Sài Gòn, Bình Dương sẽ trở lại "bình thường mới" như thế nào sau 15/9?

Hai điểm nóng của dịch COVID-19 đã lên các phương án thực hiện nhằm mục tiêu đưa địa phương trở về trạng thái bình thường trong điều kiện mới.

TPHCM vừa thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế theo hai giai đoạn từ ngày 15/9 đến ngày 31/12 và năm 2022 cùng những năm tiếp theo.

Việc mở cửa kinh tế cho một số loại hình sản xuất, dịch vụ đã được lãnh đạo quận, huyện tại TPHCM tính tới trên cơ sở bài toán chung của toàn thành phố cũng như hướng dẫn cụ thể.

Huyện Củ Chi và Quận 7 - hai địa bàn đã kiểm soát được dịch có thể được chọn làm thí điểm cho việc chuẩn bị kịch bản "bình thường mới".

sai-gon-binh-duong-se-tro-lai-binh-thuong-moi-nhu-the-nao-sau-15-9

Bí thư Thành ủy TP HCM phát biểu tại buổi làm việc với Ban thường vụ huyện ủy Củ Chi chiều 4/9. Ảnh: Website Thành ủy TP HCM

Trong buổi làm việc với huyện Củ Chi về công tác phòng, chống dịch COVID-19 chiều 4/9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá, Củ Chi đã thực hiện nghiêm giãn cách ngay từ đầu, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm và quản lý F0; thực hiện các biện pháp y tế nghiêm, có hiệu quả.

Người đứng đầu Thành ủy TP HCM đánh giá những kết quả ở Củ Chi đến giờ này là cơ sở để bổ sung các điều kiện cần thiết, góp phần nghiên cứu, thay đổi chiến lược phòng chống dịch trên địa bàn. Từ đó, ông đề nghị chọn huyện Củ Chi và Quận 7 làm hai mũi đột phá để thí điểm việc chuẩn bị kịch bản "bình thường mới" cho thành phố sau ngày 15/9.

Trao đổi trên Lao Động - ông Võ Khắc Thái - Bí thư Quận ủy Quận 7 cho biết, hiện Quận 7 đã hình thành Trung tâm nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Trung tâm này cùng với Trung tâm dữ liệu của quận sẽ là mấu chốt để Quận 7 phục hồi lại kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn quận; có biện pháp để hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể và các doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Theo ông Thái, Quận 7 đang xây dựng phương án sản xuất, cố gắng đến hết tháng 9/2021 có thể tái sản xuất trong điều kiện an toàn về dịch bệnh. Để làm được điều này, yêu cầu tiên quyết là tiêm vaccine mũi 2, rồi chờ thêm thời gian để vaccine phát huy hiệu quả bảo vệ. "Việc mở cửa kinh tế phải làm kỹ, thận trọng, trước khi người lao động đi làm trở lại sẽ xét nghiệm lại một lần nữa" - ông Thái nói.

Còn tại Bình Dương, với mục tiêu đến hết ngày 15/9 sẽ trở lại trạng thái bình thường trong điều kiện mới, Bình Dương sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 nhằm tăng độ bao phủ miễn dịch cộng đồng, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Chỉ tiêu đặt ra là phấn đấu tiêm 250.000 liều/ngày.​

sai-gon-binh-duong-se-tro-lai-binh-thuong-moi-nhu-the-nao-sau-15-9

Người dân Bình Dương tiêm vắc xin Vero Cell. Ảnh: Vietnamnet

Ngày 4/9, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cũng đã giao ngành y tế phối hợp với Công an tỉnh và các ngành có liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phương án cho người dân được ra đường đối với trường hợp đã được tiêm 2 mũi và 1 mũi vaccine (đã tiêm 20 ngày).

Trong ngày 4/9, Bình Dương đã chi hỗ trợ cho 13.624 trường hợp, với số tiền là 15,746 tỷ đồng, trong đó: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương cho 1.862 người với số tiền 7,201 tỷ đồng (hỗ trợ thêm cho 490 trường hợp mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi); Hỗ trợ tiền ăn cho 8.006 người là F0, F1 với số tiền 2,91 tỷ đồng; Hỗ trợ cho 3.756 người là lao động không có giao kết hợp đồng lao động với số tiền 5,634 tỷ đồng.

Theo GiaDinh