Thuốc điều trị Covid-19 qua đường uống sắp có mặt trên thị trường

Công ty Merck Pharmaceuticals và đối tác Ridgeback Biotherapeutics (đều của Mỹ) mới đây thông báo một phần kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 (giai đoạn cuối) đầy hứa hẹn của thuốc uống điều trị Covid-19 mang tên Molnupiravir.

Dữ liệu thử nghiệm đã được đệ trình lên Hội nghị vi sinh lâm sàng và các bệnh nhiễm trùng châu Âu (ECCMID).

Các cuộc thử nghiệm đang được tiến hành để đánh giá mức độ hiệu quả và an toàn của thuốc kháng virus Molnupiravir đối với các trường hợp mắc Covid-19 nhẹ đến trung bình.

Merck Pharmaceuticals và Ridgeback Biotherapeutics ước tính toàn bộ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 sẽ xuất hiện vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới.

"Chúng tôi rất vui khi Molnupiravir tiếp tục cho thấy khả năng hứa hẹn trong việc điều trị những bệnh nhân Covid-19 không phải nhập viện" – Giám đốc điều hành Ridgeback Biotherapeutics Wendy Holman thông báo, đồng thời khẳng định dữ liệu thử nghiệm lâm sàng pha 1 và 2 (trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3) là một bằng chứng thuyết phục về hiệu quả chống virus của sản phẩm này.

thuoc-dieu-tri-covid-19-qua-duong-uong-sap-co-mat-tren-thi-truong

Thuốc kháng virus Molnupiravir của Công ty Merck Pharmaceuticals và đối tác Ridgeback Biotherapeutics. Ảnh: Reuters

Các cuộc thử nghiệm lâm sàng pha 1 và 2 có sự tham gia của 302 trường hợp biểu hiện triệu chứng Covid-19 trong vòng 7 ngày trước khi được phân nhóm ngẫu nhiên. Sau đó, họ được cho uống 200 mg, 400 mg hoặc 800 mg Molnupiravir hoặc giả dược.

Kết quả cho thấy tỉ lệ bệnh nhân nhập viện và/hoặc tử vong thấp hơn, phục hồi nhanh hơn ở nhóm sử dụng Molnupiravir so với giả dược. Dữ liệu còn cho thấy nhóm uống 800 mg Molnupiravir đạt hiệu quả kháng virus cao nhất.

Về tác dụng phụ, Molnupiravir được tuyên bố là chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ, không nghiêm trọng; phổ biến nhất là buồn nôn, tiêu chảy và đau đầu.

Pha 3 sẽ đánh giá kết quả của việc sử dụng 800 mg Molnupiravir 2 lần/ngày.

Hãng dược Hetero Labs (Ấn Độ) tuần rồi thông báo đã xin cơ quan chức năng địa phương cấp phép sử dụng khẩn cấp Molnupiravir. Theo Reuters, Merck Pharmaceuticals đã hợp tác cùng nhiều hãng dược Ấn Độ trong giai đoạn tháng 3 và tháng 4, bao gồm Cipla, nhằm mở rộng sản xuất và thử nghiệm Molnupiravir.

Trong khuôn khổ của quan hệ đối tác, các công ty này được phép sản xuất, cung cấp Molnupiravir cho Ấn Độ cùng hơn 100 quốc gia thu nhập thấp đến trung bình sau khi loại thuốc này được các cơ quan địa phương phê duyệt hoặc cấp phép sử dụng khẩn cấp, Merck Pharmaceuticals thông báo hồi cuối tháng 4.

Theo NLD

------

Xem thêm:

Khi nào bệnh nhân COVID-19 được xuất viện sớm?

Để xuất viện vào ngày thứ 10 từ khi dương tính, bệnh nhân COVID-19 cần đáp ứng 3 yêu cầu căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế ngày 14/7.

Bộ Y tế ngày 14/7 đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 mới. Đây là lần hướng dẫn thứ 6 từ khi dịch xuất hiện ở nước ta với nhiều điểm điều chỉnh phù hợp với thực tế diễn biến dịch và tình hình điều trị COVID-19.

Người bệnh có thể được xuất viện ngày thứ 10 sau dương tính 

Trong Hướng dẫn mới, tiêu chuẩn xuất viện của bệnh nhân COVID-19 có nhiều điểm thay đổi căn bản, căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm. Cụ thể: 

Người bệnh được xuất viện vào ngày thứ 10 kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 khi: (1) Không có triệu chứng lâm sàng trong 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2; (2) Được lấy mẫu ít nhất 2 lần cách nhau tối thiểu 24 giờ có kết quả âm tính, bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30); (3) Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24h.

Nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30) đồng nghĩa với khả năng lây virus SARS-CoV-2 ra cộng đồng của người bệnh hầu như không có.

Người bệnh được xuất viện vào ngày thứ 14 khi có triệu chứng lâm sàng trong 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính; (2) Được lấy mẫu ít nhất 2 lần cách nhau tối thiểu 24 giờ có kết quả âm tính, bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30); (3) Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24h.

 khi-nao-benh-nhan-covid-19-duoc-xuat-vien-som
Xuất viện sau ngày thứ 14, khi (1) Có triệu chứng lâm sàng sau 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính; (2) Được lấy mẫu ít nhất 2 lần cách nhau tối thiểu 24 giờ có kết quả âm tính, bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30); (3) Thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24h.

Bộ Y tế quy định ngày ra viện của nhóm bệnh nhân này được xác định là sau 3 ngày kể từ ngày không còn triệu chứng lâm sàng và đảm bảo tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệm.

Ví dụ: Bệnh nhân Nguyễn Văn A xác định dương tính hôm 1/6, vào viện điều trị ngay. Ngày 11/6 (ngày thứ 11 điều trị), bệnh nhân này xuất hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi... Tới ngày 14/6 anh hết triệu chứng trên. Anh A được lấy mẫu xét nghiệm âm tính 2 lần liên tiếp vào ngày thứ 16-17. Vậy ngày 18/6, anh A đủ tiêu chuẩn ra viện.

Bộ Y tế yêu cầu người bệnh sau khi xuất viện cần tiếp tục cách ly tại nhà phù hợp dưới sự giám sát của y tế cơ sở và CDC địa phương thêm 14 ngày và theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày, nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và xử trí kịp thời.

Khoảng 20% số bệnh nhân diễn biến nặng

Theo Hướng dẫn này, hơn 80% người bệnh COVID-19 chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.

Khoảng 20% số bệnh nhân diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 5-8 ngày. Các biểu hiện nặng bao gồm: viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện…

Trong số các bệnh nhân nặng này, khoảng 3-5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái, …), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.

Sau giai đoạn toàn phát 7-10 ngày, nếu không có ARDS, bệnh nhân sẽ hết sốt các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh.

Võ Thu

Theo GiaDinh