Uống nhầm dầu hỏa, một bé trai viêm phổi nặng

Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Bắc Giang, đơn vị này vừa tiếp nhận một bé trai 2 tuổi ở xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa bị viêm phổi nặng do uống nhầm dầu hỏa.

Các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết cụ thể, bệnh nhi vào viện trong tình trạng kích thích, thở gắng sức, rút lõm lồng ngực, tím quanh môi, nhịp tim tăng nhanh 180 lần một phút (nhịp tim bình thường của trẻ 2 tuổi là 80-120 lần một phút), xuất huyết dưới da. Bác sĩ chẩn đoán bé viêm phổi nặng do ngộ độc dầu hỏa.

uong-nham-dau-hoa-mot-be-trai-viem-phoi-nang

Uống nhầm dầu hỏa khiến bé trai nhập viện. Ảnh: VnExpress 

Bác sĩ Nguyễn Thị Lê, Trưởng Khoa Hồi sức Chống độc, cho biết bệnh nhi được xử lý rửa mũi họng, thở oxy và truyền dịch kháng sinh phối hợp. May mắn cháu bé chuyển biến tích cực, cai máy thở oxy, hình ảnh X-quang cho thấy tim phổi cải thiện hơn. Bác sĩ nhận định nếu không vào viện kịp thời, bệnh nhi nguy cơ tử vong. Hiện bé đã vượt qua nguy kịch.

Một trường hợp tương tự, mới đây BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã tiếp nhận bé Đ.T.T (13 tháng tuổi, trú tỉnh Đồng Nai ), bệnh nhi phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng thở mệt sau 120 phút uống nhầm dầu hỏa (paraffin), còn gọi là dầu hôi, dầu thắp đèn.

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhi khó thở, tụt huyết áp, tổn thương phổi nặng (dựa vào kết quả X-quang) do hít phải độc tố (hơi dầu). Các chuyên gia cấp cứu BV Nhi đồng 2 lập tức hỗ trợ hô hấp bằng máy giúp bệnh nhi duy trì sinh hiệu.

 Đồng thời, các bác sĩ sử dụng kháng sinh mạnh để khống chế nhiễm trùng tại phổi, cũng như sử dụng thuốc trợ tim để ổn định tình trạng huyết động. Sau gần 48h điều trị tích cực và theo dõi sát, sức khoẻ bé tạm ổn định, giảm được các thông số máy thở và không cần tiếp tục dùng thuốc trợ tim.

Qua các trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo trẻ nhỏ tiếp cận tiếp cận hóa chất là điều rất nguy hiểm. Người nhà khi gặp trường hợp này cần sơ cứu cho trẻ bằng cách súc miệng họng, cởi bỏ quần áo. Không được tự gây nôn cho trẻ bởi khi gây nôn rất dễ sặc, gây ra hội chứng co giật, làm cho bệnh nặng nề hơn.

Đồng thời, khi đến cơ sở y tế, gia đình nên mang những sản phẩm con mình đã sử dụng, giúp bác sĩ xác định nguồn gây ngộ độc để có phương án xử lý nhanh chóng.

Bác sĩ khuyến cáo các phụ huynh cần thận trọng trong việc trông nom trẻ. Những hóa chất có thể gây nguy hiểm như xăng dầu, dầu hỏa, bột giặt... để xa tầm tay trẻ, tránh tai nạn xảy ra.

Theo VietQ