TP HCM: Phát hiện hơn 150 tấn đường không rõ nguồn gốc xuất xứ

Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Quản lý thị trường Thành phố phát hiện gần 150 tấn đường không rõ nguồn gốc nằm trong các bãi xe trên địa bàn.

Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Quản lý thị trường Thành phố phát hiện gần 150 tấn đường không rõ nguồn gốc nằm trong các bãi xe trên địa bàn. Tại thời điểm kiểm tra, Đội 7 Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố phối hợp Đội 3, Cục Quản lý thị trường phát hiện 1 xe tải đang đậu trong bãi trên đường Nguyễn Thị Sóc, huyện Hóc Môn chở hơn 40 tấn đường nghi nhập lậu.

Làm việc với cơ quan chức năng, người có liên quan không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Cùng thời điểm trên, đoàn liên ngành kiểm tra xe container ở đường số 48 và một xe tải khác tại bãi xe 39, Quốc lộ 1, quận Bình Tân, phát hiện thêm 100 tấn đường cùng loại.

tp-hcm-phat-hien-hon-150-tan-duong-khong-ro-nguon-goc-xuat-xu

Phát hiện hơn 150 tấn đường không rõ nguồn gốc xuất xứ tại TP HCM. Ảnh minh họa. 

Toàn bộ lô hàng ước tính gần 150 tấn đều nghi nhập lậu không rõ nguồn gốc. Các tài xế khai nhận chở hàng từ Bình Dương, Đồng Nai sau đó về tập kết bãi xe Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có người đến nhận. Hiện vụ việc đang tiếp tục được mở rộng điều tra.

Thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ nhiều vụ đường cát nhập lậu. Trong đó có những vụ khủng lên đến hàng trăm tấn, thậm chí hàng ngàn tấn như: Cuối năm 2020, Công an tỉnh An Giang bắt quả tang các đối tượng đang vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. Kiểm tra ghe, lực lượng chức năng phát hiện 2.000 bao đường cát trắng nhãn hiệu nước ngoài, tương đương 100 tấn; Trước đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã triệt phá đường dây tội phạm buôn lậu đường cát trắng từ Campuchia về Việt Nam, thu giữ gần 1.000 tấn đường...

Để ngăn chặn đường nhập lậu, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), ngoài nỗ lực ngăn chặn đường nhập lậu từ các cơ quan chức năng thì việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc là một giải pháp rất quan trọng để ngăn đường nhập lậu.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, do chưa có hệ thống truy xuất nguồn gốc của các nhà máy mía đường, mỗi khi bắt được đường nhập lậu, các lực lượng chức năng phải lấy mẫu đem đi phân tích rất mất thời gian và cũng rất khó khăn trong việc xác định nguồn gốc.

Đáng chú ý, trong Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 14/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao VSSA và các doanh nghiệp mía đường chủ động xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc để giúp ngăn chặn hành vi buôn lậu đường. Trên cơ sở đó, VSSA đã có công văn gửi các hội viên về việc triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc nhằm chống gian lận thương mại ngành mía đường Việt Nam.

Theo đó, hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đường phải là một hệ thống chung quy mô quốc gia để có thể quản lý, đánh giá và nhận diện được các loại đường sản xuất và đóng gói trong nước cũng như đường nhập khẩu và xuất khẩu để có cơ sở nhận diện mặt hàng đường nhập lậu và gian lận thương mại lưu hành trên thị trường.

Đặc biệt, hệ thống cũng phải bảo đảm có sự tương thích và kết nối được với hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ Nông nghiệp và Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia trong tương lai.

VSSA vận động ban hành chính sách bắt buộc truy xuất nguồn gốc với đường sản xuất trong nước, đường nhập khẩu như hàng rào thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước và chống đường nhập lậu. Tình trạng nhập lậu đường từ nhiều năm qua đã đẩy người nông dân trồng mía vào tình trạng bấp bênh, các nhà máy làm ăn thua lỗ…

Theo VietQ