Tràn ngập livestream quảng cáo, bán kem làm trắng cấp tốc: Tác hại khôn lường!

Kem trộn không rõ nguồn gốc, chất lượng… có thể chứa chất gây kích ứng, hủy hoại làn da đang được kinh doanh tràn lan trên mạng xã hội, tiếp tục trở thành vấn đề nóng người tiêu dùng cần cảnh giác.

Tràn lan quảng cáo, rao bán kem trộn

Sau thời gian tạm lắng, gần đây các hình thức quảng cáo kem trộn làm trắng da lại xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội (MXH). Đặc biệt, thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu mua sắm online tăng cao, một số người bán kem trộn cũng tung ra nhiều chiêu thức để kích cầu. 

Theo dõi một livestream bán kem trộn trên mạng xã hội, PV nhận thấy hình thức thu hút khách hàng không mới. Người bán kem trộn trong phong thái sexy vừa ngồi nói liên hồi, vừa giới thiệu một chậu kem trộn trước mặt, vừa đong, vừa đếm từng hũ kem trộn màu vàng nhạt, phát giá rẻ bất ngờ… chỉ 290 nghìn đồng/1kg.

tran-ngap-livestream-quang-cao-ban-kem-lam-trang-cap-toc-tac-hai-khon-luong

Kem trộn được bán với giá 290 nghìn đồng/1kg trên khắp chợ mạng.

Tương tự, ở một livestream khác, người bán hàng kem trộn còn trực tiếp cho khách hàng xem từng công đoạn trộn kem trên mạng xã hội.

Trước một chậu nguyên liệu, người phụ nữ bán hàng liên tục đổ hàng loạt lọ thủy tinh không nhãn mác, chẳng rõ nguồn gốc, được giới thiệu là serum, chất làm trắng và chống nắng cao cấp… đảm bảo “dùng một lần nhớ đời” và cam kết chất lượng số 1 Việt Nam.

tran-ngap-livestream-quang-cao-ban-kem-lam-trang-cap-toc-tac-hai-khon-luong

Kem trộn được "nổ" là kem làm trắng số 1 Việt Nam, người tiêu dùng cẩn trọng kẻo sập "bẫy".

Thậm chí, còn có kiểu bán kem trộn với nhiều hình thức “bạo lực”, “hài ước”, “tục tĩu” công khai trên mạng xã hội nhằm mục đích “câu like”, thu hút sự chú ý của khách hàng. Để sản phẩm kem trộn của mình trở nên hấp dẫn hơn, không ít người đã sử dụng “người mẫu” có làn da siêu trắng, siêu mịn thoa kem trộn lên người để chứng minh tác dụng làm trắng da siêu tốc của sản phẩm.

Với rất nhiều hình thức bán hàng đa dạng nêu trên, có những kênh mạng xã hội, fanpage và trang cá nhân thu hút rất đông người tiêu dùng theo dõi.

Theo ghi nhận, nhiều kênh trên YouTube, Facebook bán kem làm trắng da cấp tốc có sự tương tác nhiều với khách hàng, điển hình các tài khoản: T.P, Đ. 365, H.L., Dr.C., “thánh” kem trộn U.N... với những lời quảng cáo “trắng cấp tốc”, “trắng thần kỳ” và đặc biệt an toàn...

tran-ngap-livestream-quang-cao-ban-kem-lam-trang-cap-toc-tac-hai-khon-luong

Kem trộn được quảng cáo dưới nhiều hình thức để thu hút người xem. 

Chị Nguyễn Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên công việc của chị bị cắt giảm. Đi làm ít hơn nên chị Hải đã tận dụng thời gian ở nhà để chăm sóc sức khỏe. Sau vài lần tìm hiểu, chị Hải vào được nhóm chuyên về làm đẹp, tuy nhiên, chị ngỡ ngàng bởi hàng loạt quảng cáo, kinh doanh giới thiệu kem trộn với những quảng cáo như làm trắng cấp tốc, đẹp siêu tốc…

Chị Hải chia sẻ, thoạt nhìn những quảng cáo trên sẽ rất kích thích, bởi người quảng cáo đánh trúng tâm lý làm đẹp nhanh chóng mà chi phí thấp của chị em phụ nữ.

Nhưng tìm hiểu quy trình và hình thức kinh doanh chị Hải không khỏi giật mình, lập tức tẩy chay nhóm mới tham gia, đồng thời cảnh báo những người tiêu dùng khác, tránh xa các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng nêu trên.

