Vì sao Hào Anh quyết nhận tội, từ chối giám định tâm thần?

“Em thấy tội của mình cũng đã rõ rồi. Em mất ngủ vì suy nghĩ nhiều, vì áy náy và hối hận chứ không phải bị tâm thần”, Hào Anh thật thà khai tại phiên tòa.

Hào Anh và Thảo Duy tại phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: Lâm Viên

Phiên tòa sơ thẩm tại TAND huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) sáng 23.10, khá vắng lặng. Ngoài Hội đồng xét xử, đại diện Viện KSND, 2 bị cáo Hào Anh (tên thật là Nguyễn Hoàng Anh, 19 tuổi, ngụ TT Cái Nước, H. Cái Nước, Cà Mau) và Phan Thảo Duy (19 tuổi, là dì của Hào Anh) chỉ có mẹ, cha dượng của Hào Anh và vài người thân đến từ D’ Ran (Đơn Dương).

Hào Anh được nhiều người biết đến cách đây 5 năm (năm 2010), khi em là nạn nhân của vụ bạo hành dã man tại trại giống tôm Giang - Thơm (H. Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau).

Thành khẩn nhận tội

Tại phiên tòa, Hào Anh thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Hào Anh cho biết thời gian gần đây thường xuyên mất ngủ do suy nghĩ nhiều và rất hối hận vì không xứng đáng với sự quan tâm của nhiều người.

Theo cáo trạng của Viện KSND H. Đơn Dương, khoảng 0 giờ ngày 15.5, Hào Anh gọi điện rủ Phan Thảo Duy (19 tuổi, là dì bà con của Hào Anh), đến Công ty chế biến nước tương Bình Dương (xã Lạc Xuân, Đơn Dương), trộm cắp tài sản.

Tại đây Thảo Duy cảnh giới, còn Hào Anh đột nhập vào văn phòng công ty lấy trộm máy vi tính và một số vật dụng của công ty. Sau khi nhận lại tài sản bị trộm, Giám đốc Công ty chế biến nước tương Bình Dương, nơi Hào Anh đang làm việc đã viết giấy bãi nại cho Hào Anh.

Tuy vậy, cáo trạng của Viện KSND huyện Đơn Dương truy tố Hào Anh về tội trộm cắp tài sản, theo khoản 1, điều 138 BLHS, với mức án từ 6- 36 tháng tù.

Hào Anh được đưa về lại trại tạm giam - Ảnh: Lâm Viên

Trả lời trước tòa, bà Phạm Thị Thoa (mẹ Hào Anh), cho biết tháng 12.2014, Hào Anh thường xuyên bị đau đầu, nghe tiếng động là đau đầu và mất ngủ nên bà phải đưa con đến bác sĩ Lý Văn Út để khám và điều trị bệnh tâm thần phân liệt. Bác sĩ nói phải điều trị trong 6 tháng, nhưng chỉ điều trị khoảng 2 tháng Hào Anh bỏ lên Đơn Dương tìm việc làm, sau đó bị rủ rê đi trộm cắp tài sản.

Ông Phùng Đình Thuận, Phó chánh án TAND huyện Đơn Dương, Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa nói: Căn cứ vào lời khai của Nguyễn Hoàng Anh, trình bày của mẹ bị cáo là bà Phạm Thị Thoa, HĐXX nhận thấy trước đây bị cáo thường xuyên đau đầu, mất ngủ và có biểu hiện quậy phá nên gia đình đã đưa Nguyễn Hoàng Anh đến phòng mạch của bác sĩ Lý Văn Út, nguyên trưởng Phòng Giám định pháp y tâm thần tỉnh Cà Mau để điều trị tâm thần.

Cũng theo thẩm phán Thuận, trong thời gian bị tạm giam luật sư Đặng Huỳnh Lộc (Đoàn luật sư TP.HCM), người nhận hỗ trợ pháp lý miễn phí cho Hào Anh đề nghị cơ quan chức năng trưng cầu giám định tâm thần pháp y cho Hào Anh. Nhưng sau khi trao đổi trực tiếp với Hào Anh tại trại tạm giam Công an huyện Đơn Dương thì Hào Anh đã từ chối sự giúp đỡ của luật sư, đồng thời từ chối luôn việc giám định tâm thần. Do đó việc giám định tâm thần cho Hào Anh cũng chưa được thực hiện.

