Rơi nước mắt chuyện của hai em bé F0 bị bỏ rơi và đêm trắng của những ông bố, bà mẹ 9X

Hai em bé bị bỏ rơi được chăm sóc bởi ông bố, bà mẹ chưa lập gia đình, chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ nhưng lại có thừa tình yêu thương.

Mới đây, trên fanpage Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố thông tin về trường hợp 2 bé sơ sinh F0, bị cha mẹ bỏ rơi khi vừa chào đời nhận được nhiều sự chú ý. 

roi-nuoc-mat-chuyen-cua-hai-em-be-f0-bi-bo-roi-va-dem-trang-cua-nhung-ong-bo-ba-me-9x

Hai trẻ em là F0 được nhân viên y tế và tình nguyện viên chăm sóc.

"Hai bé Bắp và Sữa mới 3 tháng và 5 tháng tuổi, đồng cảnh ngộ bị bỏ rơi khi vừa chào đời tại một bệnh viện lớn tại quận Bình Thạnh. Khi bệnh viện này có ca dương tính, các y bác sĩ chăm nuôi những trẻ ở đây mắc SARS-CoV-2 nên hai bé trên cũng trở thành F0 và được đưa đến điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 4 (Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh phụ trách).

Khi các nhân viên y tế tiếp nhận con, ai cũng xót, tranh nhau ẵm bồng, đút sữa, rồi ru ngủ. Có tình nguyện viên F0 đã đủ ngày xuất viện, nay xin nán lại thêm ít ngày phụ việc chăm hai bé. Mà các cô lại là "vú em đời đầu", chưa từng có kinh nghiệm chăm bé.

Cả đêm qua đúng là lần đầu hai người luống cuống trải nghiệm cảm giác làm mẹ. Thay nhau chăm, thay nhau ngủ, ăn cũng lùa nhanh vài đũa cơm để được ra với hai em, thương như con em trong nhà. Bé trai F0 đêm về lạ sữa, các cô lột bỉm, ôm con rồi bối rối chạy tới chạy lui, sau đó quyết định cho em vào bồn rửa tay giải quyết, tắm rửa sạch sẽ, rồi mát quá em không chịu ngủ, cả hai mớm sữa nhiệt tình. Miễn no sữa là được, bồng bế một hồi hai chị em cũng chịu yên giấc..."

Những dòng tâm sự về đội ngũ y tế được chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người phải cay khóe mắt.

Sự xuất hiện của các thiên thần nhỏ khiến đội ngũ nhân viên y tế, tình nguyện viên tại bệnh viện ngày đêm dốc hết sức cưu mang, chăm sóc các bé.

roi-nuoc-mat-chuyen-cua-hai-em-be-f0-bi-bo-roi-va-dem-trang-cua-nhung-ong-bo-ba-me-9x

Hai bé được chăm sóc bởi những "ông bố, bà mẹ" 9X

Trong nhóm tình nguyện viên, điều dưỡng chăm sóc Bắp và Sữa, người lớn nhất 28 tuổi, người nhỏ nhất 16 tuổi. Tất cả đều chưa lập gia đình, chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ nhưng đã trở thành những "ông bố, bà mẹ" trong suốt thời gian qua.

Ngày tiếp nhận hai bé, mọi người chia nhau đi mua từng cái thau tắm, hộp sữa, bịch tã, chai dầu gội… Rồi mấy ngày tiếp theo, người tranh thủ lùa cơm vội để vào dỗ bé, người thức đêm để thay tã, đút sữa, người làm trò để các bé cười.

roi-nuoc-mat-chuyen-cua-hai-em-be-f0-bi-bo-roi-va-dem-trang-cua-nhung-ong-bo-ba-me-9x

Hai bé ngoan ngoãn nằm chơi và nghe nhạc các cô mở.

Lần đầu tiên nhìn thấy Bắp và Sữa, Quang Trường (tình nguyện viên) đã cảm nhận được nỗi xót xa. Hai bé rời hơi ấm bố mẹ từ sớm nhưng rất ngoan, ít khi quấy khóc. Trường từng là F0 được điều trị ở bệnh viện. Sau khi khỏi bệnh, cậu tình nguyện xin ở lại để hỗ trợ cho các y bác sĩ. Chàng trai 21 tuổi cứ hết ca trực là chạy lên phòng chăm nom hai bé, lúc thì ngồi bệt xuống sàn nhà pha trò, khi thì hì hục trong nhà tắm giặt quần áo…

Quang Trường kể: "Do Bắp và Sữa còn nhỏ nên lúc nào cũng phải có người bên cạnh. Đây là lần đầu tiên trong đời mình trải nghiệm cảm giác "làm bố".

Còn Linh, một cô học sinh 16 tuổi sau khi khỏi bệnh đã quyết định ở lại bệnh viện dã chiến để hỗ trợ. Sau giờ học online, Linh lại sang phòng Bắp và Sữa, trông em cho các điều dưỡng ăn cơm, tắm rửa.

Bên cạnh nhiệm vụ thăm khám, điều trị, các bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến số 4 thi thoảng lại tạt qua, mua cho hai bé đồ chơi, gói sữa, túi tã giấy… Trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, ai cũng ràn rụa, nhễ nhại mồ hôi, nhưng được thấy các bé cười là bao nhiêu mệt nhọc tan biến.

Theo GiaDinh