Vì sao Gò Vấp lúng túng, chốt kiểm soát dịch 'vỡ trận'?

Khi thành phố ra lệnh phong tỏa và giãn cách, chúng tôi thấy việc quá khó, quá mới, chưa có tiền lệ. Đây là điều phải nói rất lúng túng, Chủ tịch quận Gò Vấp chia sẻ.
 
Sáng sớm 31/5, anh Đặng Minh Cường (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) đã thấp thỏm chưa biết sẽ đến chỗ làm ở quận Gò Vấp thế nào. Ngày cách ly xã hội đầu tiên, anh thấy đường sá thông thoáng cho đến khi tới giao lộ Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị. Hàng nghìn người kẹt cứng trước chốt kiểm soát khiến không ai nghĩ nơi đây đang cách ly xã hội.

Rút kinh nghiệm, sáng 1/6, anh Cường quyết định chọn lộ trình khác là đường Nguyễn Kiệm vì nghe bạn bè nói không có chốt kiểm soát dịch. Nào ngờ, đường này đã được lập thêm một chốt vào đêm 31/5 và anh Cường một lần nữa mắc kẹt giữa dòng người. Phải chờ rất lâu, chốt này mới được thông xe để giảm ùn tắc.

"Lúc đó, mình ở cũng dở mà đi thì không xong vì đây là đường một chiều, xe mình bị chặn tứ phía, không cách nào quay đầu, chỉ có thể chờ thông chốt", anh Cường chia sẻ.

Quận lúng túng, dân loay hoay

Khi người dân loay hoay với các cách ra, vào quận Gò Vấp, lực lượng chức năng nơi đây cũng đang lúng túng. Chủ tịch quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng liên tục cập nhật tình hình từ các chốt. Vào những lúc xe ùn ứ quá đông, ông phải ra lệnh xả chốt khoảng 15-20 phút rồi lại đóng chốt.

"Khi thành phố ra lệnh phong tỏa và giãn cách, anh em đều thấy việc quá lớn, quá khó, quá mới, chưa có tiền lệ. Nói nôm na thành phố cho một kỳ thi, địa phương tự ra đề, tự tìm lời giải. Đây là điều phải nói rất lúng túng", ông Dũng tâm sự.

Trong lần áp dụng Chỉ thị 16 vào khoảng tháng 3-4 năm 2020, cả TP.HCM cùng thực hiện cách ly xã hội.

vi-sao-go-vap-lung-tung-chot-kiem-soat-dich-vo-tran

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ người dân ở chốt kiểm soát dịch. Ảnh: Phạm Ngôn.

Lần này, quận Gò Vấp, nơi có 37.000 công ty, 30.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, hơn 5.000 con hẻm, với gần 700.000 dân, thực hiện một thí điểm không có tiền lệ. Quận đã "chỉ đạo gấp rút, tự nghiên cứu, mày mò, tự chịu trách nhiệm", lập 10 chốt quanh các cửa ngõ để kiểm soát người ra vào.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy giải pháp này không khả quan khi 2 ngày liên tiếp các chốt luôn ùn ứ, quận liên tục phải thay đổi chiến lược.

Ông Dũng chia sẻ lực lượng quận chỉ có hơn 4.000 người nhưng đang gồng gánh gần 700.000 dân số quận Gò Vấp (đông thứ 3 TP.HCM, xấp xỉ dân số tỉnh Quảng Trị), cộng thêm khoảng 300.000 dân vãng lai. "Đây là bài toán rất khó", ông nhiều lần nhấn mạnh.

Không thể giám sát tất cả hẻm

Trạng thái lúng túng không chỉ của riêng quận Gò Vấp. Phó chủ tịch quận 12 Đậu An Phúc chia sẻ tình trạng tương tự khi triển khai chốt chặn theo Chỉ thị 16 ngày đầu tiên.

"Ngày đầu tiên có bối rối vì lần đầu cô lập trên lượng lớn, giáp ranh nhiều địa bàn nên lúng túng", ông chia sẻ.

Để giải quyết khó khăn ban đầu, trước 0h ngày 31/5, quận đã trao đổi với Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm để thảo luận phương án điều tiết giao thông khu vực phường Thạnh Lộc. Địa bàn này có đường Hà Huy Giáp là trục giao thông kết nối tỉnh Bình Dương cũng như tỉnh Tây Ninh về TP.HCM.

Quận thống nhất với Sở Giao thông Vận tải không chặn đường Hà Huy Giáp mà chặn tất cả tuyến đường giao thông từ phường Thạnh Lộc đi ra Hà Huy Giáp. Với cách làm này, người dân vẫn đi qua phường Thạnh Lộc nhưng bị hạn chế vào địa bàn phường.

Vì sao Gò Vấp lúng túng, chốt kiểm soát dịch vỡ trận? - Ảnh 4.

Chốt kiểm dịch liên tục đóng rồi lại mở tại quận Gò Vấp. Ảnh: Phạm Ngôn.

Khó khăn thứ nhất vừa tạm được giải quyết thì lại xuất hiện vướng mắc thứ hai đến từ sự phối hợp chưa nhịp nhàng với quận Gò Vấp. Trong các chốt chặn của quận Gò Vấp có cầu An Lộc - đây là giao điểm giữa địa phương này với quận 12. Người dân không thể qua cầu để vào Gò Vấp, phải quay xe, gây ra tình trạng ùn tắc, rối loạn từ cầu An Lộc đến quốc lộ 1.

Chiều 1/6, quận 12 đã có đề xuất quận Gò Vấp xem lại phương án về chốt chặn này để tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân.

