Thế giới tiến gần mốc 180 triệu ca bệnh, biến chủng Delta gây làn sóng COVID-19 mới tại nhiều nước

Biến thể Delta virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ có mức độ lây nhiễm cao hơn 60% so với biến thể khác và đang khiến nhiều quốc gia đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới. Đến nay tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã gần mốc 180 triệu ca bệnh.

Theo ghi nhận, tính đến ngày 23/6, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 179.867.270 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.896.051 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 322.589 và 6.984 ca tử vong mới.

Các chuyên gia cho biết, biến thể Delta virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ có mức độ lây nhiễm cao hơn 60% so với biến thể khác, đang khiến nhiều quốc gia đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới và phải xem xét lại các kế hoạch gỡ bỏ phong tỏa.

Bà Soumya Swaminathan – chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng, biến thể Delta đang trở thành biến thể thống trị trên toàn cầu vì khả năng lây nhiễm tăng lên. Theo WHO, biến thể Delta hiện đã có mặt ở hơn 80 quốc gia trên thế giới, là chủng phổ biến ở một số quốc gia, song có xu hướng trở thành chủng phổ biến trên phạm vi toàn cầu.

Theo VOV, trên kênh Sky News, Bộ trưởng Hancock nhận định, Delta đang dần trở thành biến thể chiếm đa số tại một số vùng tại Anh. Biến thể Delta không chỉ lây nhiễm nhanh hơn mà còn khó kiểm soát và ngăn chặn hơn, khiến cho công tác chống dịch phức tạp hơn.

Hiện nay biến thể này đang gây ra lo ngại lớn tại Anh khi làm gia tăng số ca COVID-19 mới tại nước này sau một thời gian đã kiểm soát tốt được dịch bệnh nhờ chiến dịch tiêm chủng.

the-gioi-tien-gan-moc-180-trieu-ca-benh-bien-chung-delta-gay-lan-song-covid-19-moi-tai-nhieu-nuoc

Dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh trở lại ở Nga. Ảnh: Reuters

Hiện nay, về cơ bản, công dân Anh bị hạn chế đi du lịch đến hầu hết các quốc gia, trong đó có cả các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) vì các quy tắc phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt và tốn kém.

Anh hiện là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ 7 thế giới với gần 128.000 ca, nhưng cũng là một trong những quốc gia triển khai tiêm vaccine nhanh nhất thế giới khi có đến 80% dân số là người trưởng thành đã được tiêm chủng, trong đó gần 60% đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Theo TTXVN, ngày 22/6, Tiến sĩ Anthony Faucity - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ khẳng định, biến thể Delta là mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực của Mỹ nhằm chấm dứt đại dịch COVD-19 ở trong nước. "Không thể nghi ngờ gì về khả năng lây lan lớn hơn của biến chủng Delta so với chủng virus ban đầu của dịch COVID-19", ông Anthony nói.

Tỷ lệ nhiễm chủng Delta cũng gia tăng từng ngày tại Mỹ và cũng có nguy cơ là chủng thống trị ở nước này trong thời gian tới. Các nhà khoa học ở Mỹ lo ngại rằng biến thể Delta sẽ đe dọa những người dân chưa được tiêm chủng và một nền kinh tế đang nhanh chóng mở cửa trở lại.

Trong khi đó tại Nga, dịch COVID-19 đang có xu hướng bùng phát trở lại ở nhiều khu vực do sự xuất hiện của biến chủng Delta, khiến số người nhiễm và tử vong tăng mạnh.

Theo số liệu của cơ quan y tế Nga công bố ngày 22/6, trong vòng 24 giờ qua, Nga ghi nhận 546 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số người chết vì đại dịch này tại đây lên 130.347 ca, cao thứ 6 thế giới. Đây là ngày có số người chết vì COVID -19 cao kỷ lục kể từ đầu tháng 2 năm nay.

Cùng đó, nước này ghi nhận thêm 16.715 ca mắc mới COVID-19, cao gấp đôi mức trung bình cách đây một tháng. Các địa phương có số ca mắc mới nhiều nhất trong ngày là thủ đô Moskva với 6.555 ca, tỉnh Moskva (1.871 ca) và thành phố St.Petersburg (1.065 ca).

