Vay 5,5 triệu phải trả 10 triệu đồng: Chuyên gia cảnh báo mô hình "cắt cổ"

Do thiếu kinh nghiệm, hiểu biết về tài chính mà nhiều thượng đế hiện dở khóc dở cười, tay ôm khoản nợ chất cao như núi khi vay tiền qua app với lãi suất cắt cổ.

Gần đây, mô hình vay tiền qua app, hay còn gọi là vay tiền online nở rộ và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện khiến các nền tảng trực tuyến phát triển. Theo lời quảng cáo của nhiều đơn vị cung cấp app, người vay chỉ cần có chứng minh thư, không cần thế chấp là có thể vay được tiền bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, mặt trái của vay tiền qua app lại rất khủng khiếp như người dùng phải chịu mức lãi suất cao "cắt cổ", gấp cả chục, hàng trăm lần lãi suất ngân hàng.

Nếu không kịp trả nợ, nạn nhân và gia đình sẽ liên tục bị quấy rối, làm phiền qua điện thoại. Thậm chí là người vay còn bị uy hiếp tung ảnh nóng, dọa cắt gân tay chân.

Như tháng 5/2020, một phụ nữ ở Tiền Giang đã tự tử vì vay 8 triệu đồng qua app. Tháng 5/2020, một giảng viên ở Cần Thơ cũng tự tử do vay tiền qua app. Tháng 7/2020, một nạn nhân ở TP.HCM tự tử do app tín dụng "truy sát".

vay-5-5-trieu-phai-tra-10-trieu-dong-chuyen-gia-canh-bao-mo-hinh-cat-co

Vay qua ứng dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro. (Ảnh: Thế Hưng)

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tìm hiểu kĩ, thận trọng khi tham gia các nền tảng cho vay ngang hàng (vay qua ứng dụng).

Bởi hiện nay, chưa có hành lang pháp lý đầy đủ điều chỉnh đối với lĩnh vực này. Người dân nên tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng chính thống, tránh bị lừa đảo, rơi vào vòng xoáy cho vay nặng lãi của tín dụng đen.

vay-5-5-trieu-phai-tra-10-trieu-dong-chuyen-gia-canh-bao-mo-hinh-cat-co
 

Những lời đe dọa đến người thân, gia đình. (Ảnh: Thế Hưng)

Mới đây, ông Lâm Minh Chánh, chuyên gia tài chính cá nhân, đã có phân tích rất cụ thể về mức lãi suất "cắt cổ" của loại hình cho vay qua app này cũng như những cảnh báo về loại hình tín dụng trên.

Kể về một trường hợp từng vay tiền qua app, ông Chánh cho biết, vào tháng 9/2020, một người bà con xa của ông vì kẹt tiền mua hàng kinh doanh đã tìm đến app để vay 10 triệu đồng.

Cô đã làm thủ tục vay online trên app, vay 5 lần, mỗi lần cô chỉ nhận được 1,1 triệu đồng vì phải trả ngay phí và tiền lãi. Sau 7 ngày, cô phải lại 2 triệu đồng.

Tổng cộng cô phải trả 10 triệu đồng cho khoản vay 5,5 triệu đồng với thời gian sử dụng 7 ngày. Sau đó, cô đã loay hoay trong những khoản nợ và cứ mượn app này trả cho app kia. Tổng cộng, cô đã nhờ gia đình và bạn bè trả 600 triệu đồng, nhưng vẫn còn khoảng nợ 300 triệu đồng.

Theo phân tích của ông Lâm Minh Chánh, nếu người dùng trả được hết số tiền vay qua app đợt 1 thì thiệt hại cũng có nhưng không quá nặng.

Nhưng nếu người dùng chỉ trả được 1 phần số tiền vay trong đợt 1, thì app sẽ bắt họ vay đợt 2 để trả phần nợ còn lại của đợt 1. Và khi đó, vòng xoáy trả nợ sẽ bắt đầu, tiền lãi sẽ sinh nhanh như quân nguyên, với lãi suất cực kỳ khủng khiếp.

"Khi chúng ta tiến dần đến đợt vay thứ 3, thứ 4, dưới áp lực đòi nợ của app, chúng ta sẽ tìm cách vay người nhà, bạn bè để trả nhưng cũng không thể trả hết. Nếu chúng ta im lặng thì vòng xoáy sẽ bắt đầu, khi đó, chúng ta vừa túng quẫn vì hết tiền, vừa lo sợ vì bị uy hiếp" - ông nói.

