Từ vụ bố dùng đũa đâm con tử vong tại Hải Phòng vì bỏ thi, đây là điều cha mẹ nên biết để kiểm soát cơn giận với con

Sự việc bố dùng đũa đâm con tử vong tại Hải Phòng vì tức giận con bỏ thi giữa kì đang gây chú ý của dư luận. Thực tế, nhiều sự việc đau lòng đã xảy ra từ việc cha mẹ không biết kiểm soát cảm xúc khi dạy con. Dưới đây là điều cha mẹ cần làm để kìm chế cơn giận với con, tránh hại trẻ.​

Chiều 23/3, Công an TP Hải Phòng đã có thông tin chính thức về vụ án mạng xảy ra tại ngôi nhà trên đường Lê Lợi, phường Lê Lợi, quận Ngô Quyền khiến nam học sinh lớp 9 H.A.K bị tử vong.

Nguyên nhân ban đầu xác định ông Nguyễn Hùng Cường (SN 1982) – bố đẻ của nạn nhân trong lúc tức giận vì con trai bỏ thi giữa kì đã dùng đũa chọc vào ngực con. Nạn nhân dù được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi. Người bố sau đó đã ra Công an quận đầu thú.

tu-vu-bo-dung-dua-dam-con-tu-vong-tai-hai-phong-vi-bo-thi-day-la-dieu-cha-me-nen-biet-de-kiem-soat-con-gian-voi-con

Kiểm soát cơn giận với con không phải ông bố, bà mẹ nào cũng biết cách. Ảnh IT

Trên thực tế, đây không phải là trường hợp hi hữu vì sự thiếu kiểm soát cảm xúc của người bố, người mẹ mà "giận quá mất khôn" sát hại con của mình. Các bậc cha mẹ ngày nay gặp, gánh trên vai nhiều áp lực. Những khó khăn, áp lực có thể dẫn tới những căng thẳng tâm lý, stress…

Cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ, ức chế cao hơn quá trình hưng phấn sẽ khiến việc làm chủ bản thân của mỗi người khó khăn hơn. Những ai làm chủ bản thân kém, khí chất nóng nảy… nguy cơ mất kiểm soát cao hơn. Khi họ không kịp thời bình tĩnh có thể dẫn đến những hành vi kích động, vượt khỏi tầm kiểm soát dẫn đến làm hại con, thậm chí tự sát cùng con.

Nhiều phụ huynh ngày nay không chấp nhận việc con mình thua kém bạn bè, học dốt… Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Vũ Thị Thu Hương, chính áp lực này dồn lên trẻ và khi trẻ không đạt được mục tiêu, gặp thất bại, cha mẹ thay vì động viên lại thường tức giận, trách cứ, thậm chí đánh đập…

Một khi mục tiêu giáo dục của trẻ vẫn lấy điểm số là thước đo, đề cao kiến thức hơn kỹ năng sống, đạo đức sống thì cuộc sống, tương lai những trẻ này về sau sẽ vất vả chứ chưa nói đến thành công.

Cha mẹ cần học cách trách phạt con khi chúng sai và khen thưởng khi con làm điều tốt. Hãy hiểu rằng ngoài đòn roi, bạo lực để răn dạy con vẫn còn nhiều biện pháp như phạt trẻ lau dọn phòng, úp mặt vào tường, cắt phần tiền quà vặt…

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng kiểm soát và không ai có thể kiểm soát được 100% sự nóng nảy của mình. Tuy nhiên, để kiềm chế cơn giận đang cuộn trào với trẻ, cha mẹ cần:

+ Học cách kiềm chế cảm xúc của bản thân

Khi bạn nổi giận, muốn la mắng hoặc đánh con, hãy hít thở thật sâu đến khi bạn thấy cơn tức giận của mình vơi đi mới bắt đầu dạy dỗ con bằng cách nói chuyện với con, hướng dẫn con tìm ra lỗi sai.

Hít thở thật sâu trước khi trả lời con để có khoảng thời gian thêm đó giúp bạn có cơ hội suy nghĩ về những gì bạn muốn nói. Cũng giống như để giữ cho nồi không bị sôi trào, bạn chỉ cần mở nắp trong vài giây.

Hãy cho bản thân một chút thời gian để làm bất cứ điều gì bạn cần làm để bình tĩnh hơn. Có thể bạn đi chỗ khác, xa con ra. Đôi khi đi vào phòng ngủ, phòng tắm… tạm thời để yên tình hình. Đợi tới khi đã cảm thấy bình tĩnh trở lại mới tiếp tục dạy con.

+ Luôn nghĩ trẻ là một đứa trẻ

Có thể bạn sẽ khó giữ được bình tĩnh khi sau một ngày làm việc vất vả, bận rộn chăm sóc con cái mà chúng bày bừa đồ chơi khắp nhà, ăn uống rơi vãi, nhà cửa bừa bộn... Khi đó, bạn có thể điên lên, thậm chí bạo lực với con. Nhưng hãy nghĩ trẻ vẫn còn nhỏ chưa phải là người trưởng thành như bố mẹ nên chúng chưa thể làm được mọi việc như mình.

Trong khoảnh khắc nóng nảy của cơn giận dữ, hãy hình dung con bạn như một đứa trẻ sơ sinh. Thay bằng việc la hét bắt con dọn dẹp, cha mẹ hãy nghĩ tới khoảnh khắc đáng yêu của con hoặc thương lượng với con cùng dọn đồ với mình…

+ Nói chuyện cởi mở

Nói chuyện cởi mở và trung thực với con bạn về cảm giác của bạn và giải phóng cảm xúc bị dồn nén. Điều này dạy con bạn về sự đồng cảm và ngay lập tức loại bỏ cảm xúc từ năng lượng và sự thất vọng của chính bạn. Nếu bạn cảm thấy muốn la hét và quát mắng con mình, thì tức là sự tức giận của chính bạn đã tích tụ từ lâu.

+ Giải phóng cảm xúc tích tụ

Thói quen tức giận không tốt cho cơ thể của bạn vì nó tạo ra căng thẳng và bệnh tật. Cảm xúc tiêu cực tích tụ lâu sẽ khiến bạn mất đi kiểm soát. Bởi vậy, hãy giải phóng cảm xúc tích tụ.

Khi giận dữ với ai đó, bạn có thể lấy một chiếc gương và tưởng tượng đang nói chuyện với người kia như thể họ đang nhìn bạn trong chiếc gương đó. Hãy tưởng tượng họ đang ngồi bình tĩnh, chăm chú và trong trạng thái thoải mái lắng nghe bạn nói đúng cách.

Hãy nói với họ chính xác cảm giác của bạn - trút hết nỗi lòng, nói thật, giải thích tất cả những bực bội, tức giận, tổn thương hay thất vọng mà bạn đang cảm thấy. Hoặc đôi khi giải tỏa cảm xúc tiêu cực bằng cách đi bộ, chơi một môn thể thao nào đó…

Cho bản thân nghỉ ngơi bằng cách vui chơi, du lịch cùng gia đình, đặc biệt là cùng con cũng sẽ giúp cho bạn cảm thấy yêu con của mình hơn, vui vẻ hơn. Điều này giúp bạn luôn tràn đầy năng lực tích cực, có hướng xử lý khi tức giận con tốt nhất.

Theo GiaDinh