Trước sự bùng phát mạnh trở lại của dịch bệnh, giới chức Nga nỗ lực tăng tốc chương trình tiêm chủng toàn dân. Hiện Nga đã phê duyệt 4 vaccine nội địa, nhưng tính đến ngày 2/6, nước này mới chỉ tiêm chủng được ít nhất một liều cho khoảng 18 triệu trong tổng số 144 triệu dân.

Chính phủ Nga khuyến khích người dân tiêm chủng bằng nhiều hình thức treo thưởng khác nhau, song mặt khác cũng cảnh báo những người không tiêm chủng đối mặt với nguy cơ bị sa thải, giảm thu nhập.

Ông Dmitry Peskov - người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng, ngoài việc triển khai nhanh kế hoạch tiêm chủng, phương hướng sắp tới của Nga là tái tiêm chủng. "Việc tái tiêm chủng là không thể tránh khỏi. Không chỉ tiêm chủng, mà còn tái tiêm chủng đối với những người muốn giữ an toàn cho bản thân và người thân của họ", ông Peskov nói.

Tại Ấn Độ, trong một tuyên bố tối 22/6, chính phủ nước này cho biết đã phát hiện 22 ca đã nhiễm biến thể Delta Plus (là biến thể mới của biến thể Delta) ở 3 bang Maharashtra, Kerala và Madhya Pradesh, đồng thời nhấn mạnh đây là một "biến thể gây lo ngại". Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang dần thoát khỏi làn sóng COVID-19 thứ hai khi số ca nhiễm giảm mạnh.

Thế giới tiến gần mốc 180 triệu ca bệnh, biến chủng Delta gây làn sóng COVID-19 mới tại nhiều nước - Ảnh 4.

Vaccine Astrazeneca có hiệu quả đối với biến chủng Delta. Ảnh: Reuters

Các chuyên gia ở bang Maharashtra lo ngại biến thể Delta Plus có nguy cơ gây ra làn sóng thứ ba và cảnh báo nó có thể đến sớm hơn dự kiến. Mối lo ngại bắt nguồn từ thực tế hiện nay có rất ít thông tin về biến thể Delta Plus, vốn đã xuất hiện ở 9 quốc gia gồm Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Ba Lan, Nga và Trung Quốc và Ấn Độ.

Giống như biến thể Delta, hiện đã lây lan đến 80 quốc gia, Delta Plus được coi là có khả năng lây nhiễm cao và lây lan nhanh chóng. Nó cũng cho thấy khả năng bám chặt hơn vào các thụ thể của tế bào phổi và có khả năng làm giảm phản ứng kháng thể đơn dòng.

Ngày 22/6, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho hay, sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trong thời gian vừa qua chính là "một đợt tái bùng phát" mới tại quốc gia này. "Theo dữ liệu thu thập được, chúng ta đang đối mặt với một đợt tái bùng phát mới… Phân tích dữ liệu cho thấy chủng virus Delta đã và đang bắt đầu lây lan ở Israel", ông Bennett phát biểu.

Vị này cũng nhấn mạnh sẽ tái lập Nội các chống COVID-19 nhằm thảo luận về một kế hoạch ngăn chặn sự lây lan của chủng virus mới. Đến nay Israel đã tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 55% trong tổng số 9 triệu dân.

Theo VOV, Cơ quan Y tế công cộng Anh cũng cho biết, các loại vaccine hiện nay có hiệu quả đối với biến chủng Delta. Theo cơ quan này, vaccine của Prifer/BioNTech đạt hiệu quả 88% đối với bệnh có triệu chứng do biến thể Delta và vaccine AstraZeneca đạt 60% nếu tiêm đủ liều, còn nếu tiêm một liều hiệu quả này chỉ đạt 36% và 30%.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ dễ lây lan hơn 60% so với các biến thể khác, thời gian ủ bệnh cũng rút ngắn đồng thời dễ dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng của người bệnh.

L.Vũ (th)

Theo GiaDinh