Sự thật thông tin hàng nghìn người tháo chạy khỏi tòa nhà bị phong tỏa ở TPHCM

 Công an quận Tân Bình đang phối hợp cùng Công an TPHCM xác minh làm rõ nội dung liên quan đến đoạn clip với nội dung cho là hàng nghìn nhân viên văn phòng tại một tòa nhà ở TPHCM tháo chạy khi cơ quan chức năng chuẩn bị phong tỏa do có ca nghi mắc COVID-19.

Chiều 7/6, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Bá Thành – Chủ tịch UBND quận Tân Bình, TPHCM cho biết, thông tin hàng nghìn người tháo chạy tán loạn khỏi tòa nhà văn phòng ở số 144, đường đường Cộng Hòa, phường 12, quận Tân Bình là không đúng sự thật. Công an quận đang phối hợp với Công an TPHCM điều tra xác minh người đăng clip lên mạng gây hoang mang dư luận.

Hình ảnh từ đoạn clip cho rằng nhân viên tháo chạy khỏi tòa nhà.

Ông Thành cho biết, tòa nhà trên vẫn chưa bị phong tỏa. Sau khi có thông tin một trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 đến tòa nhà, lực lượng chức năng đã tiến hành điều tra truy vết, lẫy mẫu xét nghiệm chủ động để phòng chống dịch bệnh. "Quận đã chỉ đạo UBND phường 12 xác minh vụ việc. Còn đoạn clip đăng trên mạng xã hội, Công an quận phối hợp với Công an TPHCM đang điều tra làm rõ", ông Thành nói.

Trước đó, một đoạn clip với nội dung tòa nhà 144 Cộng Hòa bị phong tỏa, nhân viên văn phòng tháo chạy tán loạn do có ca nghi mắc COVID-19 được chia sẻ trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận.


Ngô Bình

Theo Tiền Phong

-----

Xem thêm:

Bệnh nhân COVID-19 trèo tường trốn khỏi khu điều trị để mua đồ

Công an đã vào cuộc điều tra, xử lý một bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị nhưng vẫn trèo tường trốn khỏi khu cách ly điều trị để ra quán mua đồ, khiến nhiều người trở thành F1, F2 bị cách ly.

Ngày 6/6, Công an huyện Hiệp Hoà (tỉnh Bắc Giang) cho biết đang điều tra, xử lý vụ bệnh nhân COVID-19 trốn khỏi bệnh viện trong khu điều trị.

benh-nhan-covid-19-treo-tuong-tron-khoi-khu-dieu-tri-de-mua-do

Hình ảnh bệnh nhân COVID-19 trốn khỏi khu điều trị để mua đồ

Trước đó, khoảng 20 giờ ngày 3/6, bệnh nhân COVID-19 là anh C.V.N. (là công nhân của 1 công ty trong Khu Công nghiệp Quang Châu; hiện đang được điều trị COVID-19 tại Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa từ ngày 23/5) đã trèo tường trốn ra một cửa hàng bên ngoài để mua đồ.

Khi ra ngoài, bệnh nhân F0 này đã tiếp xúc trực tiếp với người bán hàng (bà N.T.H.) và 2 người khác cũng đến mua hàng.

Ngay sau khi phát hiện sự việc F0 trốn khỏi bệnh viện dã chiến để ra ngoài mua đồ, UBND huyện Hiệp Hoà cùng các cơ quan chức năng đã tiến hành truy vết, khoanh vùng các đối tượng liên quan.

UBND huyện Hiệp Hòa đã chỉ đạo Công an huyện thiết lập hồ sơ xử lý nghiêm F0, xử lý hình sự nếu cá nhân trên làm lây lan dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Yêu cầu Giám đốc Trung tâm y tế huyện tường trình trách nhiệm người đứng đầu đơn vị khi để bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại trung tâm Y tế huyện trốn ra ngoài; lắp bổ sung camera giám sát xung quanh Trung tâm y tế. Chủ trì cung cấp thông tin, hồ sơ vi phạm của bệnh nhân C.V.N. cho Công an huyện để thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Huyện Hiệp Hòa đã yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện chủ trì, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện gia cố, bổ sung hệ thống hàng rào thép gai đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác phòng chống dịch tại Trung tâm Y tế huyện.

Mặt khác, huyện Hiệp Hoà đã yêu cầu UBND thị trấn Thắng chỉ đạo đóng cửa, phun tiêu độc khử trùng khu vực cửa hàng của bà N.T.H., nơi F0 tiếp xúc, mua hàng. Quản lý, giám sát chặt chẽ việc cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp F2 theo quy định.

