Tự mua và sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 cần đặc biệt lưu ý

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vừa cảnh báo người tiêu dùng nên lưu ý khi tự mua và sử dụng máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD) cho biết, thời gian qua theo ghi nhận của Bộ Công Thương một số thông tin từ báo chí và người tiêu dùng phản ánh về giá cả và chất lượng của các loại máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2). Các vấn đề được phản ánh liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, giá cả, chất lượng sản phẩm cũng như việc cung cấp các giấy tờ, thông tin có liên quan của người bán.

Trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện thì các loại máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 chỉ bày bán tại các cửa hàng thiết bị y tế chuyên dụng dành cho những người mắc bệnh lý tim mạch, phổi, hô hấp. Máy đo nồng độ oxy là thiết bị được sử dụng để theo dõi độ bão hòa oxy, đo mức oxy trong máu của một người mà không cần sử dụng bất kỳ phương tiện xâm lấn nào. Đối với những người mắc Covid-19 khi trở nặng thường có biểu hiện suy hô hấp, và máy đo SpO2 là một công cụ phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu để sớm có hướng xử lý cho bệnh nhân.

tu-mua-va-su-dung-may-do-nong-do-oxy-trong-mau-spo2-can-dac-biet-luu-y

Cẩn trọng khi mua máy đo nồng độ oxy trong máu. Ảnh minh họa 

Do tính năng nêu trên, đồng thời, nắm bắt được nhu cầu của nhiều người tiêu dùng trong việc mua, sử dụng các thiết bị SP02, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều tổ chức, cá nhân đang cung cấp các thiết bị SP02. Liên quan đến vấn đề này, để bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, Cục CT&BVNTD xin lưu ý một số điểm như sau:

Chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng. Chỉ số SpO2 cần được đo nhiều lần để theo dõi và không chỉ dựa vào SpO2 để chẩn đoán bệnh hoặc loại trừ Covid-19. Người tiêu dùng vẫn cần theo dõi sát các triệu chứng khác cơ thể, khi có bất thường cần báo nhân viên y tế ngay.

Lựa chọn loại máy nồng độ oxy trong máu SpO2 phù hợp với mục đích sử dụng. Mỗi hãng, mỗi dòng máy sẽ có cấu tạo, chất liệu đầu dò khác nhau dẫn tới độ chính xác, độ bền cũng khác nhau. Các loại máy dùng ở bệnh viện được kiểm định kĩ thuật và độ chính xác cao so với các máy cá nhân có thể tự mua ở nhà thuốc. Các thiết bị điện tử có tích hợp đo SpO2 như đồng hồ thông minh, thiết bị theo dõi luyện tập thể dục thể thao thường không được kiểm định y khoa, không dùng được trong các mục đích y khoa như chẩn đoán và theo dõi bệnh.

 
Theo các bác sĩ chuyên khoa, các thiết bị đo SpO2 cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng, chứ không phải là dấu hiệu để phát hiện người mắc dịch.

SpO2 chỉ là một trong những chỉ số giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, phù hợp cho những ai đang theo dõi người thân là F0 tại nhà. Bởi vậy không nên nghe quảng cáo rồi mua sắm đủ thứ thiết bị, nhiều khi không cần thiết mà còn đưa đến những chỉ số sai lệch rất tai hại.

Tìm hiểu kĩ nguồn gốc xuất xứ của các loại máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2. Theo đó, người tiêu dùng có thể chụp tem của sản phẩm, khảo sát trên mạng để tìm hiểu thông tin sản phẩm bao gồm: nhà sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, phản hồi của những người tiêu dùng khác… Thông thường nếu nhà sản xuất uy tín thì trên website của doanh nghiệp sẽ công bố áp dụng tiêu chuẩn ISO 13485 cho sản phẩm đó. Vậy nên, người tiêu dùng nên lựa chọn máy theo các nhãn hàng uy tín, có thông tin đầy đủ về đơn vị sản xuất, đơn vị bán, chế độ bảo hành rõ ràng, giá thành được niêm yết công khai và mua tại cơ sở kinh doanh được cấp phép.

Chủ động và thường xuyên thực hiện các nguyên tắc, các quy định về phòng, chống dịch do cơ quan quản lý nhà nước khuyến cáo. Khi có triệu chứng hoặc nghi ngờ nhiễm Covid-19, người tiêu dùng nên đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và thực hiện xét nghiệm (nếu cần thiết).

Trong trường hợp phát hiện các cá nhân, tổ chức rao bán các loại máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 không rõ nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng có thể phản ánh tới các cơ quan quản lý nhà nước về y tế, quản lý thị trường hoặc bảo vệ người tiêu dùng tại địa phương.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8331:2010 (ISO/TR 14969:2004) về thiết bị y tế

Tiêu chuẩn này đưa ra hướng dẫn nhằm trợ giúp trong việc phát triển, bổ sung và duy trì hệ thống quản lý chất lượng nhằm đáp ứng các yêu cầu của TCVN ISO 13485 (ISO 13485) dành cho các cơ quan thiết kế và phát triển, sản xuất, lắp đặt và vận hành các thiết bị y tế, hoặc thiết kế, phát triển và cung cấp các dịch vụ có liên quan. Nó đưa ra hướng dẫn liên quan tới hệ thống quản lý chất lượng cho một diện rộng các thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan. Như các thiết bị y tế bao gồm các thiết bị y tế tích cực, không tích cực, có thể cấy ghép và không thể cấy ghép và in vitro các thiết bị chuẩn đoán.

TCVN ISO 13485 (ISO 13485) chỉ rõ các yêu cầu hệ thống quản lý chất lượng với các thiết bị y tế cho mục đích quản lý (xem Phụ lục A). TCVN ISO 13485 (ISO 13485) điều chỉnh tiêu chuẩn trước ISO 13488 bằng sự loại trừ có thể chấp nhận như được chỉ rõ trong TCVN ISO 13485:2004 (ISO 13485:2003, 1.2.

Trong khi xem xét tính ứng dụng của hướng dẫn trong tiêu chuẩn này, nên tính toán đến bản chất của các thiết bị y tế mà nó sẽ được ứng dụng, sự rủi ro khi sử dụng những thiết bị y tế này, và khả năng ứng dụng các yêu cầu quản lý.

Khi được sử dụng trong tiêu chuẩn này, thuật ngữ "yêu cầu quản lý" bao gồm bất cứ phần nào của luật, quy định, nghị định hoặc quy tắc của quốc gia hoặc địa phương có thể áp dụng với hệ thống quản lý chất lượng cho các thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan.

Tiêu chuẩn này đưa ra cách tiếp cận mà một tổ chức có thể sử dụng để thi hành và duy trì một hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với TCVN ISO 13485 (ISO 13485). Các cách tiếp cận khác cũng có thể được sử dụng nếu chúng cũng phù hợp với các yêu cầu của TCVN ISO 13485 (ISO 13485).

Theo VietQ