'Bé gái bị sụp chân dưới nắp bêtông, khóc nhưng ba không nghe vì... chơi game'

"Bé gái bị sụp chân dưới nắp bêtông, trong khi ba của bé đeo tai nghe và chơi game say mê. Bé khóc mà ba không nghe. Dường như con được ra công viên để... ba mẹ chơi điện thoại".

be-gai-bi-sup-chan-duoi-nap-betong-khoc-nhung-ba-khong-nghe-vi-choi-game

Hình ảnh thường thấy khi cha mẹ dẫn con đi chơi ở những nơi công cộng - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sự việc cháu bé ở Bắc Ninh bị bắt cóc khi đi chơi cùng cha tại công viên khiến nhiều người giật mình. Câu chuyện đặt ra vấn đề cha mẹ cần làm gì để cho con vui chơi an toàn nơi công cộng?

Theo các chuyên gia, để hạn chế nguy cơ cho trẻ khi vui chơi ở công viên, cần áp dụng hai yếu tố là cha mẹ tập trung quan sát cũng như dạy con những kỹ năng cần thiết.

Cha mẹ sao nhãng

Chị Nguyễn Thị Út - có hơn 10 năm thường xuyên chăm sóc cây xanh ở một công viên Q.1, TP.HCM - kể: "Những lúc tưới cây, nhổ cỏ, tôi thường thấy các con chơi ở công viên.

Cha mẹ ngồi ghế đá quan sát phần lớn cầm điện thoại trên tay. Năm ngoái, tôi giúp một bé gái bị sụp chân dưới nắp bêtông, trong khi ba của bé đeo tai nghe và chơi game say mê. Bé khóc mà ba không nghe. Dường như con được ra công viên để... ba mẹ chơi điện thoại".

Cũng thường xuyên đưa con 5 tuổi đi chơi công viên những ngày cuối tuần, anh Phạm Quốc Lộc (sống ở Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM) chia sẻ việc đi công viên để con chạy nhảy thoải mái, đổi không khí.

"Các con chơi thì mình quan sát vì sợ con té ngã, giành đồ chơi với bạn xung quanh hay theo dõi để người lạ không tiếp xúc con. Trong lúc con chơi, thi thoảng tôi cũng lướt điện thoại giết thời gian" - anh Lộc nói.

Thạc sĩ xã hội học Trần Nam - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - nói cha mẹ hay bị sao nhãng bởi điện thoại hay các thiết bị thông minh khác, mất đi sự tập trung, quan sát con khi ở nơi công cộng.

"Công viên ở Việt Nam là công viên mở, thường có sự phức tạp bởi nhiều thành phần xã hội khác nhau. Đây là nơi chưa hẳn đã an toàn, lực lượng bảo vệ riêng để giải quyết sự cố ở công viên không có. Cha mẹ thì không lưu tâm, không quan sát. Việc đi lạc, bị bắt cóc, thậm chí gặp nguy hiểm đến tính mạng là điều có thể và đã xảy ra, dù rằng luôn được dự báo trước" - ông Nam nhìn nhận.

Dạy con kỹ năng sinh tồn

Ông Nam nói thêm:

"Kỹ năng sinh tồn là một yếu tố quan trọng. Những em nhỏ quá còn trên vòng tay cha mẹ, mới chập chững biết đi thì chưa bàn. Những em biết tiếp thu, từ 4 tuổi thì cha mẹ cần hướng dẫn một số kỹ năng cơ bản: không đi và không nhận bánh kẹo quà cáp của người lạ; dạy con thuộc số điện thoại, số nhà, nhớ tên phường, khu vực đang sống...".

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - phân tích nơi công cộng dành cho tất cả mọi người và nguy cơ đến từ ngoại cảnh như côn trùng đốt, khu vui chơi thiếu an toàn, bị người khác xô đẩy, cho quà dụ dỗ, tấn công, thậm chí bắt cóc, xâm hại...

"Công bằng mà nói, phần lớn những nguy hiểm xảy ra xuất phát từ sự chủ quan của phụ huynh như nghĩ rằng nơi đó an toàn, con được dặn dò rồi, xung quanh nhiều người, nhiều phụ huynh khác cũng chọn nơi này, con mình trước giờ ngoan, bản thân cũng đã kỹ lưỡng...

