Tranh cãi về đề xuất hỗ trợ tiền cho 2.000 nghệ sĩ bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Để tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ nghệ sĩ và hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng COVID-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vừa có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) kiến nghị Thủ tướng một số giải pháp hỗ trợ. Điều này làm dấy lên nhiều luồng ý kiến.​

Theo văn bản do Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông ký, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và du lịch đang chịu thiệt hại trực tiếp và nặng nề nhất do tác động của dịch COVID-19 nhưng cho tới nay vẫn chưa có chính sách hỗ trợ.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đội ngũ nghệ sĩ tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch gần như không thể hoạt động do đại dịch COVID-19 không được tổ chức sự kiện, tập trung đông người,.. Vì thế, để tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ nghệ sĩ và hướng dẫn viên du lịch, Bộ VH-TT&DL đề nghị Bộ LĐTB&XH kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp hỗ trợ.

Cụ thể, bổ sung vào mục II dự thảo Nghị quyết đối tượng và nội dung hỗ trợ: "Hỗ trợ đội ngũ nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp đạo diễn nghệ thuật hạng IV, diễn viên hạng IV, họa sĩ hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (đây là nhóm nghệ sĩ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng). Mức hỗ trợ là 1.800.000 đồng/người/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng và được chi trả một lần".

tranh-cai-ve-de-xuat-ho-tro-tien-cho-2-000-nghe-si-bi-anh-huong-boi-covid-19

Nghệ sĩ sân khấu lao đao khi sân khấu phải đóng cửa do dịch COVID-19

Bộ VH-TT&DL lý giải lao động nghệ thuật biểu diễn là loại lao động đặc thù, đội ngũ nghệ sĩ phải có năng khiếu, tài năng và phải được đào tạo bằng nhiều hình thức (kèm cặp, tại chỗ, đào tạo qua các cơ sở đào tạo nghệ thuật...) và phải đào tạo từ lúc nhỏ (từ 7-8 tuổi), thời gian đào tạo kéo dài và chỉ đạt đến trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng là ra nghề.

Thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật của nghệ sĩ rất ngắn, bình quân khoảng từ 15 đến 20 năm, đến độ tuổi từ 30 đến 40 (đối với nữ) và 40 đến 45 (đối với nam) khả năng biểu diễn của nghệ sĩ bị suy giảm, không thể đáp ứng được đòi hỏi về chuyên môn của nghề nghệ thuật biểu diễn.

Thực tế theo thang bảng lương nhà nước, mặc dù có tài năng, năng khiếu, được đào tạo công phu nhưng khi được tuyển dụng vào viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập, đội ngũ nghệ sĩ được xếp lương như đối với các ngành nghề khác (xếp lương theo trình độ đào tạo lên lương theo niên hạn trung bình 2 năm nâng 1 bậc lương đối với hạng IV, mức lương khởi điểm hệ số 1,86 x mức lương cơ sở 1.490.000 đồng) thì đối tượng viên chức là nghệ sĩ hiện nay không thể đi hết các bậc lương trong ngạch khi tuổi nghề ngắn.

Hiện nay, cả nước có 100 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) với hơn 2.000 viên chức là nghệ sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, đối tượng này đang khó khăn không thể đảm bảo cuộc sống do đại dịch COVID-19 xảy ra, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn tạm ngừng.

Bên cạnh các nghệ sĩ, Bộ VH-TT&DL cũng đề xuất bổ sung vào mục II dự thảo Nghị quyết đối tượng và nội dung hỗ trợ là hướng dẫn viên du lịch bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Mức hỗ trợ là 1.800.000đ/người/tháng, hỗ trợ trong 3 tháng và được chi trả một lần".

tranh-cai-ve-de-xuat-ho-tro-tien-cho-2-000-nghe-si-bi-anh-huong-boi-covid-19

Thông tin này lập tức nhận được sự quan tâm, tranh cãi của dư luận. Phần đông ý kiến dư luận bày tỏ sự phản đối trước đề nghị này của phía Bộ VH-TT&DL vì cho rằng còn nhiều đối tượng khác cần được quan tâm hơn.

