Sốt đất xình xịch trên mạng nhưng rao 'ngoài đời' 3 năm không bán được

Những ngày đầu tháng 1-2022, bất chấp dịch COVID-19, đất thổ cư ở nhiều quận huyện ngoại thành Hà Nội vẫn được cò đẩy giá, rao bán cao ngất ngưởng. Nhưng chỉ rầm rộ trên mạng, thực tế giao dịch nhỏ giọt.

sot-dat-xinh-xich-tren-mang-nhung-rao-ngoai-doi-3-nam-khong-ban-duoc

Sốt đất nhưng hàng loạt lô đất ở phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội) rao nhiều tháng vẫn chưa bán được - Ảnh: Q.THẾ

Sốt đất tạo ra đầu cơ, giá ảo… tạo nguy cơ đổ vỡ trên diện rộng.

Ông Nguyễn Văn Đính

Ngày càng có những giá đất vô lối. Như tại đường Hồng Tiến (phường Bồ Đề, quận Long Biên) có lô đất được "cò" thổi lên tới 425 triệu đồng/m2.

Sốt đất cả khu bỏ hoang 14 năm

Giữa tháng 3-2020, thôn Đồng Táng (xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất) bỗng nổi tiếng vì ôtô chở người rầm rập tới mua đất, báo chí phản ánh. Cứ tưởng sẽ trầm lắng luôn sau đó,thì những ngày gần đây đất nền khu giãn dân thôn Đồng Táng tiếp tục được rao bán, mời chào sôi động trên mạng.

Ông Đông (xã Đồng Trúc) giới thiệu: "Ở khu giãn dân tôi còn 3 lô. Dịp cuối năm đất Đồng Trúc sốt trở lại, giá lô 184m2 là 14,3 triệu đồng/m2, không xuống tiền từ giờ đến Tết Nguyên đán muốn đặt cũng không còn".

Tuy nhiên, một "cò" đất tên Hùng lại cho biết: "Ở khu giãn dân chỉ còn duy nhất một lô 184m2 của tôi mua lại từ người dân địa phương. Những người rao thông tin bán lô đất 184m2 là giả mạo. Lô này tôi đang bán với giá 15,5 triệu đồng/m2, chưa thuế phí".

Hỏi người dân địa phương, họ ngao ngán vì thông tin sai sự thật. Theo bà Nguyễn Thị Bích (61 tuổi, xã Đồng Trúc), cứ nói sốt đất chứ làm gì có người dân nào xây nhà, do khu đất này là đường cụt, cạnh cánh đồng. "Người nhà tôi mua lại một lô ở khu giãn dân thôn Đồng Táng với giá 10 triệu đồng/m2, rao liên tục gần 3 năm nay nhưng vẫn chưa bán được, vì khách trả giá không cao hơn so với thời điểm mua" - bà Bích nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc Nguyễn Trung Kiên khẳng định "đất Đồng Trúc" sốt trở lại là thông tin không chính xác.

"Khu đất giãn dân thôn Đồng Táng phân lô từ năm 2007, nhưng đến nay hơn 14 năm vẫn để không do người dân địa phương chưa có nhu cầu xây nhà" - ông Kiên cho biết thêm.

Giá "trên trời"

Giữa tháng 9-2021, dù UBND TP Hà Nội chỉ mới giao nhiệm vụ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo (bắc qua sông Hồng) nối quận Hoàn Kiếm - Long Biên, nhưng ngay sau đó giá đất thổ cư ở một số tuyến đường như Hồng Tiến, Lâm Du đã "nhảy múa".

Giá đất khu vực này từ khoảng 150 triệu đồng/m2 mặt đường đã tăng lên 200 triệu đồng/m2, có nơi tăng đến 300 triệu đồng/m2. Đến nay, cơn sốt đất đã qua, nhưng giá vẫn được "cò" đẩy lên mức cao, có lô được rao bán với giá 425 triệu đồng/m2.

Bất chấp dịch COVID-19, một số khu vực khác thuộc các huyện như Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh và Hoài Đức, giá đất thổ cư và đất trong dự án khu đô thị cũng được thổi lên chóng mặt.

Đất liền kề nhiều khu biệt thự ở xã Tiền Phong (huyện Mê Linh), xã An Khánh (huyện Hoài Đức) bỏ hoang hơn 10 năm nay cũng dậy sóng, tăng giá bất thường.

Sốt đất ảo, bẫy thật, nhiều hệ lụy

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết dù cơ quan chức năng có nhiều biện pháp ngăn chặn sốt đất từ đầu năm 2021, gần đây Hà Nội và nhiều địa phương lại tiếp tục có dấu hiệu sốt đất trở lại.

"Sốt đất tạo ra đầu cơ, giá ảo trong thị trường bất động sản, ở đó nguy cơ đổ vỡ trên diện rộng có thể sẽ xảy ra" - ông Đính nhận định.

Ngoài ra, ông Đính vẫn băn khoăn sau cuộc đấu giá với mức giá cao kỷ lục ở Thủ Thiêm: "Như vậy ai được hưởng lợi? Nếu có việc thổi giá đất gây sốt ảo không đúng giá trị thực thì sẽ kìm hãm phát triển nền kinh tế" - ông Đính nói.

Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, phó giám đốc Công ty TAT Law firm, phân tích bất động sản sốt ảo rất đáng lo ngại, không chỉ gây bất ổn thị trường nhà đất mà còn là một trong những nguyên nhân cản trở tiến trình tạo lập chất lượng đời sống của người dân và các chương trình phát triển nhà ở.

Cần sớm công khai kết quả rà soát

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản lớn, trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong đấu giá đất, ngăn chặn lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Vì vậy, cần sớm rà soát và công bố kết quả.

Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy họ đã bị tình trạng lợi dụng đấu giá để đẩy giá đất. Nên họ có chính sách rất rõ, với mục đích rất rõ: chống lợi dụng đấu giá để đẩy giá đất. Đơn cử, họ hạn chế đấu giá riêng lẻ mà tập trung nhiều cuộc cùng lúc, đa dạng hơn thông tin và diễn biến, giảm tác động tâm lý.

Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm các nước để giảm biến động giá đất đai.

TIẾN MẠNH

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc:

"Đấu giá đất Thủ Thiêm là bất thường"

Tại phiên thảo luận ở tổ chiều 4-1 về gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất), ông Hồ Đức Phớc đã nói như trên. Ông cho rằng việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm lên tới 2,4 tỉ đồng/m2 là bất thường và cho biết đang kiểm tra những doanh nghiệp liên quan trên thị trường chứng khoán.

Ông Phớc cho rằng việc huy động trái phiếu doanh nghiệp có lỗ hổng nên Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ sửa đổi nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, với những doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu, không đủ điều kiện phát hành sẽ tăng điều kiện phát hành, tránh làm nhiễu loạn thị trường, chiếm dụng vốn của nhà đầu tư.

"Vì nhiều trường hợp vốn vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn. Chẳng hạn, đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường" - ông Phớc đánh giá.

Trả lời thêm về vấn đề này bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính so sánh: cũng tại TP.HCM, đường Nguyễn Huệ - vốn là trái tim của TP - có giá trung bình 1,5 tỉ đồng/m2. Trong khi Thủ Thiêm đang còn xây dựng, hoang vắng, mức đấu giá lên tới 2,4 tỉ đồng/m2 là không phù hợp, giá không thực.

Theo Tuoitre