'Trả thù' đại dịch, người trẻ TP.HCM sắm quần áo, đặt mua iPhone 13

Khi những tín hiệu tích cực đầu tiên được nhen nhóm sau chuỗi ngày phong tỏa, Thanh lao vào mua sắm để khỏa lấp nỗi buồn, bù đắp cho khoảng thời gian đã mất vì giãn cách xã hội.

Hai hộp mặt nạ dưỡng da, một hộp kem dưỡng ẩm, một tuýp kem chống nhăn, chì kẻ mày, 2 bộ đồ ngủ... là những món hàng Thanh (28 tuổi, ngụ ở thành phố Thủ Đức) đã "chốt đơn" trong đợt săn sale đầu tháng 9.

Đến giữa tháng 9, cô rao bán chiếc điện thoại iPhone 12 đang sử dụng và đặt trước điện thoại iPhone 13 Pro Max.

Khi TP.HCM sắp bước vào giai đoạn "bình thường mới", 5 trong số 18 đơn hàng Thanh đặt trên ứng dụng mua sắm trực tuyến ở trạng thái đang giao. Điện thoại mới dự kiến đến tay cô vào đầu tháng 11.

tra-thu-dai-dich-nguoi-tre-tp-hcm-sam-quan-ao-dat-mua-iphone-13

Tình trạng các đơn hàng đặt vào đầu tháng 9 của Thanh.

"Những món đồ mới là phần thưởng mình dành cho bản thân sau thời gian dài chỉ ở nhà và làm việc, không tiêu pha, chơi bời, mua sắm, du lịch", cô nói với Zing.

Giãn cách, phong tỏa đã thúc đẩy "mua sắm trả thù" - hiện tượng lần đầu tiên được quan sát ở Trung Quốc sau khi các hạn chế được dỡ bỏ và giờ đây lan rộng trên toàn thế giới theo nhiều cấp độ khác nhau.

Khi những tín hiệu tích cực đầu tiên được nhen nhóm sau tháng ngày quay cuồng vì đại dịch, những khách hàng như Thanh đang lao vào mua sắm để khỏa lấp nỗi buồn, bù đắp cho khoảng thời gian đã mất vì giãn cách xã hội.

Mua sắm thường là một hoạt động vui vẻ, giờ đây được thúc đẩy bởi một loại hưng cảm từ hành vi trả đũa.

Nhớ cảm giác quẹt thẻ thanh toán

Thanh thuộc nhóm lao động may mắn vẫn giữ được công việc và thu nhập ổn định trong thời gian dài giãn cách. Khó khăn của cô không phải là vấn đề kinh tế mà là việc phải "chôn chân" ở nhà suốt 4 tháng qua.

Ngay khi hay tin TP.HCM dần mở cửa và lao động có thể trở lại văn phòng vào tháng 10, Thanh nghĩ ngay đến việc chăm chút bản thân, làm mới tủ quần áo.

Trước mắt chưa thể đi lại shopping, cô nàng chủ yếu sắm đồ, đặt hàng online. Nếu trước đây, Thanh yêu thích thời trang tối giản, quần áo gam màu tối, trung tính, thì giờ đây cô có xu hướng mua những món đồ có nhiều họa tiết, màu sắc tươi sáng hơn.

"Mình tìm kiếm những thứ mang lại cảm giác lạc quan, khiến cuộc sống vui vẻ trở lại".

Khi các quy tắc phòng dịch được nới lỏng hơn nữa, Thanh nói chắc chắn cô sẽ còn mua sắm nhiều hơn. "Mình là người thích mua sắm ở cửa hàng thay vì shopping online. Sau 4 tháng cô lập ở nhà, mình thực sự nhớ cảm giác được tự tay chọn đồ, thử quần áo và quẹt thẻ thanh toán".

Tương tự, Bùi Thị Thu Trang (21 tuổi, quận 7) cũng coi việc "mua sắm trả đũa" là một cách để giải tỏa tâm trạng căng thẳng và tự thưởng cho bản thân sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

tra-thu-dai-dich-nguoi-tre-tp-hcm-sam-quan-ao-dat-mua-iphone-13

Thu Trang mua sắm quần áo, chuẩn bị cho cuộc sống hậu giãn cách.

