Xăng pha chì đã chính thức bị xóa sổ trên toàn cầu

Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc vừa đưa ra công bố không còn quốc gia nào trên thế giới sử dụng xăng pha chì. Đây được coi như “sự kết thúc của một kỷ nguyên độc hại”.

Xăng pha chì có nghĩa là trong xăng có pha thêm một ít Tetraetyl chì (C2H5)4Pb, có tác dụng làm tăng khả năng chịu nén của nhiên liệu dẫn đến tiết kiệm khoảng 30% lượng xăng sử dụng. Nhưng khi cháy trong động cơ thì chì oxit sinh ra sẽ bám vào các ống xả, thành xilanh, nên thực tế còn trộn vào xăng chất 1,2 – đibrometan CH2Br – CH2Br để chì oxit chuyển thành muối PbBr2 dễ bay hơi thoát ra khỏi xilanh, ống xả và thải vào không khí gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Vào đầu những năm 1920, chất chì bắt đầu được thêm vào xăng để cải thiện hiệu suất động cơ. Cảnh báo được đưa ra ngay từ năm 1924, khi 5 công nhân được tuyên bố tử vong và hàng chục người khác phải nhập viện vì co giật tại một nhà máy lọc dầu do tập đoàn dầu mỏ Standard Oil của Mỹ điều hành.

Tuy nhiên, bất chấp điều này, chì vẫn tiếp tục được thêm vào xăng trên toàn cầu. Cho đến những năm 1970, các nước phát triển bắt đầu loại bỏ dần loại nhiên liệu này. Tuy vậy, ba thập kỷ sau, vào đầu những năm 2000, vẫn còn 86 quốc gia sử dụng xăng pha chì.

Nhiên liệu độc hại này đã làm ô nhiễm không khí, đất và nước nghiêm trọng trong gần một thế kỷ qua. Không những thế, loại xăng này có thể gây ra bệnh tim, ung thư, đột quỵ và ảnh hưởng xấu tới sự phát triển não bộ của trẻ em.

Hầu hết các nước phát triển đã cấm sử dụng nhiên liệu này từ những năm 80 của thế kỉ trước. Cho đến tháng 7/2021, Algeria là quốc gia cuối cùng chính thức khai tử xăng pha chì. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres gọi việc loại bỏ loại xăng này là một "sự thành công quốc tế".

Thandile Chinyavanhu, nhà vận động khí hậu tại Greenpeace Châu Phi, cho biết: "Việc này cho thấy nếu chúng ta có thể loại bỏ một trong những loại nhiên liệu gây ô nhiễm nguy hiểm nhất trong thế kỷ 20, chúng ta cũng hoàn toàn có khả năng loại bỏ tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch trong tương lai".

Theo Nhịp sống kinh tế