Tác hại khôn lường

tran-ngap-livestream-quang-cao-ban-kem-lam-trang-cap-toc-tac-hai-khon-luong

Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi sử dụng kem trộn kẻo "rước họa vào thân".

Không ít trường hợp sử dụng các loại kem trộn được quảng cáo trắng và sáng “siêu tốc” trên mạng xã hội đã ngậm quả đắng, nặng thì hỏng làn da, nhẹ thì bong tróc và dị ứng. Điển hình như trường hợp của N.T.N, 20 tuổi, trú tại Hà Nội đang là sinh viên một trường đại học.

Luôn tự ti vì khuôn mặt nhiều mụn, N. đã sử dụng nhiều sản phẩm mỹ phẩm nhưng không hiệu quả. Nghe trên mạng quảng cáo kem trộn trị mụn hiệu quả, N. quyết định mua một lọ về sử dụng. Sau khi bôi 1 tuần da đỡ hẳn mụn.

Mụn cám trên trán cũng biến mất. N. thấy công dụng nên kiên trì bôi. Tuy nhiên, sau 6 tháng, mỗi lần dừng bôi N. thấy da lại nổi mụn nhiều hơn nên cứ bôi kem mãi. Đến khi lớp mụn sưng nề kèm theo mủ N. tìm tới bác sĩ khám. Bác sĩ cho biết N. bị tổn thương do lạm dụng kem trộn và có hiện tượng lệ thuộc vào corticoid.

Theo bác sĩ  Hoàng Văn Tâm - Giảng viên bộ môn Da liễu, Đại học Y Hà Nội, kem trộn đang được rất nhiều bạn trẻ tin tưởng và coi như thần dược. Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ cũng gặp khá nhiều trường hợp bị nám khắp mặt sau điều trị kem trộn có chất làm trắng hydroquinone và corticoid. Trong đó có những trường hợp sau khi bôi kem trộn có corticoid được một thời gian trên mặt xuất hiện lông dài và rậm, teo da, giãn mạch, mỏng da, rạn da…

Nhiều người khi đến khám mang theo sản phẩm là những hộp kem được quảng cáo có công dụng làm trắng da, chữa nám, trị mụn trứng cá... với thành phần trên nhãn là thảo dược. Tuy nhiên, các loại kem này đều được trộn corticoid, ảnh hưởng trực tiếp lên da. Hiệu quả nhanh chóng nhưng hậu quả lâu dài.

Nói về kem trộn đang bán tràn lan trên MXH, các chuyên gia cho biết, kem trộn là loại kem tự chế với các thành phần chính là hydroquinone, acid và phổ biến nhất là corticoid... Riêng corticoid là chất ức chế miễn dịch của da, khiến da ngậm nước mạnh, da sẽ trắng mịn và căng mọng rất nhanh chỉ trong 24 giờ sau khi thoa. Đó cũng chính là lý do tại sao loại mỹ phẩm có chứa chất corticoid lại giúp làn da người dùng đẹp lên trông thấy chỉ trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, chất corticoid được xếp vào bảng độc dược loại B, nghĩa là chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và không được dùng lâu dài. Thế nhưng, corticoid lại đang được dùng tràn lan trong kem trộn bởi khả năng làm trắng và mịn da nhanh chóng. Tình trạng lạm dụng corticoid dẫn đến nhiều hậu quả tồi tệ cho da như: Dễ gây kích ứng, khô rát, viêm da và tệ hơn là teo da, điều trị và phục hồi rất khó khăn. Do đó, người tiêu dùng không nên sử dụng những loại kem làm trắng da cấp tốc, giá rẻ, bán trôi nổi trên MXH, kẻo “tiền mất tật mang”.

Sản xuất kem trộn bị xử lý thế nào?

Đề cập tới việc xử lý vi phạm hàng mỹ phẩm trôi nổi, hàng giả, hàng kém chất lượng, Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết:

Theo Điều 3 Thông tư 06/2011/TT-BYT về quản lý mỹ phẩm quy định về việc công bố sản phẩm mỹ phẩm, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, hiệu quả và chất lượng sản phẩm.

 Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra hậu mại khi sản phẩm lưu thông trên thị trường. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường phải có chức năng kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam.

Theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, vi phạm quy định về công bố mỹ phẩm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Kê khai không trung thực các nội dung đã cam kết trong phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; Không công bố sản phẩm mỹ phẩm trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật đối với nhà sản xuất mỹ phẩm trong nước hoặc nhà nhập khẩu mỹ phẩm.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 điều này; Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 1 điều này. 

Theo VietQ