Mới đôi mươi đã "dính" loại ung thư tưởng ngoài 50 mới bị

Điều đáng nói, các khối u đại trực tràng ở bệnh nhân trẻ có tốc độ phát triển nhanh hơn những người lớn tuổi và thường được phát hiện ở giai đoạn muộn hơn.

Ung thư đại trực tràng thường gặp ở những người trên 50 tuổi, tuy nhiên tỉ lệ mắc loại ung thư đường tiêu hoá này trong nhiều năm gần đây tăng nhanh ở giới trẻ.

Tại Bệnh viện K căn bệnh này đã được chẩn đoán ở cả những bệnh nhân 20 tuổi. Mới đây, nam thanh niên 19 tuổi quê Nam Định phát hiện ung thư đại trực tràng giai đoạn 4, khi khối u đã lan tràn khắp nơi, phải phẫu thuật. 

Trước đó, anh thỉnh thoảng bị đau bụng quanh rốn khi buồn đại tiện, cảm giác mót đại tiện, không sốt, không nôn, không sút cân. Gần đây, anh bị đi ngoài ra máu, đi khám nội soi và bàng hoàng khi được thông báo chẩn đoán ung thư đại trực tràng có di căn xa.

moi-doi-muoi-da-dinh-loai-ung-thu-tuong-ngoai-50-moi-bi

BS.Kenichiro Imai, Trung tâm nội soi, Bệnh viện Ung thư Shizuoka (Nhật Bản) hướng dẫn các bác sĩ Bệnh viện K kĩ thuật nội soi nhuộm màu phóng đại phát hiện ung thư đại trực tràng từ rất sớm. Ảnh: BVCC

Bệnh viện này cũn từng phẫu thuật cho các bệnh nhi trên dưới 10 tuổi vào viện cấp cứu do đau bụng, tắc ruột. Khi xét nghiệm, bác sĩ phát hiện có khối ung thư biểu mô tuyến ở đại tràng sigma. Khi mổ, kích cỡ khối u đã lên tới 6 cm, xâm lấn vào thành đại tràng, ở giai đoạn muộn.

Tương tự, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hơn 600 bệnh nhân ung thư đại trực tràng mới. Bệnh nhân ngày càng trẻ, dưới 20 tuổi, 30-40 tuổi, thường gặp ở độ tuổi ngoài 50.

Theo số liệu WHO 2018, ung thư đại trực tràng là ung thư phổ biến hàng thứ 5 tại Việt Nam sau ung thư gan, phổi, dạ dày, vú. TS Nguyễn Tiến Quang, Phó giám đốc Bệnh viện K, cho biết tại Việt Nam, năm 2000, số ca mắc mới ung thư đại trực tràng ở cả 2 giới là 5.400 ca, đến năm 2010 là hơn 13.000 ca và đến năm 2018 đã tăng lên gần 15.000 ca, gấp gần 3 lần trong vòng 18 năm, trong đó có gần 9.300 ca tử vong.

Đặc biệt, theo dự báo đến 2025, ung thư đại trực tràng sẽ vươn lên hàng thứ 2 ở nam giới và thứ 4 ở nữ giới.

Các khối u đại trực tràng ở bệnh nhân trẻ có tốc độ phát triển nhanh hơn những người lớn tuổi và thường được phát hiện ở giai đoạn muộn hơn.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này phần lớn do sinh hoạt, thói quen ăn uống.

TS Quang cho biết, sở dĩ ung thư đại trực tràng ở nước ta cũng như nhiều nước đang phát triển tăng nhanh do liên quan trực tiếp đến lối sống, chế độ ăn. Cơ thể bbéo phì, ít vận động, tiêu thụ nhiều thịt đỏ, ăn ít trái cây và rau xanh, nạp nhiều chất béo, thức ăn nhanh, uống nhiều rượu, hút thuốc lá... là những yếu tố nguy cơ gia tăng tỉ lệ mắc bệnh.

Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng. Tại Việt Nam, theo điều tra mới nhất, 57% người trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong khi ăn nhiều thịt; một nửa nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại; béo phì tăng nhanh từ 12% năm 2010 lên 17,5% năm 2015; Việt Nam nằm trong top 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới...

Ngoài lối sống, ung thư đại trực tràng có liên quan đến yếu tố tuổi tác và di truyền, tuy nhiên số ca liên quan đến di truyền chỉ chiếm 3-5%.

Từ thực tế điều trị, TS.BS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K cho biết, ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỉ lệ sống sau 5 năm lên tới trên 90%, tuy nhiên có tới 70-80% bệnh nhân ung thư đại trực tràng ở nước ta được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, chủ yếu là giai đoạn 3-4 nên điều trị gặp nhiều hạn chế.

Hiện tại, mỗi ngày Bệnh viện K phẫu thuật 12 đến 16 ca ung thư đại trực tràng, tương đương mỗi năm từ 4.000 – 5.000 ca.

Theo TS Bình, ở giai đoạn sớm, ung thư đại trực tràng thường không có biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, lầm tưởng với nhiều bệnh lý đường tiêu hoá khác.

Tuy nhiên khi có những triệu chứng sau, cần đặc biệt lưu ý đến ung thư đại trực tràng:

- Rối loạn tiêu hoá: Ban đầu có thể là ợ chua, sau là đau tức vùng bụng, co thắt dạ dày trước hoặc sau khi ăn.

- Táo bón: Nếu đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần nên chú ý theo dõi.

- Đi ngoài phân nhỏ, phân dẹt: Có nguy cơ ruột gặp phải những vật cản như các khối u, polyp to khiến hình dạng và kích thước phân thay đổi.

- Đi ngoài ra máu: Đây là triệu chứng khá phổ biến ở các bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Nguyên do khối u trong lòng ruột gây chảy máu.

- Giảm cân bất thường, mệt mỏi: Hầu hết các trường hợp mắc ung thư đều có dấu hiệu giảm cân nhanh và nhiều trong thời gian ngắn dù không ăn kiêng hay tập luyện gì gắng sức.

Sàng lọc, phòng ngừa ung thư đại trực tràng như thế nào?

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nội soi Nhật Bản, khám sàng lọc và nội soi đại trực tràng giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng, đặc biệt cắt polyp qua nội soi giúp giảm tới 80% tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng.

Để phòng ngừa ung thư đại tràng, người dân nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A …và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên.

Những người có tiền sử viêm đại tràng mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, nôn ra máu … thì nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo GiaDinh