Thận trọng khi uống tinh dầu để giảm căng thẳng, mệt mỏi

Nhiều người có thói quen mỗi khi thời tiết chuyển mùa hoặc thay đổi là uống tinh dầu để giảm căng thẳng, mệt mỏi tuy nhiên cần thận trọng khi  uống sản phẩm này.

Nhiều người cho rằng tinh dầu là “tinh túy” của các loại thảo mộc, có nguồn gốc tự nhiên nên an toàn, lành tính nên thường xuyên sử dụng các loại tinh dầu. Không chỉ dùng để xông hơi, bôi ngoài da, mát xa, một số loại tinh dầu còn được nhiều người “rỉ tai” rằng chúng có công dụng chữa bệnh thần kỳ khi ăn, uống hoặc được chế biến với các loại thực phẩm khác.

Nhưng thực tế, một số loại tinh dầu chứa chất phụ gia và tạp chất có thể gây hại cho sức khỏe. Trên thị trường, hiện có nhiều loại tinh dầu được chào bán phổ biến như tinh dầu dừa, chanh sả, gừng, tỏi, khuynh diệp... được sang chiết thành các loại chai nhỏ với mức giá rất đa dạng. Tuy nhiên, các sản phẩm này thường là hàng đóng gói thủ công nên không có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, dễ bị pha trộn nhiều hóa chất.

than-trong-khi-uong-tinh-dau-de-giam-cang-thang-met-moi

 Cẩn trọng khi uống tinh dầu. Ảnh minh họa

Chị Mai Hương (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Con tôi thường bị cảm cúm, ngạt mũi nên mỗi khi thời tiết trở lạnh là gia đình tôi thường dùng tinh dầu để xông hơi. Gần đây, tin lời quảng cáo tinh dầu tỏi có tác dụng chữa giải cảm, tăng cường sức đề kháng, chữa ho, tốt cho hệ tiêu hóa và có tác dụng phòng, chống Covid-19, tôi đã cho con uống tinh dầu tỏi khiến cháu bị đau bụng, đi ngoài”.

Thống kê cho thấy, có nhiều vụ ngộ độc tinh dầu xảy ra trong những năm qua và hơn một nửa trong số nạn nhân là trẻ em. Các trường hợp nặng dẫn đến nôn mửa, tổn thương phổi và suy nhược hệ thần kinh trung ương. Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, từng tiếp nhận một bệnh nhân chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, ngộ độc tinh dầu quế và viêm phổi nặng.

Sau khi uống tinh dầu quế bị đau bụng, bệnh nhân này được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, được rửa dạ dày. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng lơ mơ, tụt huyết áp, phải đặt nội khí quản, thở máy... Bệnh nhân được chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn - viêm phổi - ngộ độc tinh dầu quế trong bối cảnh bệnh nhân có tiền sử xơ gan và đái tháo đường. Bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Không chỉ gây ngộ độc, uống tinh dầu còn gây ra hàng loạt tác dụng phụ khác nhau. Một số loại tinh dầu có chứa chất gây nhạy cảm với ánh sáng. Nếu sử dụng thường xuyên sẽ làm tăng tính dễ bị tổn thương của da trước ánh nắng. Tinh dầu citric và tinh dầu cam bergamot là hai loại gây ảnh hưởng nhất.

Ngoài ra chúng cũng có thể gây ra các vấn đề về da. Thực tế, các vấn đề về da do tinh dầu gây ra rất đa dạng, từ kích ứng nhẹ đến dị ứng toàn phát, chẳng hạn như viêm da. Trường hợp nặng hơn, với những người có da nhạy cảm sẽ gây mẩn ngứa, rát, nổi mề đay, thậm chí gây nứt nẻ.

Càng nguy hiểm hơn khi sử dụng tinh dầu trên vùng da bị tổn thương, vì vị trí đó hấp thụ nhiều dầu hơn, khiến da khó chịu và không có tác dụng như mong muốn. Đặc biệt không được sử dụng tinh dầu pha loãng vì gây nguy hiểm cho da.

Một số loại tinh dầu chứa chất phụ gia hoặc tạp chất, có thể gây hại cho phụ nữ mang thai. Ở giai đoạn này, cơ thể phụ nữ rất nhạy cảm với mùi và vị. Nếu sử dụng nhiều tinh dầu trong thời gian này có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn.

Thậm chí một số loại tinh dầu bôi ngoài da cũng có thể thấm vào nhau thai và gây ảnh hưởng tới em bé. Bởi vậy nên cân nhắc và lựa chọn kỹ khi muốn sử dụng tinh dầu trong giai đoạn này. Ngoài vấn đề về da, dị ứng với tinh dầu có thể ảnh hưởng đến mắt và hệ hô hấp, như sổ mũi và nghẹt mũi. 

Thông tin cụ thể về vấn đề trên, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Hiện nay, tinh dầu được sử dụng khá phổ biến. Các loại tinh dầu là chiết xuất bay hơi, có mùi hương, được sử dụng rộng rãi trong nhiều phương pháp trị liệu, từ chữa vết viêm nhiễm, nhiễm trùng nhỏ cho đến giảm căng thẳng. Nhiều ca ngộ độc tinh dầu xảy ra do bệnh nhân uống nhầm”. Đã có một số trường hợp ngộ độc xảy ra do nhầm lẫn tinh dầu với các loại thuốc nước như siro ho. Còn một số người, do hiểu sai nên đã sử dụng tinh dầu bằng đường uống.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện nạn nhân uống nhầm tinh dầu, mọi người cần bình tĩnh thực hiện biện pháp sơ cứu kịp thời, chính xác, tránh việc hoảng loạn sẽ càng làm mất thêm thời gian cũng như bỏ qua giai đoạn sơ cứu quan trọng nhất. Việc đầu tiên trong quá trình sơ cứu là nhanh chóng giúp nạn nhân nôn được hết chỗ tinh dầu đã uống bằng cách móc họng. Bước tiếp theo là cho nạn nhân uống thật nhiều nước lọc ấm, sau đó lại tiếp tục móc họng nhằm gây nôn để giúp nạn nhân thải sạch các độc tố có trong dạ dày ra khỏi cơ thể. Tiếp theo, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Theo các chuyên gia, người dân chỉ mua hoặc dùng tinh dầu có công bố tiêu chuẩn chất lượng, đầy đủ nhãn mác, hạn sử dụng, hướng dẫn cách dùng, độ tuổi khuyên dùng... Người dân tuyệt đối không nên ham rẻ, mua sản phẩm trôi nổi trên thị trường.

Theo VietQ