Bà Phạm Thị Thoa (mẹ Hào Anh) tại TAND H. Đơn Dương - Ảnh: Lâm Viên

Sau phần nghị án, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện KSND cùng cấp và yêu cầu trưng cầu giám định xem hào Anh có bị bệnh tâm thần không. Theo chủ tọa Phùng Đình Thuận, nếu Hào Anh bị bệnh tâm thần tức mất năng lực hành vi thì phải xử lý cách khác. Hào Anh từng phải điều trị bệnh tâm thần phân liệt, do đó chúng tôi phải hết sức cẩn trọng khi xét xử”.

Lần nào Hào Anh gặp mẹ cũng khóc

Khi HĐXX nghị án, trả lời câu hỏi của báo chí bên lề phiên tòa, tại sao trước đây Hào Anh lại từ chối giám định tâm thần? Hào Anh trả lời: “Em thấy tội của mình cũng đã rõ rồi. Em nghĩ mất ngủ vì suy nghĩ nhiều, vì áy náy và hối hận chứ không phải bị tâm thần. Trong trại tạm giam em cũng thường xuyên mất ngủ”.

Nhớ lại thời điểm Hào Anh bị khởi tố và bị bắt tạm giam, gặp PV Thanh Niên Online tại trại tạm giam Công an huyện Đơn Dương, Hào Anh cũng cho biết rất hối hận và cảm thấy không xứng đáng với sự quan tâm và yêu thương của mọi người.

Sau khi phiên tòa kết thúc, bà Phạm Thị Thoa (mẹ của Hào Anh) ngồi viết đơn xin Công an Đơn Dương vào thăm con. Bà Thoa cho biết việc có mặt tại phiên tòa của vợ chồng bà rất tình cờ. Do 2 tháng qua bà bận việc không lên thăm Hào Anh, trưa hôm 22.10, đại diện căn- tin trại tạm giam (Công an Đơn Dương) gọi điện cho bà bảo mang tiền (900 ngàn đồng) lên trả nợ cho Hào Anh.

Lúc này bà Thoa ngỏ lời muốn lên thăm nuôi Hào Anh thì công an cho biết ngày 23.10, TAND huyện Đơn Dương xét xử Hào Anh. Do đó bà Thoa cùng với ông Nguyễn Xuân Hùng (cha dượng Hào Anh) vội vàng đón xe từ Cà Mau lên Sài Gòn, sau đó lên Đơn Dương lúc rạng sáng để kịp dự phiên tòa.

Hào Anh trả lời PV Thanh Niên Online

Bà Thoa cho biết rất ngạc nhiên khi cáo trạng nêu “khoảng 0 giờ ngày 15.5, Hào Anh gọi điện cho Thảo Duy rủ đến Công ty chế biến nước chấm Bình Dương trộm cắp tài sản”. Bà Thoa nói: “Lần đầu lên thăm Hào Anh trong trại tạm giam, Hào Anh đều khóc và nói với tôi do nghe theo lời Thảo Duy nên mới nên nông nổi này. Hào Anh rất hối hận”.

Cũng theo bà Thoa, trước khi Hào Anh trộm cắp tài sản, bà vài lần đến Đơn Dương thăm con, lúc đó Hào Anh rất chăm chỉ làm việc. "Cháu nói lương từ 5-6 triệu đồng/ tháng rất ổn định; cháu còn gợi ý tôi lên Đơn Dương lập nghiệp luôn, chẳng lâu sau đó cháu lại vướng vào vòng lao lý", bà Thoa kể.

Khi phiên tòa kết thúc, Hào Anh được đưa ngày về trại tạm giam của Công an Đơn Dương. Bà Thoa nhìn theo con, rồi nói: “Mong cháu sớm được tha để về quê Cà Mau làm lại cuộc đời, chứ ở lại Đơn Dương sợ chẳng ai nhận cháu làm việc nữa…”.

Theo Lâm Viên (TN)