Đặc biệt, ông Chánh đã đưa ra dẫn chứng về lãi suất "cắt cổ" mà trường hợp ông vừa dẫn chứng: "Như app này, người dùng vay 4 triệu đồng, chi phí phải trả cho app là 1.672.000 đồng, lãi của app là 200.000 đồng. Như vậy, người vay sẽ nhận được 2.328.000 đồng, và phải trả lại cho app 4.000.000 đồng sau 5 ngày kể từ ngày sử dụng tiền".

Theo ông, app đã để lãi suất thấp, chi phí cao, có thể là để "lách luật" cho vay nặng lãi. Nhưng số tiền 1.672.000 đồng sẽ luôn xuất hiện theo mỗi lần vay. "Nghĩa là có vay mới hay vay cũ, thì người dùng vẫn mất 1.672.000 đồng chi phí và 200.000 tiền lãi" - ông thông tin.

Chuyên gia này đưa ra 2 cách tính lãi suất để tìm ra lãi suất thật của app. Tính theo cách bình dân cho khoản vay 2.328.000 đồng, trả là 4.000.000 đồng nói trên, lãi suất cho mỗi kỳ 5 ngày sẽ là 80,41% (Công thức: Lãi suất trong 5 ngày= (số tiền cuối - số tiền đầu)/số tiền đầu = (4.200.000 - 2.328.000)/2.328.000 = 80,41%).

Nếu đợt 1 không trả được, tiền nợ sẽ là 4.000.000 đồng và trở thành số tiền cuối kỳ 2, tổng cộng thành 7.577.320 đồng. Cứ như vậy, đến kỳ thứ 6 (30 ngày), mức tổng sẽ là 80.275.101 triệu đồng. Nghĩa là, nếu người dùng vay 2.328.000 đồng đầu tháng thì cuối tháng phải trả 80.275.101 đồng với lãi suất tháng là... 3.348%.

Lãi suất khủng khiếp khi vay bằng app.

Với cách tính thứ hai, số tiền vay là 2.328.000 đồng, trả là 4.000.000 đồng và số ngày vay là 5 thì lãi suất ngày =((Số tiền kỳ n/giá trị hiện tại)^(1/số kỳ))-1 ((4,000,000/2,328,000)^(1/5))-1 = 12.53%/ngày.

Lãi suất tháng = ((1+12.53%)^30)-1 = 3.348%.

Nếu khách không trả lãi, tức là tiếp tục vay để dùng tiền sau trả cho tiền trước, thì số tiền cuối tháng sẽ là:= 2.328.000*(1+12,53%)^30 = 80.275.101 đồng.

Lãi suất năm = ((1+12,53%)^365)-1 = 509.848.273.117.835.000.000%

Tiền nợ cuối năm =2,328,000*(1+12.53%)^365=11.869.267.798.183.200.000.000.000 đồng.

Tuy nhiên, thông thường, các app cho vay tiền trên mạng sẽ ép người dùng trả bớt gốc và lãi vào cuối các kỳ, chứ không để khất nợ liên tục. Nhưng giả sử, người dùng không trả nợ thì cuối năm, số tiền phải trả sẽ lên đến 24 chữ số hàng đơn vị.

"Thật ra trong 1 năm, các app vay tiền chỉ cần thu gấp đôi số tiền đã cho vay là 2.328.000 tức là 4.648.000 trong bất cứ thời gian nào trong năm thì đã đạt lãi suất hơn 100%/năm rồi"- ông nói.

Chuyên gia này khuyến nghị mỗi người dùng nên sử dụng tiền khôn ngoan, tiết kiệm để có quỹ an toàn tài chính thì sẽ tránh được việc cần tiền gấp, tránh tối đa việc vay mượn.

"Nhưng nếu phải vay, thì nên thứ tự lần lượt là người nhà, người thân, ngân hàng, vay tiền mặt từ thẻ tín dụng, công ty cho vay tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Các công ty tài chính dù là lãi suất cao, nhưng cũng chỉ ở mức 70-100%/năm, chứ không khủng khiếp như các app vay tiền", ông khuyến cáo.

Theo Hoàng Dung/Dân Trí