Bản thân càng chủ quan bao nhiêu thì khi tình huống bất ngờ xảy ra, mình càng khó xoay xở bấy nhiêu. Do đó, cảnh giác luôn quan trọng, bất kể là để con ở nhà hay đi ra ngoài" - ông Huân nói.

Để con vui chơi an toàn, theo thạc sĩ Lê Minh Huân, trước khi ra ngoài cha mẹ cần: dặn con luôn bên cạnh ba mẹ; dạy con quy tắc cư xử với người lạ, với tình huống nguy hiểm, với động vật đi lạc, với giao thông công cộng.

Bên cạnh đó, cha mẹ luôn để mắt tới con, nắm tay con hoặc giữ khoảng cách đủ gần để ứng biến nếu có tình huống bất ngờ xảy ra. Hạn chế tối đa việc dùng điện thoại làm việc riêng; tập trung chơi, nói chuyện, hỗ trợ cùng con; lựa chọn khu vực chơi an toàn, phù hợp lứa tuổi của trẻ...

Phải giáo dục kỹ năng cho con

be-gai-bi-sup-chan-duoi-nap-betong-khoc-nhung-ba-khong-nghe-vi-choi-game

Ở nơi công cộng như công viên, nhà sách, siêu thị..., cha mẹ cho con không gian tự do nhưng luôn để mắt theo con - Ảnh: NH.HUY

Nhiều cha mẹ chủ quan, thiếu cảnh giác trong việc trông coi, giáo dục trẻ; trẻ thiếu kỹ năng phòng, chống bắt cóc. Vì thế phải giáo dục kỹ năng cho con, vì cha mẹ và người thân không thể lúc nào cũng ở bên để bảo vệ, trông coi trẻ.

Phải xây dựng các tình huống tốt - xấu giả định, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện thường xuyên để trẻ hình thành những kỹ năng đối phó. Chẳng hạn, cha mẹ hãy nói với trẻ về nạn bắt cóc và hậu quả của nó theo một cách dễ hiểu nhất; tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình.

Trẻ cũng cần được dạy để nhận biết "những người lạ có thể tin tưởng", gồm: thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan... để khi gặp tình huống nguy hiểm trẻ có thể trông cậy, nhờ vả. Ngoài ra, cần giáo dục trẻ không được nói chuyện, đi theo hoặc nhận đồ vật (bánh kẹo, đồ chơi...) của người lạ mặt.

Nếu có ai đó không quen biết mà lân la tiếp cận, tìm cách hỏi chuyện, cho quà, phải chạy trốn ngay lập tức và kể lại sự việc cho cha mẹ. Nếu bị người lạ kéo, dắt, lôi đi thì phải kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho người xung quanh.

Trường hợp trẻ đã đến tuổi đi chơi với bạn bè mà không có sự giám sát, cha mẹ hãy dặn trẻ luôn luôn để mắt tới nhóm bạn. Những kẻ bắt cóc thường nhắm mục tiêu khi trẻ đi một mình.

Đặc biệt, cha mẹ cần tuyệt đối không nên đưa lên mạng xã hội (Facebook, Zalo...) những thông tin cá nhân của trẻ như nơi con học hay những hình ảnh có tính chất khoe khoang sự giàu có, khá giả của gia đình. Bởi hiện nay tội phạm thường "săn mồi" từ các trang mạng xã hội.

Đối diện thực tế đã rồi, khi con bị bắt cóc, cha mẹ nên báo cơ quan công an gần nhất tại nơi cư trú, nhưng việc liên hệ phải hết sức kín đáo. Không được đến trụ sở công an, có thể ra quán cà phê hoặc nơi hẹn khác. Bởi người bắt cóc có thể là bất kỳ ai, có thể là hàng xóm, họ sẽ theo dõi gia đình và có thể họ sẽ giết người để che đậy.

Trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) - T.THƯƠNG ghi

Thảo Thương

Theo Tuổi trẻ