Thực hư thông tin bé gái 3 tuổi bị bắt cóc ở Bình Dương gây xôn xao mạng xã hội

Hàng chục nghìn tài khoản Facebook đã chia sẻ thông tin nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ, chia sẻ tìm kiếm một bé gái sinh năm 2017 được cho là bị 1 thanh niên bắt cóc ở phường Lái Thiêu (TP. Thuận An). Tuy nhiên thông tin này là bịa đặt, giả mạo.

Ngày 8/12, đại diện Công an phường Lái Thiêu, TP. Thuận An, Bình Dương khẳng định những ngày qua trên địa bàn không xảy ra sự việc trẻ em nào mất tích, hay bắt cóc như trên mạng xã hội thông tin. 

Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền thông tin, hình ảnh của một bé gái cho rằng bị bắt cóc ở phường Lái Thiêu, TP. Thuận An, Bình Dương. Hàng chục ngàn tài khoản Facebook đã chia sẻ thông tin nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ, chia sẻ tìm kiếm một bé gái sinh năm 2017 được cho là bị 1 thanh niên bắt cóc ở phường Lái Thiêu (TP. Thuận An). 

Kèm theo hình ảnh của một bé gái là văn bản truy tìm tung tích của Công an P. Lái Thiêu đề ngày 7/12, do Thiếu tá Trần Hùng Cường ký, có thông tin đặc điểm nhận dạng của đối tượng nghi vấn bắt cóc, và số điện thoại liên hệ… Đặc biệt, văn bản này còn bị giả mạo con dấu. 

Vụ việc khiến nhiều người dùng mạng xã hội xôn xao, chia sẻ rộng rãi, gây hoang mang trong dư luận. 

Tối 7/12, ngay sau khi nhận được thông tin, PV đã liên hệ số điện thoại được cho là ông nội của bé gái mất tích trong văn bản thì không liên lạc được. Sau đó, liên hệ tiếp số điện thoại cá nhân của Thiếu tá Cường trên văn bản thì người bắt máy là một phụ nữ và nói không hề biết chuyện gì và không phải số điện thoại cá nhân của Thiếu tá công an này. 

Cũng trong tối cùng ngày, trực Ban chỉ huy Công an phường Lái Thiêu khẳng định với chúng tôi, trên địa bàn chưa tiếp nhận thông tin nào liên quan đến mất tích, bắt cóc như mạng xã hội đã chia sẻ. 

Đến sáng ngày 8/12 đại diện Công an phường Lái Thiêu khẳng định lần nữa: "Nội dung lan truyền trên mạng xã hội là không chính xác. Sau khi tiếp nhận thông tin, chính quyền địa phương đã thông báo tới cơ quan công an để phối hợp giải quyết". Hiện tại, trưởng công an phường không phải là Thiếu tá Cường. 

Thiếu tá Cường trước đây là Phó trưởng Công an phường Lái Thiêu nhưng đã chuyển công tác sang một phường khác từ nhiều năm trước.

Luật sư Nguyễn Trung Tín – Đoàn Luật sư Bình Định nêu quan điểm người dùng mạng xã hội cần cẩn trọng với những thông tin chưa có sự xác thực, kiểm chứng của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Hiện nay ngay cả những văn bản của cơ quan chính quyền xuất hiện trên mạng xã hội cũng đang bị những đối tượng xấu làm giả để trục lợi, nên người dân cần cảnh giác.

Luật sư cũng cho rằng, đối với những hành vi tung tin giả, thất thiệt trên mạng xã hội như vụ việc ở Bình Dương cơ quan chức năng có thẩm quyền cần vào cuộc làm rõ.

Về hành vi tung tin đồn giả, thất thiệt, luật sư Tín cho hay có thể bị xem xét xử phạt theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện.

Cụ thể về Nghị định 15/2020/NĐ-CP:

Theo Điều 101 Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Ngoài ra, việc sử dụng con dấu giả có thể bị xem xét xử lý hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; mức phạt có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng; hoặc có thể bị xử phạt tù mức thấp nhất là 6 tháng và cao nhất là 7 năm tù.

Như vậy, theo luật sư đối tượng tung tin đồn thất thiệt trong vụ việc trên đã vi phạm về hành vi chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Tứ Quý

Theo GiaDinh