Được biết, các trường hợp F1 của bệnh nhân V.V.N. sau đó đã tiếp tục có lịch trình di chuyển phức tạp, bán hàng cho nhiều người hoặc đến nhiều cửa hàng khác để mua hàng, đến công ty làm việc; 12 trường hợp F2 là những thành viên trong gia đình các trường hợp F1.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch huyện Hiệp Hoà đã ban hành quyết định và đưa 3 trường hợp F1 đi cách ly tập trung; Ban chỉ đạo phòng chống dịch thị trấn Thắng đã ban hành quyết định cách ly tại nhà đối với các trường hợp F2 theo quy định.

Theo Người lao động

Xem thêm:

Covid-19: Phải làm gì khi nghe ngóng, biết mình là F?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh lý giải về các tình huống có thể dẫn đến "F3 chuyển thành F0", cũng như điều cần làm khi biết mình thuộc chuỗi F, hoặc tự suy ra mình là F4, F5...

- Phóng viên: Thưa ông, những ngày qua có thông tin rằng một bệnh nhân Covid-19 được cho là "F3 chuyển thành F0". Vậy nên hiểu như thế nào về trường hợp này? Những khả năng nào có thể xảy ra?

+ Bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM): Khi chúng ta nói "F3 đã chuyển thành F0" có nghĩa là việc "F3" này thành F0 phải phát hiện trước khi phát hiện F2, thì mới gọi như vậy.

Tức là trong quá trình có F0, mình mới truy được F1, chưa đến F2, F3; mà người F3 đó lại tình cờ đi khám bệnh ở đâu đó và có kết quả dương tính; đến lúc đó truy ngược lại mới biết người này là F3.

Điều này chứng tỏ mình phát hiện muộn, con đường lây đã đi xa, F0, F1, F2, F3... đều dương tính, trở thành 3-4 nguồn lây.

Cũng có khả năng khác là "F3" này bị lây qua F0 khác chứ không dính dáng trong chuỗi ban đầu.

- Ông có thể nói rõ giá trị của việc cách ly F1, F2 của bệnh nhân Covid-19 (F0) và giá trị của những lần xét nghiệm đầu tiên sau khi cách ly?

+ Mục tiêu cách ly là không cho virus phát tán ra ngoài cộng đồng, không cho người có virus lây cho người khác. Nếu đạt được điều đó trong thời gian dài và ở bên ngoài không còn mầm bệnh thì điểm dịch đó sẽ hết.

Ví dụ người chắc chắn lây là F0, phải cách ly. Người được cách ly tiếp theo là F1 – có thể đã lây cho người khác – thì phải giữ người ta lại để không lây thêm. Nếu muốn biết người đó đã lây cho bao nhiêu người, phải xét nghiệm ngay F1 đó.

Nếu xét nghiệm F1 đó dương tính ngay lần đầu tiên, người đó đã trở thành F0. Như vậy, phải truy ngược trở lại: tất cả F2, F3 cũ đã trở thành F1 và F2.

Ngược lại khi người F1 đã được đưa vào khu cách ly tập trung thì họ không thể lây thêm được nữa, nên nếu họ âm tính thì họ không lây cho ai trước đó. Vì vậy kết quả của người F1 cực kỳ quan trọng trong quá trình truy vết. Nhưng nếu có F0 thì mới suy ra được F1, vì vậy mục tiêu cuối cùng là phải tìm cho ra hết F0 ở ngoài cộng đồng.

Tại sao có quy định F2 phải cách ly tại nhà? Vì F2 phải chờ kết quả của F1. Cho nên trong thời gian chờ kết quả thì người F2 không được đi đâu hết, vì nếu lỡ F1 dương tính thì F2 trở thành F1 mới, sẽ phải cách ly tập trung luôn.

Còn nếu F1 âm tính thì lúc đó mới giải tỏa được F2, lúc đó F2, F3... không còn là F nào nữa. Cho nên người F2 ở nhà bao lâu là phụ thuộc vào kết quả của người F1. Chính kết quả xét nghiệm của người F1 quyết định tất cả mọi thứ liên quan đến chuỗi về sau, cho nên phải lắng nghe thông tin từ F1 là như vậy.

- Hiện nay khi một F0 được phát hiện thì F1, F2, F3 của F0 sẽ được thông báo, nhưng nhiều người nghe ngóng và tự suy ra mình là F4, F5... và hết sức lo lắng. Vậy ông có lời khuyên gì cho những trường hợp này?

+ Vấn đề quan trọng nhất là người đó có phải F1 hay F2 không thôi. Nếu là F3 trở đi, người đó cũng chỉ chờ kết quả từ F1. Còn nếu không phải F3 thì cứ kệ, không cần thiết tự suy ra xa làm gì. 

Điều luôn cần nghe ngóng là khu vực của mình ở như thế nào, cơ quan mình như thế nào, những người mình tiếp xúc như thế nào.

Theo NLD

-----

Xem thêm:

+Virus SARS-CoV-2 đột biến 32 lần trong người bệnh nhân HIV

+Xử lý cơ sở đầu tiên kinh doanh Test thử nhanh COVID-19 trôi nổi

----