Số ca sốt xuất huyết tăng nhanh, nhiều người dân vẫn còn thiếu kiến thức về phòng chống bệnh!

Mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển. Trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết.

Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số ca mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

so-ca-sot-xuat-huyet-tang-nhanh-nhieu-nguoi-dan-van-con-thieu-kien-thuc-ve-phong-chong-benh

Trong tháng 6/2022, số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tăng cao, chiếm 1/3 trong tổng số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Ảnh: NLĐ

Dự báo sốt xuất huyết có thể bùng phát trên diện rộng

Theo báo cáo của các địa phương, đến hết ngày 24/6, cả nước ghi nhận khoảng 77.000 ca sốt xuất huyết. Con số này tăng khoảng hơn 10.000 ca so với tuần trước đó. Đã có 30 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.

Tại Bệnh viện (BV) Nhiệt đới TP.HCM, tuyến cuối chuyên tiếp nhận các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) hiện đang ghi nhận nhiều bệnh nhân bị sốc, nguy kịch, phải hồi sức tích cực.

Theo số liệu của phòng kế hoạch tổng hợp BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, từ đầu tháng 6 đến ngày 23-6, BV có khoảng 1.600 bệnh nhân SXH nhập viện điều trị, trong đó có 200 bệnh nhân nặng gồm 46 trẻ em và 154 người lớn.

Trong số các ca nặng, có 99 ca có địa chỉ ở TP và 101 ca có địa chỉ ở các tỉnh khác. Ngoài ra, số bệnh nhân đến khám do liên quan SXH cũng tăng cao với hơn 4.800 ca. Hiện số bệnh nhân điều trị nội trú do SXH chiếm hơn 50% công suất giường của BV.

Theo ghi nhận, các Khoa phải tăng cường bố trí thêm giường để tiếp nhận bệnh nhân. Các bác sĩ lo ngại hiện dịch SXH chưa vào thời kỳ đỉnh điểm, dự báo số bệnh nhân nếu tiếp tục tăng cao sẽ gây nguy cơ quá tải, khó khăn cho công tác điều trị.

Mới đây, Bộ Y tế có công điện gửi các tỉnh, thành trên cả nước về việc tăng cường phòng chống sốt xuất huyết (SXH). Bộ dự báo số mắc SXH thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống.

so-ca-sot-xuat-huyet-tang-nhanh-nhieu-nguoi-dan-van-con-thieu-kien-thuc-ve-phong-chong-benh

Bệnh nhân bị SXH nặng, phải lọc máu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Ảnh: NLĐ

Nhiều người dân còn thiếu kiến thức về bệnh sốt xuất huyết

Nguyên nhân do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng, bọ gậy phát triển; bên cạnh đó sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Theo bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực (ICU), Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, nguyên nhân khiến người mắc sốt xuất huyết trở nặng đó là do:

Người dân còn thiếu kiến thức về bệnh sốt xuất huyết, nên bỏ lỡ giai đoạn điều trị sớm, thuận lợi nhất. Khi có dấu hiệu sốt cao - đặc trưng bệnh, họ không đi khám sớm mà tự điều trị tại nhà. Hoặc có người đã được bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết, hẹn tái khám theo chỉ định nhưng họ không tuân thủ.

Nhiều trường hợp chủ quan, nghĩ hết sốt là đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, sau giai đoạn sốt cao chính là giai đoạn nguy hiểm nhất. Đến khi có dấu hiệu nặng như li bì, chảy máu chân răng, máu cam, đau bụng nhiều... mới nhập viện thì bệnh nhân đã vào sốc.

Lúc này, người bệnh đối diện nguy cơ tử vong vì sốc sâu, tổn thương đa cơ quan như suy tim, gan, thận, xuất huyết tiêu hóa... Phần lớn người bệnh qua khỏi, song một số trường hợp diễn tiến nhanh, nặng vượt quá khả năng hồi sức của bác sĩ, bệnh nhân sẽ tử vong.

Các bác sĩ cho biết, một người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần, với 4 chủng lưu hành (ký hiệu DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4) của virus dengue gây bệnh. Đặc biệt, những lần mắc bệnh sau sẽ nặng hơn lần trước, do ảnh hưởng của miễn dịch chéo, gây phản ứng viêm mạnh hơn (bão cytokine). Mặc dù vậy, đa số bệnh nhân sẽ tự hồi phục, khỏi bệnh sau 5-7 ngày, nếu được phát hiện sớm. Bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng.

so-ca-sot-xuat-huyet-tang-nhanh-nhieu-nguoi-dan-van-con-thieu-kien-thuc-ve-phong-chong-benh

Các bác sĩ cảnh báo, lăng quăng còn sẽ khó ngăn sốt xuất huyết. Ảnh minh hoạ

6 dấu hiệu của sốt xuất huyết cần được khám sớm

Ngày thứ 4 - 5 (tính từ ngày sốt) là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết. Chính vì vậy, việc chẩn đoán đúng bệnh sớm rất quan trọng vì không phải bệnh nhân nào sốt xuất huyết cũng có những dấu hiệu như phát ban.

Theo các chuyên gia, phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế, một số triệu chứng sau cần phải đưa người bệnh tới cơ sở y tế gồm:

- Chảy máu (các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo);

- Nôn liên tục;

- Đau bụng dữ dội;

- Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật;

- Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm;

- Khó thở

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu có dấu hiệu trên tuyệt đối không được chủ quan.  Tốt nhất cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra, kịp thời chẩn đoán và điều trị.

Sở Y tế TP HCM vừa kiểm tra, giám sát tại phường 7, quận 8 - địa bàn có nhiều ca mắc SXH nhất quận - cho thấy tình trạng các vật dụng chứa nước có lăng quăng vẫn hiện diện ngay tại nhà dân và trường học. Đáng chú ý, một số nơi dù được nhắc nhở nhiều lần nhưng tình hình vẫn không cải thiện.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, cho biết nguy cơ SXH chủ yếu từ vật chứa nước trong nhà dân hoặc công sở, công trình xây dựng... Do đó, để phòng chống SXH, quan trọng nhất là tìm và xử lý những vật chứa, khu vực đọng nước, không để muỗi đẻ trứng làm phát sinh lăng quăng.

Theo GiaDinh