Tiêm mũi 2 giai đoạn 2 thử nghiệm vaccine Nano Covax

Sáng 25/3, Học viện Quân Y đã tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 vaccine phòng COVID-19 Nano Covax cho 26 tình nguyện viên.

tiem-mui-2-giai-doan-2-thu-nghiem-vaccine-nano-covax

Tiêm thử nghiệm mũi 2 vaccine Nano Covax cho tình nguyện viên sáng 25/3. Ảnh: Cương Quyết

Đây là những người đã hoàn thành mũi tiêm thứ nhất của giai đoạn này từ ngày 26/2-10/3. Theo thông tin từ Học viện Quân y, sau khi tiêm mũi 1 giai đoạn 2 vaccine Nano Covax, các tình nguyện viên có triệu chứng như sốt nhẹ, đau chỗ tiêm tự hết, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi… nhưng hết nhanh, không cần can thiệp y tế. "Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe sau khi tiêm của 560 tình nguyện viên tiêm xong mũi 1 giai đoạn 2 đều ổn định. 

Các tình nguyện viên đều sẵn sàng tiêm thử nghiệm mũi 2 của giai đoạn này", đại diện Học viện Quân y nói. Trước đó, nhóm nghiên cứu cho hay, trong giai đoạn 2 có 560 tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax.

Đối tượng tiêm từ 18 đến trên 60 tuổi, trong đó, một số người có bệnh nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch... không quá nặng. 560 tình nguyện viên chia thành 4 nhóm, trong đó, 80 người được tiêm giả dược, các tình nguyện viên còn lại được chia tiêm 3 nhóm liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg. 

tiem-mui-2-giai-doan-2-thu-nghiem-vaccine-nano-covax

Đợt tiêm thử nghiệm lần này có 105 tình nguyện viên trên 60 tuổi, tình nguyện viên cao tuổi nhất 76 tuổi. Trong giai đoạn 2, ngoài Học viện Quân Y, vaccine Nano Covax thử nghiệm ở Hà Nội còn Viện Pasteur TPHCM triển khai tiêm tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. 

 Dự kiến, giai đoạn 2 sẽ được báo cáo sơ kết kết quả thử nghiệm vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021. Sau đó, nhóm nghiên cứu sẽ trình Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia để xem xét, đánh giá các cơ sở khoa học của giai đoạn 2, xây dựng, lựa chọn mức liều tiêm hiệu quả nhất để tiếp tục thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Nano Covax là vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người, do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển.

Theo GiaDinh