Nhiều ý kiến chỉ rõ, trong tình hình chung hiện nay, không riêng gì giới nghệ sĩ mà có rất nhiều đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề. Do đó, họ mong cơ quan chức năng dành sự quan tâm đến nhiều người dân khác. 

"Tôi nghĩ nên ưu tiên cho người lao động khó khăn trước. Còn nhiều người còn khổ hơn nghệ sĩ chẳng hạn như người già và người bán vé số, họ cần được giúp đỡ trong mùa dịch này"; "Còn rất nhiều nghề cực khổ hơn nghề này lắm. Họ cũng mất việc và ngủ gầm cầu, lề đường. Xin làm ơn hãy giúp đỡ thêm cho họ";

"Nhân viên, hay các ngành dịch vụ đều tổn thất. Trong khi 1 show diễn các nghệ sĩ hàng mấy chục triệu, thậm chí cả trăm triệu. Thu nhập gấp 10 lần người bình thường thì nên giúp đỡ các công nhân, nhân viên thu nhập thấp thì tốt hơn";... một số ý kiến chỉ rõ.

Một ý kiến khác thẳng thắn: "Tôi không bằng lòng ủng hộ nghệ sĩ, nghề nào cũng khó khăn do ảnh hưởng của dịch, nhưng có những nghề còn khó khăn hơn nghệ sĩ nhiều, ví dụ những lao động tự do họ đi bán vé số mưu sinh, hoặc công nhân họ gặp nhiều khó khăn hơn nghệ sĩ nhiều".

tranh-cai-ve-de-xuat-ho-tro-tien-cho-2-000-nghe-si-bi-anh-huong-boi-covid-19

Song song với đó, nhiều người đồng tình với đề xuất hỗ trợ nghệ sĩ trong giai đoạn dịch COVID-19. Họ cho rằng bên cạnh một số nghệ sĩ sở hữu khối tài sản "khủng", giàu có thì vẫn có không ít người cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trong đó, đáng chú ý là những viên chức với đồng lương ít ỏi và không thể biểu diễn trong giai đoạn dịch.

"Nghệ sĩ trong diện viên chức nhà nước thu nhập rất thấp. Mà biên chế nhà nước nên được nhận hỗ trợ cũng chính đáng mà";

"Nghệ sĩ nổi tiếng có thu nhập cao, đóng thuế khá nhiều, nên họ sẽ không nhận trợ cấp. Nhưng còn một bộ phận khác vẫn khó khăn.Chỉ mới là đề xuất nên cần xem xét tới từng đối tượng. Đó là sự công bằng với tất cả tầng lớp người dân";

"Đây là ý kiến hay tôi nghĩ rất nên. Nên trích ngân sách để giải ngân cho giới nghệ sĩ không để họ khổ sở và sống lay lắt. Họ là những người đã cống hiến cho xã hội trên mặt trận văn hóa"; "Mùa dịch này ai cũng khó khăn vất vả, có được sự hỗ trợ thật đáng quý";... là một số bình luận của dư luận về văn bản này.

Đồng thời, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng cảm với vấn đề của các hướng dẫn viên du lịch:

"Mình nghĩ dịch thì ai cũng khó khăn hết nhưng các đối tượng khác thì đã và vẫn đang nhận được hỗ trợ từ Nhà nước và cộng đồng rồi. Còn hướng dẫn viên du lịch, từ khi có dịch đến giờ đã hơn 1 năm, hướng dẫn viên du lịch quốc tế là mất trắng thu nhập, nay được vậy thì tốt quá. Nếu anh chị cũng là người trong ngành, anh chị sẽ hiểu cảm giác tủi thân đó";

"Công nhân còn đi làm được 5-6 triệu có khi còn hơn. Du lịch là đứng hình thất nghiệp 100% không có xu nào luôn nha. 90% HDV là làm việc tự do không hợp đồng không bảo hiểm, có đi thì có tiền không đi thì cháo không có".

Theo GiaDinh