Cũng về vấn đề giao thông, Chủ tịch phường Thạnh Lộc Hồ Tấn Thành chia sẻ tâm trạng cập rập, lúng túng lúc đầu và cho biết thêm một khó khăn khác.

Theo ông Thành, phường Thạnh Lộc có hơn 50 tuyến đường lớn, hẻm nhỏ. Dù đã lập 48 chốt chặn nhưng ngành chức năng tự nhận thấy "không thể đảm đương được" tất cả hẻm, tuyến đường và nhiều khu vực thực chất "chỉ làm tuyên truyền".

"Quyết định giằng xé"

"Việc áp dụng Chỉ thị 16 là chẳng đặng đừng", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chia sẻ.

Ông kể đêm trước ngày cách ly xã hội đầu tiên tại Gò Vấp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM có cuộc trò chuyện khá lâu với Chủ tịch quận Gò Vấp. Khi đó, ông lý giải cách ly xã hội là quyết định giằng xé giữa hai mâu thuẫn - duy trì phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống cho người dân và an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Ngay khi nhận ra thế khó của Gò Vấp sau ngày cách ly đầu tiên, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Phó chủ tịch Dương Anh Đức đều liên tục có trao đổi riêng với Chủ tịch quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng để hỏi thăm tình hình.

Trước tình trạng số ca nhiễm tại quận Gò Vấp mỗi ngày một tăng, ông Dũng càng thêm lo lắng, băn khoăn. Chỉ 5 ngày, quận đã ghi nhận 58 ca nhiễm nCoV (tính đến hết 1/6).

"Nếu như dịch không được kiềm chế, càng lan rộng thì trách nhiệm của chúng tôi với nhân dân thành phố rất nặng nề. Nhiệm vụ do thành phố giao là thực hiện bài toán phong tỏa, giãn cách mà không làm được thì thứ nhất không hoàn thành nhiệm vụ với cấp trên, thứ hai là mắc cỡ với dân lắm", ông Dũng trải lòng.

vi-sao-go-vap-lung-tung-chot-kiem-soat-dich-vo-tran

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức được cử hỗ trợ quận Gò Vấp, quận 12 chống dịch. Ảnh: Thu Hằng.

Hai ngày liên tiếp quận Gò Vấp vỡ trận, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã cử Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức trực tiếp về Gò Vấp chỉ đạo chống dịch.
 

Tại đây, ông đã đưa ra phương hướng để gỡ vướng cho quận. Ông cho rằng Gò Vấp cần xác định việc kiểm soát từng người qua chốt là bất khả thi và không hiệu quả, thực tế 2 ngày đầu cách ly xã hội đã chứng minh.

"Thực chất, tỷ lệ người bệnh không có triệu chứng rất nhiều nên dù có trạm chốt cũng khó phát hiện", ông Đức dẫn chứng.

Do đó, ông định hướng quận vẫn lập chốt nhưng kiểm tra xác suất thay vì kiểm soát toàn diện. Bên cạnh đó, quận cần lập chốt lớn và chốt nhỏ ở những nơi có mức độ dịch khác nhau.

"Toàn bộ quận áp dụng Chỉ thị 16 nhưng mức độ nguy hiểm khác nhau ở từng nơi. Địa điểm quanh khu phong tỏa là phải 16+", ông đề nghị những nơi này lập chốt nhỏ và phải làm nghiêm. Còn ở các điểm giáp ranh, quận có thể lập chốt lớn và kiểm soát người dân qua khai báo y tế, có thể nghiên cứu cấp thẻ cho người làm việc trong quận.

Với khó khăn của quận 12, ông đề nghị phường Thạnh Lộc tận dụng hệ thống camera và phạt nguội các trường hợp vi phạm phòng chống dịch để đỡ tốn sức. Nguyên lý giống như phạt vi phạm giao thông, xử phạt răn đe sẽ khiến người dân nâng cao ý thức, tuân thủ quy định.

vi-sao-go-vap-lung-tung-chot-kiem-soat-dich-vo-tran

Quận Gò Vấp liên tục "vỡ trận" hai ngày đầu cách ly xã hội. Ảnh: Phạm Ngôn.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ lần trước, khi thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM làm cùng cả nước nên có sự đồng bộ. Còn lần này, quận Gò Vấp và quận 12 là hai đơn vị tiên phong áp dụng cách làm mới, chưa có tiền lệ nên lộ ra cái khó về ranh giới giữa các địa phương.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo thành phố cho rằng với người quản lý, cái khó nhất là cân nhắc lằn ranh ở đâu vừa phải, hài hòa, cân đối với lợi ích các bên trong tình hình cụ thể. Lúc phải căng, phải nới. Hoàn cảnh hiện tại, TP.HCM không nới được nhưng không có nghĩa là dừng tất cả hoạt động trong toàn thành phố.

"Dừng tất là dễ cho nhà quản lý, cơ quan chuyên môn nhưng khó cho người dân, doanh nghiệp", vị Phó chủ tịch phân tích tình hình và đặt ra mục tiêu giải quyết mọi cái khó, mâu thuẫn phát sinh ở từng khu vực để mang lại lợi ích cho cả thành phố.

Theo Zingnews

-----

Xem thêm:

+KHẨN: Truy tìm những người liên quan ca F1 buôn bán nhiều chợ ở Hóc Môn

+Bí mật của nam thanh niên trốn khỏi khu cách ly tập trung lang thang trên phố

+Vì sao nắng nóng gay gắt, SARS-CoV-2 vẫn lây lan nhanh?

----