Vụ 3 chị em ăn thịt cóc bị ngộ độc, chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra những sai lầm cần tránh

Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk, đơn vị đang theo dõi vụ 3 người ăn thịt cóc phải nhập viện điều trị vì ngộ độc.

Theo đó, các trường hợp bị ngộ độc là ba chị em bao gồm: H’lan Niê (38 tuổi), H’Nin Niê Ê (30 tuổi) và Y Bil Niê (19 tuổi), cùng trú tại buôn Kli A, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk). Ba người này bắt một số con cóc làm thịt ăn (trước đó ba người đã ăn nhiều lần và chưa lần nào bị ngộ độc). Tuy nhiên, lần này ba chị em bỏ một ít trứng cóc vào nấu chung với thịt cóc rồi cùng ăn.

Sau khi ăn thịt cóc, cả 3 chị em đều có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn và tiêu chảy.

Tối 14/10, gia đình đã đưa 3 nạn nhân đến bệnh viện thị xã Buôn Hồ để điều trị, sau đó chuyển Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Hiện sức khỏe các bệnh nhân bị ngộ độc thịt cóc đã tạm ổn và đang được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện.

vu-3-chi-em-an-thit-coc-bi-ngo-doc-chuyen-gia-dinh-duong-chi-ra-nhung-sai-lam-can-tranh

Ảnh minh hoạ

Theo chuyên gia dinh dưỡng Ths. Bs. Dương Công Minh -Phòng Dinh dưỡng Lâm sàng - TTDD TP. HCM,  hiện nay một số người cho rằng thịt cóc chữa bệnh biếng ăn, còi xương ở trẻ em.

Tuy nhiên điều này không hẳn đúng, theo Bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam của Viện dinh dưỡng công bố năm 2007, cho thấy thịt cóc chỉ giàu đạm và kẽm chứ không có gì đặc biệt hơn (trong 100g bột cóc ăn được có 55,4g đạm và 65mg kẽm).

Lượng đạm trong thịt cóc có giàu thật nhưng thịt heo, thịt gà, thịt ếch nếu biết chế biến giúp bé ăn tốt thì cũng cung cấp đạm cho trẻ không kém. Lượng kẽm trong cóc không sánh được hải sản như sò, hến, hàu.

Lượng canxi và vitamin D trong thịt cóc coi như bằng không! Rất ít thực phẩm trong tự nhiên có lượng Vitamin D đáng kể . Nhiều vitamin D một chút, chỉ có thể kể đến dầu gan cá (nhất là những loại cá béo: cá thu, cá hú …), trứng gà, những loại dầu ăn được bổ sung vitamin D.

Điều quan trọng nếu không biết cách chế biến, nguy cơ ngộ độc và tử vong rất cao. Thịt cóc không độc, độc tố cóc (bufotoxin) là một chất cực độc, bền với nhiệt, có trong gan, ruột, trứng, da, chất nhầy (nhựa cóc), mắt và hạch thần kinh dọc hai sống lưng cóc gây chết người trong thời gian cực ngắn.

Độc tố bufotoxin gồm các chất độc cực mạnh: bufotalin, bufotonin, bufotenin, và một số hợp chất hữu cơ khác, có tác dụng gây rối loạn nhịp tim nặng, tăng huyết áp, ngừng tim, sốc trụy mạch và suy hô hấp cấp. Lượng độc tố trong 1 con cóc có thể gây chết 4-5 người lớn khỏe mạnh.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, tốt nhất không nên dùng thịt cóc làm thực phẩm. Thay vào đó sử dụng các thực phẩm khác như: gà, bò, cá, tôm,ếch, lươn...cũng có giá trị dinh dưỡng cao, mà lại là lựa chon an toàn hơn.

Triệu chứng ngộ độc thịt cóc:

Hiếm khi xảy ra trường hợp ngộ độc do đụng chạm, sờ mó phải cóc. Nhưng khi chất nhầy bài tiết của chúng dính vào một số vùng nhạy cảm như mắt, miệng... có thể gây ra hiện tượng rát bỏng, sưng phồng

Nguy hiểm nhất là khi độc chất này được hấp thụ qua đường tiêu hóa (ăn phải) thì mới gây ra các triệu chứng ngộ độc mang tính hệ thống.

Triệu chứng ngộ độc thường xảy ra sau khi ăn khoảng 01 giờ hoặc có thể sớm hơn (15 – 30 phút) nếu nạn nhân là trẻ nhỏ, suy dinh dưỡng hoặc là người lớn có uống rượu, bia. Triệu chứng bắt đầu bằng cảm giác chóng mặt, quay cuồng, đau như bị châm chích ở đầu ngón tay, ngón chân; kế đến là ói mửa dữ dội kéo dài, tiêu chảy, đau bụng, giảm huyết áp. Tiếp sau đó, các triệu chứng giống như bệnh suy tim có thể xuất hiện như loạn nhịp tim … và cuối cùng tử vong có thể xảy ra trong vòng vài giờ.

Xử trí đầu tiên của cha mẹ nếu bị ngộ độc thịt cóc:

Khi chất nhầy bài tiết của cóc lỡ dính vào tay, mắt, miệng …, nên nhanh chóng rửa vùng tiếp xúc ngay lập tức nhiều lần bằng nước sạch.

Trong trường hợp ngộ độc qua đường tiêu hóa (ăn phải), nên kích thích cho trẻ ói mửa ra thực phẩm. Song song, cần phải di chuyển ngay bệnh nhi đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

Theo Sức khỏe & Đời sống