Việt Nam phê duyệt vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc

Bộ Y tế vừa phê duyệt có điều kiện Covid-19 vắc-xin (Vero Cell), Inactivated do Trung Quốc sản xuất cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định việc phê duyệt có điều kiện Covid-19 (Vero Cell), Inactivated cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, vắc-xin ngừa Covid-19 có tên Covid-19 Vắc-xin (Vero Cell), Inactivated (tên khác là SARS-CoV-2 Vắc-xin, Vero Cell, Inactivated). Vắc-xin này được bào chế dưới dạng hỗn dịch tiêm với 6.5U kháng nguyên SARS-CoV-2 bất hoạt trên mỗi liều 0,5 ml.

Vắc-xin do Beijing Institute of Biological Products Co.Ltd. - Trung Quốc sản xuất. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là đơn vị đề nghị phê duyệt vắc-xin này.

Việt Nam phê duyệt vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc - Ảnh 1.

Bộ Y tế phê duyệt vắc-xin Covid-19 Vero Cell do Trung Quốc sản xuất- Ảnh: Internet

Theo Bộ Y tế, việc phê duyệt vắc-xin phục vụ nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 có kèm theo 9 điều kiện. Cụ thể, vắc-xin được phê duyệt dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp cho Bộ Y tế Việt Nam tính đến ngày 29-5.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế về xây dựng kế hoạch kiểm định; cung cấp mẫu thử, nguyên vật liệu, hóa chất thử nghiệm và các vấn đề liên quan khác cho việc kiểm định các lô vắc-xin Covid-19 Vắc-xin (Vero Cell), Inactivated trước khi đưa ra sử dụng.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng là đơn vị chịu trách nhiệm hướng dẫn việc bảo quản, phân phối và sử dụng vắc-xin Vero Cell cho các cơ sơ tiêm chủng, đồng thời triển khai hệ thống cảnh giác dược toàn diện đối với vắc-xin tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng vắc-xin phải tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế.

Việt Nam phê duyệt vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc - Ảnh 2.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho công nhân ở Bắc Giang

Đây là vắc-xin Covid-19 thứ 3 được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Trước đó, Bộ Y tế đã cấp phép cho 2 loại vắc-xin của Astra Zeneca và Sputnik V, trong đó vắc-xin đang được tiêm chủng cho các nhóm đối tượng ưu tiên ở Việt Nam hiện là vắc-xin Covid-19 của Astra Zeneca.

Mới đây, Bộ Y tế đã công bố 36 doanh nghiệp, đơn vị đủ năng lực nhập khẩu vắc-xin, trong đó có vắc-xin Covid-19.

Bộ Y tế cho biết ngày 3-6, nước ta có thêm 45.571 người được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, nâng tổng số liều tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đợt 1 và 2 tại các tỉnh/TP với 1.156.056 liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 là 31.551 người.

Theo NLD

-----

Xem thêm:

Cẩn trọng với tour du lịch ra nước ngoài tiêm vắc xin Covid-19!

Người đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, chính sách nhập cảnh của nhiều nước hiện rất hạn chế nên người dân cần kiểm tra thận trọng khi muốn mua "tour du lịch tiêm vắc xin" ở nước ngoài.

Nêu thông tin tại cuộc họp báo chiều 27/5, báo giới phản ánh, thời gian gần đây, trên các mạng xã hội  ở Việt Nam rộ lên những quảng cáo của các công ty du lịch về chương trình trọn gói ra nước ngoài để tiêm vắc xin ngừa Covid-19.

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chủ trì cuộc họp báo chiều 27/5.

Trao đổi về việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho rằng, trong thời điểm hiện nay, người dân cần thận trọng và tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định các chuyến đi nước ngoài vì chính sách nhập cảnh của rất nhiều nước hiện tại vẫn rất hạn chế, chặt chẽ vì mục tiêu phòng chống đại dịch Covid-19.

Bà Hằng khuyến cáo: "Nếu có những thông tin quảng cáo về tour du lịch tiêm vắc xin như vậy, công dân cần kiểm tra thông tin thông qua cơ quan chức năng của các nước sở tại, như cơ quan đại diện ngoại giao nước đó tại Việt Nam".

Liên quan đến vấn đề vắc xin, về đề xuất xem xét việc tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người nước ngoài tại Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhắc lại nội dung Nghị quyết 21 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng chống Covid-19.

Theo quy định tại văn bản này, có 9 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm phòng được xác định, trong đó, nhóm đối tượng hàng đầu là cán bộ y tế và các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, rồi tới các đối tượng cần ưu tiên bảo vệ khác như người cao tuổi.

"Chúng tôi cũng rất quan tâm đến cộng đồng người nước ngoài sinh sống, làm việc, học tập tại Việt Nam. Hiện Việt Nam đã đàm phán thành công với nhiều hãng dược như AstraZeneca, Pfizer/BioNTech… để nhập khẩu thêm vắc xin.

Việt Nam cũng đang nỗ lực trao đổi với các quốc gia và các đối tác khác, đa dạng hóa nguồn cung cấp vắc xin để sớm mở rộng tối đa diện đối tượng được tiếp cận, tiêm vắc xin, trong đó có người nước ngoài" - bà Lê Thị Thu Hằng nói.

Người phát ngôn thông tin thêm, hiện nay, Bộ Ngoại giao đang trao đổi với các bộ ngành liên quan báo cáo với Ban chỉ đạo quốc gia để triển khai tiêm vắc xin sớm nhất có thể cho các đoàn ngoại giao, cán bộ cơ quan đại diện ngoại giao và phóng viên nước ngoài thường trú tại Hà Nội.

Với vấn đề nhiều doanh nhân nước ngoài đề nghị được giảm thời hạn cách ly tập trung xuống 14 ngày như trước đây, thay vì 21 ngày đang áp dụng hiện nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và Việt Nam, chính sách cách ly, theo dõi y tế luôn được Chính phủ Việt Nam chú trọng, điều chỉnh linh hoạt để đảm bảo yêu cầu phòng chống, ngăn chặn dịch đồng thời đảm bảo mục tiêu phục hồi kinh tế.

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với một số cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Y tế để xây dựng hướng dẫn về việc cách ly y tế đối với người nhập cảnh, trong đó có chú ý đến các yếu tố như tiêm chủng, thời gian lưu trú tại Việt Nam, mục đích nhập cảnh và diễn biến dịch bệnh trong nước để có thể áp dụng các biện pháp và chế độ cách ly một cách phù hợp nhất.

Phương Thảo

Theo Dân trí