Thai phụ mắc COVID-19 diễn biến nặng: Nguy cơ nào cho phụ nữ mang thai trong mùa dịch?

Tình trạng thai phụ trẻ ở Hà Nội mắc COVID-19 có diễn tiến nặng khiến nhiều người lo lắng cho sức khoẻ của cả mẹ và bé. Đồng thời, ai cũng lo ngại về nguy cơ khi phụ nữ mang thai không may nhiễm virus SARS-CoV-2.​

Ngày 21/5, các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam tiếp tục có buổi hội chẩn đánh giá nguy cơ đối với các bệnh nhân COVID-19 nặng. Trong số đó, có một thai phụ ở Hà Nội đang mang thai 22 tuần.

Đó là BN3263 (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) - người liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Bệnh nhân được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 hôm 9/5. Từ 18/5, bệnh nhân suy hô hấp, phải đặt ống nội khí quản và chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực.

Hiện bệnh nhân thở máy qua ống nội khí quản, sốt hơn 38 độ C, được duy trì kháng sinh, chống đông, điều trị an thần, giãn cơ, duy trì chức năng phổi; kết hợp với bác sĩ sản khoa đánh giá sức khoẻ thai nhi.

thai-phu-mac-covid-19-dien-bien-nang-nguy-co-nao-cho-phu-nu-mang-thai-trong-mua-dich

Ảnh minh hoạ

Đây không phải là trường hợp đầu tiên có ở nước ta, tuy nhiên, tình trạng thai phụ này có diễn tiến nặng khiến nhiều người lo lắng cho sức khoẻ của cả mẹ và bé.

Theo các chuyên gia, chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, hay mẹ nhiễm virus trong thời gian mang thai có thể gây ra tình trạng dị tật bẩm sinh cũng như chưa thấy có sự liên quan giữa nhiễm SARS-CoV-2 và tình trạng sảy thai.

Tuy nhiên, viêm phổi do virus nói chung ở phụ nữ mang thai lại có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong thai nhi và trẻ sơ sinh... Do vậy, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra, thai phụ cần phải biết cách tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình và thai nhi.

Hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết

BS Đinh Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, phụ nữ có thai cũng có thể lây bệnh như những người khác nếu tiếp xúc với mầm bệnh, do vậy hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết là cách phòng bệnh tốt nhất.

Thai phụ chỉ ra khỏi nhà nếu thật cần thiết và cần áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với những người xung quanh, hạn chế chạm tay vào các vật có nhiều người tiếp xúc như nút bấm thang máy, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, thiết bị vệ sinh công cộng…

Trong bối cảnh dịch bệnh, chỉ nên khám thai theo lịch hẹn của thấy thuốc, trừ khi có những đấu hiệu bất thường xảy ra. Khi đến khám, cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay ngay sau khi tiếp xúc với các đồ vật như tay nắm cửa, thiết bị vệ sinh, tay vịn cầu thang… tránh đến cơ sở y tế vào giờ cao điểm nhằm đảm bảo an toàn trong mùa dịch.

Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao sức đề kháng

Để chăm sóc phụ nữ mang thai trong mùa dịch COVID-19, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc đã đưa ra khuyến cáo, bà mẹ mang thai cần được đảm bảo bữa ăn hàng ngày đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các nhóm thực phẩm chứa nhiều tinh bột (gạo, ngô, khoai, sắn).

Đây là nhóm thực phẩm cung cấp năng lượng chủ yếu nhất. Đặc biệt là giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ khi nhu cầu năng lượng tăng cao cho sự phát triển nhanh của thai nhi.

Bên cạnh đó, thai phụ cần tăng cường các loại thức ăn giàu đạm đến từ thịt, cá, trứng, sữa và các loại hạt đậu đỗ. Các thực phẩm này giúp hệ miễn dịch hoạt động tốt, cơ thể khỏe mạnh và phòng chống các bệnh nhiễm trùng. Các thực phẩm này cũng đồng thời cung cấp các khoáng chất như canxi, phospho giúp hình thành bộ xương chắc khỏe cho thai nhi, tránh loãng xương cho mẹ.

Cùng với đó, rau tươi, trái cây tươi các loại là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày của bà mẹ mang thai. Chúng không những cung cấp khoáng chất và vitamin giúp duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh. Các thực phẩm này cũng đồng thời cung cấp nhiều chất xơ có lợi cho chức năng tiêu hóa của bà mẹ.

Thai phụ cần tránh ăn các thực phẩm chế biến công nghiệp vì chúng thường chứa các chất không có lợi cho sức khỏe như nhiều đường, muối, chất béo bão hòa và chuyển hóa nhưng ít các khoáng chất, vitamin và chất xơ. Ngoài ra, uống nước đầy đủ từ 2 đến 2,5 lít mỗi ngày giúp cho các chức năng chuyển hóa, miễn dịch của cơ thể mẹ.

Thai phụ cần làm gì khi bị sốt, ho, khó thở?

Theo BS Đinh Anh Tuấn, trong thời gian ở nhà, nếu thai phụ thấy có những dấu hiệu nguy hiểm như đau bụng, ra máu, ra nước ở cửa mình, đau đầu, nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn, không thấy cử động thai (thai máy, thai đạp) trong 6 giờ liền hoặc quá ngày dự kiến sinh mà không thấy chuyển dạ… cần báo ngay cho bác sỹ hoặc đến cơ sở y tế có chức năng chăm sóc thai sản. Khi đi, cần áp dụng các biện pháp phòng dịch để tránh nguy cơ lây bệnh.

Nếu xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, tức ngực, thai phụ cần báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Cần giữ tâm lý bình tĩnh, thoải mái, không hoảng loạn khi có các triệu chứng này, lưu ý rằng có nhiều bệnh cũng gây các triệu chứng tương tự, ví dụ như viêm họng, cúm cũng có thể gây sốt, ho...

Trong trường hợp không may mắc COVID-19, thai phụ không nên hoảng sợ mà cần tuân thủ điều trị COVID-19 theo đúng phác đồ bác sĩ chỉ định.

Theo GiaDinh