Trung Quốc hối hả mua gạo của Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tăng vọt

Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xuất khẩu gạo bình thường từ tháng 5/2020, thị trường gạo bắt đầu khởi sắc. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc là một trong những thị trường nhập khẩu nhiều gạo của Việt Nam.

Trung Quốc tăng mua gạo nếp từ Việt Nam

Theo thông tin mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), ước tính khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4 đạt 400.000 tấn, trị giá 185 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo và giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 1,92 triệu tấn và 886 triệu USD, giảm 7,9% về khối lượng và giảm 0,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Tính riêng trong 3 tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 36,7% thị phần, sản lượng đạt 594.200 tấn (tăng 8,2%), giá trị đạt 257,2 triệu USD (tăng 19,1%) so với cùng kỳ năm trước. 

Trong khi đó, trong tháng 3, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng mạnh nhất trong các thị trường với giá trị gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc tăng đột biến, gấp 4,37 lần so với cùng kỳ.

trung-quoc-hoi-ha-mua-gao-cua-viet-nam-gia-gao-xuat-khau-tang-vot

Xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2020 đạt 1,92 triệu tấn. Ảnh: I.T

Trước đó, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm,Trung Quốc mua gạo Việt gấp 7 lần về sản lượng, 8 lần về giá trị so với cùng kỳ 2019 khi đạt hơn 66.222 tấn (tương đương 37 triệu USD).

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, Trung Quốc chủ yếu mua gạo nếp từ Việt Nam chứ không phải gạo tẻ để dự trữ. Theo ông Dương Văn Hòa - Giám đốc Công ty Dương Vũ (Long An), Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu gạo nếp lớn nhất của Việt Nam.

Giá gạo xuất khẩu tăng 6,3%

Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu Ấn Độ giữa tháng 4/2020 đã tăng lên mức cao nhất 8 tháng. Cụ thể, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đạt mức 375 - 380 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tuần đầu tiên của tháng 8/2019, cao hơn đáng kể so với 361 - 365 USD/tấn được niêm yết vào tháng trước đó. 

Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam quý đầu tiên của năm cũng đạt 461,9 USD/tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan vào gần cuối tháng 4/2020 giảm xuống còn 530 - 538 USD/tấn, thấp hơn so với mức cao nhất đạt được trong tháng 4 là 555 - 580 USD/tấn. Đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 4/2013.

Tại thị trường trong nước, giá lúa tại khu vực ĐBSCL nhìn chung có xu hướng tăng trong tháng 4/2020, đặc biệt là các loại lúa thường.

Tại một số địa phương, các thương nhân thu gom nhiều loại lúa thường để chế biến thành gạo trắng xuất khẩu và dự trữ, do đó đã khiến giá tăng lên mạnh, đặc biệt là ngay sau khi Chính phủ cho phép xuất khẩu vào đầu tháng 4/2020.

Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 100 đ/kg lên 5.500 đ/kg; lúa OM 5451 tăng 100 đ/kg lên mức 5.700 đ/kg; lúa OM 6976 giữ ở mức 5.600 đ/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 300 đ/kg lên mức 5.700 – 5.800 đ/kg; lúa OM 4218 tăng 500 đ/kg lên mức 6.600 – 6.800 đ/kg...

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 496,1 triệu tấn, giảm khoảng 0,6% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 đạt 490,2 triệu tấn, tăng khoảng 0,9% so với năm 2019.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông tin, nhằm ứng phó với tác động của dịch Covid-19, Indonesia có kế hoạch thu mua khoảng 950.000 tấn gạo trong dân nhằm duy trì tồn kho ở mức 1-1,5 triệu tấn. Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng sản lượng nông nghiệp nội địa khi khuyến khích trồng trở lại 2 vụ lúa/năm.

Chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân nhận định, hiện nay Việt Nam có khá nhiều cơ hội xuất khẩu gạo, điển hình là với thị trường Philippines. Philippines năm nay cần thêm 300.000 tấn gạo bởi họ chỉ có đủ gạo ăn trong 4 tháng.

Ngoài Philippines, cơ hội thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam còn đến từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, vị chuyên gia nhiều năm gắn bó với ngành lúa gạo Việt Nam cho rằng, nhu cầu của Trung Quốc không mãnh liệt như Philippines.

Bộ NN&PTNT đưa ra tính toán, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Về nhu cầu tiêu dùng, dự trữ, Bộ NN&PTNT dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 đã bao gồm dự trữ là 29,96 triệu tấn thóc.

Cụ thể, tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống và giống dự phòng 1 triệu tấn; dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn. Như vậy, lượng thóc còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo.

Theo DanViet

----

Xem thêm:

+Sinh đủ 2 con được giảm thuế, ưu tiên mua nhà xã hội

+Một trong 3 ca mắc Covid-19 nặng khỏi bệnh

+Hé lộ 'gói hàng bí ẩn' Đường Nhuệ gửi lên Hà Nội

----