọc Anh (Hoài Đức, Hà Nội) nhờ người quen tìm và thuyết phục em gái về nhà. Chị kể, em chị là sinh viên năm 2 khoa Kinh tế một đại học ở Hà Nội.

Tháng 2/2014, em tham gia vào đường dây bán hàng đa cấp nhưng không được sự ủng hộ từ gia đình nên bỏ đi từ đó. "Mặc gia đình khuyên ngăn, nó luôn bênh vực sếp, công ty như một tín đồ ngoan đạo. Số tiền em tôi xin của bố mẹ, vay của họ hàng lên tới mấy chục triệu. Tiền không tiếc, tôi chỉ lo em mình không thoát khỏi bẫy đa cấp", chị than thở.

Đây không phải trường hợp hiếm. Khảo sát trên nhiều diễn đàn cho thấy, hiện có rất nhiều sinh viên là nạn nhân của kinh doanh đa cấp biến tướng. Trong đó, nhiều người, dù đã trưởng thành, có đủ thông tin và kiến thức để nhận diện mô hình kinh doanh bất chính nhưng vì lợi nhuận, vẫn sa vào "lưới tơ" đa cấp.

Minh Đức (sinh viên năm 2, quận Đống Đa, Hà Nội) tâm sự, chỉ vì một lời nói của đàn anh: "Em có tố chất của người dẫn đầu, một doanh nhân thành đạt", Đức đã nắm bắt "cơ hội" để thay đổi cuộc đời. 

Ôm mộng giàu nhanh, mê muội lao vào bẫy đa cấp
Nhiều sinh viên dù biết mạo hiểm nhưng vẫn tự mình sa bẫy đa cấp với tham vọng làm giàu nhanh chóng, sớm trở thành doanh nhân thành đạt. Ảnh minh họa: M.Đức.

Được đàn anh hứa sẽ dẫn dắt và giúp đỡ, Đức mạnh dạn đi vay tiền, đầu tư hơn 30 triệu đồng mua mã tham gia hệ thống đa cấp. Sau khi tích cực kêu gọi thêm nhiều người mới, mở rộng nhánh của mình, Đức bắt đầu có thu nhập gần 15 triệu đồngmỗi tháng.

Không chỉ có vậy, cậu còn được được theo chân lãnh đạo đi nước ngoài, dự hội nghị quốc tế, gặp gỡ và tiếp xúc với các doanh nhân thành đạt. Nửa năm trời sống với tư duy của người giàu, Đức thật sự nghĩ mình đã chắc chân trở thành một doanh nhân trẻ thành đạt.

Tuy nhiên, sau 6 tháng, công ty gặp khó khăn, nhiều lần cậu muốn dừng lại nhưng được các anh chị đi trước trấn an, động viên, Đức lại tiếp tục đầu tư vì "khoản lãi lớn sắp về tay". Cho tới khi giám đốc công ty bị truy nã, hệ thống tan rã, Đức nhìn lại chỉ thấy khoản nợ lãi đã lên tới gần 100 triệu đồng.

"Em phải bỏ học, không dám về gặp bố mẹ, đành ở lại thành phố làm thêm trả nợ dần", Đức nói. Tuy nhiên, "văn hóa đa cấp" đã ảnh hưởng tới mức, Đức vẫn cho rằng khó khăn chỉ là nhất thời. Với "tố chất của một doanh nhân", cậu kêu gọi những người cùng thuộc hệ thống cũ cùng mình thành lập công ty mới để chia sẻ cơ hội hợp tác, làm giàu.

Tương tự như Minh Đức, sinh viên Nguyễn Huy (Bình Lục, Hà Nam) nghỉ việc ở công ty đa cấp cũ để nuôi mộng làm giàu với hệ thống "dạy làm giàu" do chính mình thành lập. Không được đào tạo về kinh tế, không có kinh nghiệm kinh doanh, "vốn" chỉ là kiến thức 3 năm học ngoại ngữ dở dang kèm khóa đào tạo ngắn hạn về dẫn chương trình, Huy vẫn tin mình sẽ thành công.

N.L, từng là bạn thân của Huy cho biết, cô không nhận ra bạn mình chỉ sau thời gian ngắn Huy làm đa cấp. "Để có tiền mở công ty dạy tư duy làm giàu, Huy chạy vạy vay lãi khắp nơi. Ai cũng biết cậu ấy ôm mộng ảo nhưng không ai thuyết phục được", N.L cho biết. Cô không tin bạn mình có thể dạy người khác làm giàu với vốn kiến thức như vậy.

"Nếu đầu tư kinh doanh mà lợi nhuận khủng lên tới 120%/tháng thì công ty đa cấp chỉ cần vay lãi ngân hàng với lãi suất 7-8%/năm để đầu tư đã thu lợi rất lớn, cần gì phải đi diễn thuyết khắp nơi cho mệt", bạn Nguyễn Duy Độ, thành viên fanpage bài trừ đa cấp lập luận.

Sinh viên, người trẻ là những người đã trưởng thành, có đủ tư duy và nhận thức để chọn cho mình hướng khởi nghiệp. Tuy nhiên, lý giải nguyên nhân khiến ngày càng nhiều sinh viên sập bẫy đa cấp, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho biết: "Mọi trường hợp đều xuất phát từ tâm lý hám lợi, tham vọng làm giàu nhanh chóng".

Theo anh Long, không phải nạn nhân nào cũng vô tình mắc bẫy. Nhiều người biết đó là bẫy nhưng vẫn tham gia vì nhìn thấy nguồn lợi vật chất trong đó. Theo chuyên gia này, điểm thành công của những kẻ cầm đầu các đường dây đa cấp bất chính là đánh trúng và rất mạnh vào tâm lý này ở người trẻ. Cho tới khi nạn nhân nhận ra đã bị lừa thì do sợ mất tiền, họ lại chấp nhận đi lừa người khác.

"Với những người mới tham gia, họ sẽ dễ dàng thoát khỏi bẫy đa cấp vì số tiền bị lừa chỉ một vài triệu đồng. Nhưng với những người đã chót đầu tư từ chục triệu tới hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng, họ hầu như không có lối thoát", anh Long chia sẻ.

Theo Diệp Sa (Zing)