Phát hiện gần 1 tấn kem, hóa chất mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Cục QLTT Quảng Bình phát hiện, thu giữ gần 1 tấn kem, hóa chất mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ

Đội QLTT số 7, thuộc Cục QLTT Quảng Bình phối hợp với Phòng An ninh kinh tế - Công an tỉnh Quảng Bình kiểm tra đột xuất địa điểm tập kết hàng hóa tại Khu phố 2, phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, phát hiện thu giữ gần 1 tấn kem, hóa chất mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ do bà Hồ Phương Lan, sinh năm 1992 là chủ hàng.

phat-hien-gan-1-tan-kem-hoa-chat-my-pham-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu

phat-hien-gan-1-tan-kem-hoa-chat-my-pham-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu

 Số lượng lớn hàng hóa bị thu giữ. 

Trước đó, qua theo dõi thu thập thông tin được đăng tải trên trang bán hàng thuộc Facebook cá nhân của bà Hồ Phương Lan và qua công tác theo dõi, quản lý địa bàn, Đội QLTT số 7 phát hiện trang Facebook nêu trên có dấu hiệu buôn bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và đề xuất thành lập Đoàn kiểm tra để tiến hành kiểm tra, làm rõ.

Qua kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra phát hiện các loại hàng hóa gồm: 418 kg chất kem màu vàng; 84 chai Serum huyết thanh (loại 100ml/chai); 210 kg chất gel màu trắng; 280 kg chất gel màu tím không rõ xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tổng trọng lượng của hàng hóa lên tới gần 1 tấn.

Bên cạnh đó Đoàn kiểm tra phát hiện hơn 1.900 hộp nhựa loại 1000 ml/hộp, qua đấu tranh làm việc, bà Hồ Phương Lan khai nhận đã mua hơn 1.900 hộp nhựa nói trên dự định dùng để sang chiết, đóng gói kem để mang đi tiêu thụ.

Đội QLTT số 7 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên, đồng thời tiến hành lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm xác định chủng loại hàng hóa và chất lượng sản phẩm để làm căn cứ xử lý vụ việc.

Liên quan đến sản phẩm mỹ phẩm, theo bác sĩ Bệnh viện Da liễu trung ương, tác hại khôn lường của mỹ phẩm kém chất lượng, mỹ phẩm nhái không đáp ứng được nhu cầu làm đẹp, còn gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe người sử dụng.

Ngoài ra, để có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng thật, tác dụng nhanh, dễ lừa người dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thủy ngân, kẽm, cyanua.

Hậu quả là nhiều người sau khi sử dụng đã bị dị ứng, thậm chí đáng lẽ chữa sạm da, trẻ hóa da thì lại càng bị sạm nặng hơn.

Điểm chung của các trường hợp sử dụng mỹ phẩm giả thường là mắc triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính, có dị ứng hoặc kích ứng. Việc điều trị, khắc dị ứng thường mất thời gian dài và tốn kém tiền bạc, chưa kể nếu không may bị nặng sẽ để lại hậu quả trên da suốt đời, thậm chí tử vong do nhiễm độc chì.

Hơn nữa, trong những sản phẩm làm giả, chất lượng kém thường có các hoạt chất, hóa chất gây dị ứng, hóa chất chấm sẽ làm tổn thương da, khiến nổi mẩn đỏ, ngứa, thậm chí mưng mủ.

Nếu sử dụng mỹ phẩm giả lâu dài, hậu quả nặng nề hơn khiến da bị ngộ độc do mỹ phẩm có chứa kim loại nặng hoặc thủy ngân. Có nhiều trường hợp người dùng phải nhập viện, để lại di chứng về sau hoặc điều trị không hết.

Nguy hại nhất là gây ung thư da, suy giảm chức năng tế bào máu. Nếu bị bệnh khác kết hợp dị ứng mỹ phẩm giả có thể gây viêm nhiễm nội tạng, hoại tử dẫn đến tử vong. Để tránh mua nhầm mỹ phẩm giả, kém chất lượng, người tiêu dùng nên đến những địa điểm bán uy tín, tránh hậu quả đáng tiếc, không vì ham rẻ mà "tiền mất, tật mang".

Theo VietQ