Nhân dịp thành phố nới lỏng việc giao nhận hàng, Trang tranh thủ đặt mua hàng loạt quần áo, mỹ phẩm, đồ chăm sóc da để chuẩn bị cho giai đoạn "bình thường mới".

Cô gái 21 tuổi cho biết trong thời kỳ giãn cách xã hội, hầu hết sàn thương mại điện tử đến những nhà bán lẻ đều gặp khó khăn trong việc giao hàng hoặc tạm nghỉ do dịch. Vì thế, Trang không thể “tậu” những thứ cần thiết cho bản thân và gia đình.

Gần đây, khi các app chạy mã giảm giá với phí ship rẻ hơn thường ngày, cô đã bỏ ra khoảng 7 triệu đồng để thỏa sức mua sắm.

“Vì học chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch, sau dịch mình phải đi tour để thực hành rất nhiều. Ngoài ra, mình cũng đã hẹn bạn bè những chuyến đi chơi xa nên các món đồ mình mua đều cần thiết cho bản thân”, Trang bộc bạch.

Theo Trang, việc mọi người đổ xô mua sắm khi dịch bệnh giảm nhiệt là điều dễ hiểu. Xét về góc độ tâm lý, Covid-19 đã khiến nhiều bạn trẻ phải chấp nhận ở nhà với 4 bức tường, bí bách và tạm gác mọi cuộc vui, hẹn hò sang một bên.

Đầu tư thay vì tiết kiệm

Những ngày cuối tháng 9, Đoàn Minh Hiếu (20 tuổi, quận 3) cũng phấn khởi dạo quanh các app để chuẩn bị cho thời kỳ hậu giãn cách. Đa số đơn hàng của Hiếu đều phục vụ cho việc học tập như sách vở, giá kẹp sách, đèn bàn, tai nghe…

Hiếu cho biết từ khi tài xế được giao liên quận, tốc độ ship hàng nhanh hơn đợt tháng 7, 8.

Nếu tính những đơn đã đặt gần đây, cô đã nhận được khoảng 70%. Các món còn lại vẫn gặp trục trặc do người bán đang trong vùng dịch nên việc tiếp nhận đơn hơi chậm.

tra-thu-dai-dich-nguoi-tre-tp-hcm-sam-quan-ao-dat-mua-iphone-13

Các đơn hàng gần đây của Minh Hiếu chủ yếu là dụng cụ học tập.

“Việc shopping sau dịch phần nào bù đắp nỗi nhớ mua sắm nhưng cũng khiến mình hồi hộp hơn vì đơn hàng hay bị trễ hoặc hoàn trả. Tuy nhiên, mình cũng thông cảm cho người bán và shipper do thời điểm này còn nhiều khó khăn như số lượng tài xế ít, các thủ tục phức tạp”, Hiếu chia sẻ.

Sắp tới, nữ sinh sẽ mua thêm vài món để tân trang cho tủ quần áo. Trước thông tin thành phố cho phép một số dịch vụ hoạt động trở lại từ ngày 1/10, Hiếu dự định chờ thêm một khoảng thời gian nữa khi tình hình ổn định hơn mới trực tiếp đến mua sắm tại các cửa hàng.

Với Hoàng Ngân (32 tuổi, quận Bình Thạnh), người gần đây đã đặt mua một chiếc laptop 20 triệu đồng, đại dịch đang khiến cô nhìn nhận khác đi về việc chi tiêu của mình.

Trong khi nhiều người chi tiêu chắt bóp để có khoản tiền tiết kiệm phòng thân trong ngày dịch, Ngân nói rằng cô muốn tận hưởng và đầu tư hơn.

“Covid-19 khiến mọi thứ trở nên thiếu ổn định và chắc chắn. Thay vì suy nghĩ nhiều cho tương lai, mình muốn sống cho hiện tại. Laptop sẽ giúp mình học tập tốt hơn chuyên ngành kinh tế - tài chính, trau dồi thêm một chút ngoại ngữ. Đó cũng là một khoản đầu tư xứng đáng cho bản thân”, Ngân chia sẻ.

Theo Zingnews