Vụ nữ sinh bị làm nh.ục tại shop thời trang Mai Hường: Đối tượng được miễn tội trong trường hợp nào?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu nạn nhân không muốn xử lý những đối tượng đã làm nhục mình thì có quyền rút đơn và vụ án phải được đình chỉ.

Những ngày qua, câu chuyện chủ shop thời trang Mai Hường làm nhục một nữ sinh 17 tuổi bằng cách hành hung, lấy kéo cắt nham nhở mái tóc của nạn nhân khiến dư luận bức xúc. Nguyên nhân được cho là do nữ sinh này trộm một chiếc chân váy trị giá 160.000 đồng và bị chủ shop phát hiện nên đã xảy ra vụ việc trên.

Hiện cơ quan CSĐT Công an TP Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Cao Thị Mai Hường (SN 1992, trú tại phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, chủ shop thời trang Mai Hường) về tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 (BLHS 2015) và tội "Cưỡng đoạt tài sản" theo Điều 170 (BLHS); khởi tố và bắt tạm giam Trịnh Đình Anh (SN 1990, là chồng của Hường) về tội "Cưỡng đoạt tài sản".

Tại cơ quan điều tra các đối tượng khai nhận, ngày 25/11, sau khi phát hiện shop bị mất trộm quần áo, Hường đã sử dụng trang facebook cá nhân có tên "Mai Hường" đăng nội dung: "Shop đã tìm được thủ phạm ăn cắp, nếu trong vòng 24h không liên hệ với shop sẽ trình báo công an" (kèm theo hình ảnh và số điện thoại của Hường).

Sau khi đọc được thông tin trên thì 2 cháu T.M và L.T.H đều sinh năm 2004 (ở phường Quảng Vinh, TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã chủ động liên hệ với Hường để xin lỗi về việc ngày 18/11 có đến shop Mai Hường lấy trộm quần áo. Tuy nhiên, Hường không đồng ý mà yêu cầu hai người đến shop để nói chuyện. Khoảng 9 giờ ngày 26/11, các cháu đi xe máy đến của hàng Mai Hường, khi đó H đứng ngoài, còn M đi vào trong.

Hường chủ động bảo nhân viên của mình cầm máy điện thoại để quay video, đồng thời yêu cầu M cởi mũ bảo hiểm, khẩu trang che mặt để Hường quay clip. Do M không đồng ý nên Hường đã dùng tay tát vào mặt và dùng chân đạp vào đầu nữ sinh. Một người phụ nữ lớn tuổi cũng lao vào dùng tay túm tóc M để dùng kéo cắt tóc, cắt đứt áo ngực của nữ sinh.

Sau khi làm nhục cháu M, Trịnh Đình Anh (chồng của Hường) yêu cầu M trong 3 ngày phải "khắc phục" số tiền là 15 triệu đồng nếu không sẽ báo Công an. Ngày 30/11, gia đình 2 cháu M và H đến shop Mai Hường để đưa tiền cho vợ chồng Đình Anh - Mai Hường. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình cháu H xin khắc phục số tiền 10 triệu đồng và được Đình Anh đồng ý, còn gia đình M do không có tiền nên Mai Hường đã yêu cầu viết giấy "Đơn khất nợ" số tiền 10 triệu đồng.

Ngay sau khi vợ chồng chủ shop thời trang Mai Hường bị khởi tố, xuất hiện thông tin cháu M vì lo lắng đã phải nhập viện nên gia đình nạn nhân không muốn đẩy vụ việc đi quá xa. Vậy trong trường hợp nạn nhân rút đơn, vụ án sẽ được xử lý như thế nào?

vu-nu-sinh-bi-lam-nh-uc-tai-shop-thoi-trang-mai-huong-doi-tuong-duoc-mien-toi-trong-truong-hop-nao

Hình ảnh cháu M bị những người phụ nữ trong shop thời trang Mai Hường làm nhục (ảnh cắt từ clip)

 

Về vấn đề này, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, đối với tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 (BLHS 2015), do đây là tội danh chỉ được khởi tố khi có đơn yêu cầu của bị hại nên nếu nạn nhân (hoặc người giám hộ hợp pháp của nạn nhân) rút đơn thì vụ án sẽ phải đình chỉ. Theo đó, khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là một chế định có từ rất lâu của luật tố tụng hình sự nước ta. Đây là một chế định cho phép đối với một số tội phạm (chủ yếu thuộc khoản 1 các tội xâm phạm về nhân thân và tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ), bị hại có quyền quyết định việc có khởi tố vụ án hình sự hay không thông qua yêu cầu khởi tố. Đồng thời nếu việc khởi tố, điều tra, truy tố đã diễn ra nhưng bị hại thấy không muốn xử lý người phạm tội nữa thì pháp luật cũng cho phép họ được quyền rút yêu cầu này và lúc này vụ án phải được đình chỉ.

Căn cứ Điều (155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) quy định: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết;

Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án; Người đã yêu cầu mà rút yêu cầu khởi tố vụ án thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp việc rút yêu cầu là do bị ép buộc, cưỡng bức.

Như vậy, với những vụ án rơi vào một trong các trường hợp trên, nếu không có yêu cầu khởi tố của người bị hại thì cơ quan có thẩm quyền khởi tố không được khởi tố. Trường hợp là người chưa thành niên hoặc là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà không thể hiện được ý chí của mình thì khi muốn khởi tố phải có sự đồng ý của người đại diện.

"Trong vụ việc xảy ra tại shop thời trang Mai Hường, trường hợp đối tượng Cao Thị Mai Hường bị khởi tố tội "Làm nhục người khác" theo khoản 1 (Điều 155), nếu nạn nhân tự nguyện rút đơn thì vụ án sẽ phải đình chỉ.

Đối với tội "Cưỡng đoạt tài sản" thì không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Do vậy, nếu xảy ra trường hợp bị hại rút đơn thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc giải quyết vụ án nên vẫn được giải quyết theo quy định pháp luật về tố tụng hình sự. Tuy nhiên, đây sẽ được coi là các tình tiết giảm nhẹ khi cơ quan tố tụng xem xét hành vi của người phạm tội", luật sư Long chia sẻ.

Theo GiaDinh