Phụ nữ có thai chớ dại đi nâng ngực

Theo các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ, phụ nữ có thai không nên nâng ngực, bởi việc gây mê, gây tê sẽ ảnh hưởng tới thai nhi và sức khỏe thai phụ, có thể gây tử vong cho mẹ, hoặc gây suy thai, thai chết lưu hay sẩy thai và đẻ non.

Đi nâng ngực mới biết mình có thai

Nhận món tiền thưởng dự án khá lớn trong tay, chị Thái Hà (Hải Phòng) tính đi nâng ngực, cải thiện vòng 1 cho thêm phần quyến rũ. Tại bệnh viện, sau một hồi tư vấn, bác sĩ bảo sức khỏe của chị tốt, có thể nâng ngực được.

Sau đó bác sĩ hỏi về chồng, con của chị, và chị ngạc nhiên khi bác sĩ bảo cầm que thử thai vào trong kiểm tra… Lát sau ra chị Thái Hà báo là "hai vạch". Nghe vậy bác sĩ khuyên chị không nên nâng ngực ngay bây giờ, hãy về sinh nở cho "mẹ tròn con vuông", chờ sau cai sữa 6 tháng hãy quay lại đây nâng ngực, vừa an toàn, vừa đẹp.

phu-nu-co-thai-cho-dai-di-nang-nguc

Chị em muốn nâng cấp vòng 1, hãy kiểm tra xem có bầu không rồi hãy tính. Ảnh minh họa.

Thấy mặt chị Thái Hòa xịu xuống, bác sĩ bảo ở ngoài có thể vẫn có cơ sở nhận nâng ngực cho chị. Nhưng bệnh viện thì không làm, bởi vài năm trước đã có thai phụ tử vong sau khi nâng ngực. Bệnh nhân đặt túi ngực dạng Gel 2 tuần, uống thuốc theo đơn (10 ngày). Nhưng khi nhập viện thay băng cắt chỉ thì có chảy dịch đã tự uống 1 viên thuốc kháng sinh… rồi thấy mệt, khó thở, mẩn đỏ, huyết áp tụt… Vào bệnh viện cấp cứu bác sĩ chẩn đoán chị bị sốc nhiễm khuẩn - hậu phẫu đặt túi ngực, và có thai 16 - 17 tuần tuổi mà không biết. Dù bác sĩ cố gắng cứu chữa, nhưng bệnh nhân đã tử vong.

Bác sĩ khuyên chị Thái Hòa không nên nâng ngực thời điểm này. Làm đẹp lại vòng 1 là nhu cầu chính đáng của phụ nữ, nhưng để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra thì lúc mang thai phụ nữ không nên nâng ngực.

Cần có chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ tư vấn để hạn chế tối đa rủi ro

Theo các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ, nếu ngực teo nhỏ, chảy xệ, bị lệch bẩm sinh hoặc "xuống cấp" sau nuôi con nhỏ… thì làm đẹp lại vòng 1 là nhu cầu chính đáng. Nhưng chị em cần phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra, nhất là một số người có bệnh lý và đặc biệt là với phụ nữ đang mang thai.

Thực tế, tại một số cơ sở thẩm mỹ, không ít bệnh nhân vẫn gặp phải một số biến chứng sau khi tiến hành nâng ngực. Các biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải khi nâng ngực cũng giống như các phẫu thuật khác là chảy máu, nhiễm trùng, nguy cơ phản ứng thuốc tê, gây mê sốc phản vệ, co thắt khí quản, ngừng thở, ngừng tim... do thuốc mê. Ngoài ra còn có thể bị thủng màng phổi do dụng cụ bóc tách khoang đặt túi chọc ra khe gian sườn.

Tuy phụ nữ đang mang thai không phải chống chỉ định tuyệt đối mổ gây mê, mà vẫn có thể mổ gây mê với trường hợp thật sự cần thiết. Nhưng bác sĩ sẽ hạn chế gây mê trên thai phụ vì một số biến chứng có thể xảy ra trong quá trình gây mê, đặc biệt là nguy cơ suy hô hấp, thiếu oxy lâu có thể gây tử vong cho mẹ hoặc gây suy thai, chết lưu hay sẩy thai và đẻ non.

phu-nu-co-thai-cho-dai-di-nang-nguc

Không nên thực hiện nâng ngực trên phụ nữ mang thai. Ảnh minh họa.

TS. BS Phạm Thị Việt Dung Khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết, để phẫu thuật nâng ngực, các bác sĩ thường chọn phương pháp đặt túi độn ngực dưới cơ qua đường quầng vú - đường mổ này dễ kiểm soát tình trạng chảy máu, dễ bóc tách tới cả các điểm xa nhất của khoang đặt túi, khá an toàn với người được phẫu thuật nâng ngực.

Các thao tác kỹ thuật trong phẫu thuật nâng ngực không ảnh hưởng đến thai nhi. Nhưng trong 3 tháng đầu của thai kỳ một số loại thuốc gây mê còn có nguy cơ gây dị tật bẩm sinh. Và trong thời kỳ mang thai do sự thay đổi của các hormone nội tiết khiến cơ thể người phụ nữ thay đổi - có thể gây bất lợi cho gây mê như thanh quản, khí quản dễ bị phù nề, co thắt hay dễ bị dị ứng, phản ứng hơn.

Theo các chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ, gây mê, gây tê sẽ ảnh hưởng đến thai nhi và sức khỏe thai phụ, cùng với những nguy cơ trên nên các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ khuyên không nên thực hiện nâng ngực trên phụ nữ có thai. 

Phẫu thuật nâng ngực là ca đại phẫu phức tạp, do đó khi có ý định đi nâng ngực phụ nữ cần biết có bị chống chỉ định nâng ngực hay không, và những trường hợp sau không nên nâng ngực:

- Người dưới 18 tuổi.

- Người mắc bệnh mãn tính huyết áp, tim mạch, tiểu đường, đang có vấn đề về tâm lý, hoặc vừa trải qua phẫu thuật.

- Phụ nữ có thai, đang cho con bú, trong kỳ kinh.

- Phụ nữ nuôi con nhỏ muốn nâng ngực cần chờ cai sữa cho con xong khoảng 6 tháng để tuyến vú ổn định mới tiến hành.

Sau khi nâng ngực cần vào viện ngay khi thấy các tai biến chảy máu, ngực bị căng, đau, nhiễm trùng... Hoặc sau 1 tháng trở đi thấy các biến chứng ngực không đều (cao thấp, to nhỏ, ngực cứng, xấu, méo mó…) … phải vào viện để được kiểm tra để xử lý kịp thời.

Bệnh nhân phải tuân theo chế độ chăm sóc sau nâng ngực, uống thuốc đúng đơn của bác sĩ, vệ sinh đúng cách để không bị nhiễm trùng.

Nên đi khám lại định kỳ thường xuyên để các bác sĩ có những đánh giá nhấn định.

Theo GiaDinh