Sự thật tàn nhẫn đằng sau món gan ngỗng béo xa hoa

Gan ngỗng béo là niềm tự hào của ẩm thực Pháp, cũng là món ăn đắt đỏ nhất thế giới. Nhưng sự thật tàn nhẫn đằng sau cách tạo ra món ăn ấy không phải ai cũng biết.


Món ăn tinh tế và đắt đỏ này ẩn chứa một câu chuyện đáng sợ phía sau

Gan ngỗng béo (foie gras) là một trong những món ăn tinh tế, đẳng cấp nhất của ẩm thực Pháp. Món này thường được phục vụ ở các nhà hàng cao cấp, xuất hiện trong danh sách những món ăn đắt đỏ nhất thế giới. Tuy nhiên, đằng sau sự xa hoa, hào nhoáng ấy lại là một quy trình đáng sợ.

Không phải bất kỳ con ngỗng nào cũng được lấy gan để chế biến thành món ăn, trước đây, người ta chỉ lấy gan từ những con ngỗng đực béo tốt, ngày nay, ngoài ngỗng, người ta còn lấy gan từ vịt đực. Gan ngỗng tuyệt hảo bởi lớp bơ ngậy, mềm mịn và tan trong miệng, khác hẳn cấu trúc đặc, khô cứng của các loại gan thông thường. Vị béo nhẹ nhàng, trôi xuống cổ lại càng thấy ngậy. Loại gan này đòi hỏi phải có kỹ thuật chế biến cao mới có thể làm ra những món ăn xứng tầm hương vị.

Pate gan - sản phẩm cao cấp nhất của gan ngỗng vỗ béo có giá từ 2 - 3 triệu đồng/kg

Người ta thường áp chảo gan ngỗng hoặc làm pate, ăn cùng bánh mì sấy khô, thêm vài lát trái cây tráng miệng. Nhưng để có được vị ngon tuyệt hảo ấy, những con ngỗng đã phải trải qua chuỗi ngày địa ngục.

Món pate gan ngỗng xa hoa được tạo ra từ một quá trình tàn nhẫn

Để có được bộ gan “đạt chuẩn”, những con ngỗng bị ép ăn một cách tàn nhẫn. Ba lần một ngày, người ta banh miệng, cắm thẳng ống thức ăn vào cổ họng ngỗng đực để đổ cho chúng hơn 2 kg hạt ngũ cốc mỗi lần. Việc ép ăn này sẽ khiến gan ngỗng sinh mỡ, to ra gấp 10 lần so với gan ngỗng thường. Lá gan quá lớn khiến chúng đi lại khó khăn, thậm chí còn trở nên hung hăng, tự cắn xé mình và tấn công hững con ngỗng khác.

Những con ngỗng bị ép ăn bằng chiếc ống cắm thẳng vào thực quản

Bộ gan thu được từ những con ngỗng vỗ béo to hơn ngỗng thường đến 10 lần

Những con ngỗng bị ép ăn còn không được tắm táp hay rỉa lông khiến lớp dầu chống thấm nước bít kín cơ thể chúng. Đàn ngỗng vỗ béo thường có vẻ lờ đờ, chậm chạp và hay bị què bởi nhiễm trùng khi đứng trên các tấm kim loại trong chiếc lồng nhỏ xíu chỉ đủ cựa mình. Chúng còn bị tổn thương thực quản do lượng thức ăn quá tải đổ xuống họng, gãy xương ức, nhiễm nấm, suy giảm chức năng gan và căng thẳng cao độ. Ngoài ra, chỉ những con ngỗng đực mới có thể dùng nuôi vỗ béo, vì thế ở nước Pháp mỗi năm có tới 40 triệu con ngỗng cái bị ném vào máy xay sống làm phân bón hoặc làm thức ăn cho mèo.

Có đến 15 nghìn con ngỗng đực đã chết trong quá trình vỗ béo tàn nhẫn này

Kĩ thuật nuôi ngỗng lấy gan béo bằng cách ép ăn qua đường ống được cho là có ảnh hưởng từ thời Ai Cập cổ đại. Vào khoảng năm 2500 trước CN, người Ai Cập đã bắt đầu biết giữ chim làm thức ăn và vỗ béo chúng bằng hình thức ép ăn, dù vào thời điểm đó, việc chỉ giữ riêng lại phần gan béo để chế biến chưa được xác nhận.

Kỹ thuật vỗ béo này bắt nguồn từ Ai Cập, sau lan tới Địa Trung Hải và những nước phương Tây

Ngày nay, nhiều nơi trên nước Pháp đã diễn ra cuộc tranh cãi giữa những người đầu bếp và các nhà bảo vệ quyền lợi động vật. Một bên lên án hành động ép ăn này là tàn nhẫn, xấu xa, còn một bên lại bảo vệ quyền lợi sự phát triển và thăng hoa ẩm thực của món ăn chưa bao giờ hạ nhiệt.

Cho dù thế nào, cũng không ai có thể phủ nhận gan ngỗng béo là nguyên liệu đã gắn với nền ẩm thực cầu kỳ và tinh tế của Pháp từ trước tới nay.

Theo phunutoday