Quảng Nam: Người sống kêu cứu cho người chết

Nghĩa địa Động Chai (xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) nằm trên đồi cát trắng tinh, nơi hàng ngàn mồ mả được chôn cất hơn 100 năm qua, hiện đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Việc Công ty Kính nổi Chu Lai khai thác cát ngay trên nghĩa địa này đã gây ra hàng loạt tác động tiêu cực lên cả đời sống tâm linh lẫn sinh hoạt thường nhật của cộng đồng dân cư địa phương. Hàng trăm người dân đã bức xúc kêu cứu thay cho những người chết.

Quảng Nam: Người sống kêu cứu cho người chết

Cư dân địa phương từ già đến trẻ bỏ cả công ăn việc làm để bảo vệ mồ mả tổ tiên.

Khi “cát tặc” tấn công mồ mả

Từ phản ánh của bạn đọc, nhóm PV báo Đời sống & Tiêu dùng đã tìm đến xã Tam Anh Nam giữa lúc người dân nơi này đang vô cùng bức xúc và phẫn nộ trước việc doanh nghiệp khai thác cát trên khu vực mồ mả tổ tiên họ. Từ nhiều tháng qua, hàng loạt lượt xe tải ngang nhiên xông vào nghĩa địa hốt cát để phục vụ mục đích sản xuất mặt hàng kính nổi, bất chấp phản ứng gay gắt của người dân.

Theo lời kêu cứu của cư dân địa phương, mới đây, trong hai ngày 4 – 5/9, gần 10 chiếc xe tải cỡ lớn tập kết tại nghĩa địa Động Chai, có máy xúc hỗ trợ lấy cát từ đây chở đi nơi khác. Phát hiện hành vi trên, hàng chục người dân 2 thôn Nam Định, Nam Cát lập tức ùa ra hiện trường ngăn chặn.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Bình (sinh năm 1964) tuyên bố chắc nịch: “Tôi và bà con tại đây có chết cũng quyết bảo vệ nấm mồ tổ tiên”. Được biết, ông Bình có hơn 10 ngôi mộ gia tiên đang đứng trước nguy cơ bị hư hỏng nghiêm trọng do sụt lở nền cát nghĩa địa. Bà Võ Thị Khương (SN 1954), miệng bỏm bẻm nhai trầu khoát tay: “13 ngôi mộ của gia đình người chồng đã mất, nay tôi có trách nhiệm hương khói và gìn giữ. Người chết rồi mà mồ mả vẫn không được yên, với tình hình này, khả năng vài hôm nữa tôi phải ôm mả chạy!”.

Theo điều tra của phóng viên, nghĩa địa Động Chai rộng khoảng 7 hecta, được tạo thành từ một gò cát trắng nằm lọt giữa hai thôn Nam Định và Nam Cát. Từ hàng trăm năm nay, nơi này là chốn yên nghỉ của các thế hệ người dân xã Tam Anh Nam. Bà Trần Thị Hà (74 tuổi) cho biết, trước đây người chết được đưa lên gò rồi táng vào hố cát. Sau này, khi điều kiện kinh tế khá hơn, bắt đầu xuất hiện những mộ phần bằng xi măng, gạch đá. Theo phong tục, nghĩa địa Động Chai là tài sản có giá trị chung của cộng đồng người địa phương, được dùng làm nơi yên nghỉ cho những ai quá cố, thường quy tập thành những khu vực tộc họ riêng. Theo lời bà Hà, trước nay chưa từng xảy ra tranh chấp đất để phục vụ việc chôn cất, người dân cũng không tốn tiền mua đất nghĩa địa.

Năm 2012, được UBND tỉnh Quảng Nam “bật đèn xanh”, Công ty CP Kính nổi Chu Lai thuê diện tích đất thuộc nghĩa địa Động Chai và khai thác cát trắng. Thời điểm đó, đã xảy ra những cuộc xung đột lớn giữa người dân địa phương và lực lượng cào hốt cát. Báo chí vào cuộc, phản ánh tình trạng trên và được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tiếp thu, cho ngừng hoạt động. Tuy nhiên, mới đây, vào tháng 7/2014, với lý do đã có nghĩa địa khác thay thế, công ty CP Kính nổi Chu Lai lại có văn bản gửi đến Phòng Tài nguyên  - Môi trường huyện Núi Thành xin tiếp tục khai thác cát. UBND huyện Núi Thành cũng kiến nghị lên UBND tỉnh về việc này và đề nghị chấp thuận. 

Trước những thông tin vừa nêu, người dân địa phương tiếp tục bày tỏ sự phẫn nộ, bức xúc đối với chính quyền các cấp tại Quảng Nam. “Mồ mả vẫn còn đây, chưa được đền bù và có phương án di dời thỏa đáng, vậy mà từng đoàn xe vẫn vào khai thác cát. Ban ngày bị chúng tôi ngăn cản nên họ lén lút cào trộm vào 3, 4 giờ sáng” – bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.

Quảng Nam: Người sống kêu cứu cho người chết

Hiện trường sạt lở do khai thác cát tại nghĩa địa Động Chai.

Người chết mất mồ, người sống mất kế sinh nhai

Kể từ khi UBND tỉnh Quảng Nam ký văn bản 4307/QĐ-UBND về việc “thu hồi đất cho Công ty cổ phần kính nổi Chu Lai thuê đất để khai thác cát trắng tại Khu công nghiệp cơ khí đa dụng và ôtô Chu Lai”, vùng quê nghèo vốn yên bình đã trở nên điêu đứng.

Qua tiếp xúc với các thế hệ từng gắn bó lâu năm tại địa phương này, chúng tôi nhận thấy việc khai thác cát không chỉ ám ảnh đời sống tâm linh mà còn ảnh hưởng tới cả đời sống vật chất của cư dân. Bà Nguyễn Thị Thu Hà (thôn Nam Cát) cho biết: “Bao nhiêu đời qua, người dân sống nơi đây không phải đi mua nước, ấy vậy mà kể từ khi mấy chiếc máy xúc đào xới đưa cát đi đã khiến cho chúng tôi không còn nước mà ăn uống. Hàng trăm m2 diện tích đất trồng lúa ngày trước làm được 2 mùa nhưng giờ cũng chỉ làm được một mùa vì không đủ nước tưới”.

Theo giải thích của người dân, đất ở vùng này là đất cát, có nguồn nước ngầm tinh khiết, sạch. Nhưng việc đất cát bị đào xới sâu hàng chục mét khiến cho mạch nước ngầm bị phèn và có mùi bùn. Ghi nhận của phóng viên cho thấy đã có hàng ngàn m2 đất cát trắng bị khai thác, nhiều khu vực bị khai thác sâu xuống nhiều mét khiến các giếng đào của hộ dân cạn nước. Chưa dừng lại ở đó, các hộ dân ở đây cũng khốn đốn vì “bão cát”. Những gò đất cát trắng tại khu vực xã Tam Anh Nam bị đào xới cẩu thả khiến cứ mỗi trận gió tới là cát bay mù mịt, tràn vào nhà dân. Ông Bình (người dân thôn Diêm Phổ, xã Tam Anh Nam) ấm ức: “Bọn chúng khai thác cả ngày lẫn đêm. Tôi cùng các con giờ đây không dám đi làm vì phải ở nhà canh mộ, sợ bị bọn chúng làm ảnh hưởng. Buổi đêm cứ nghe tiếng máy nổ là tôi cùng các con phải chạy ra ngay xem tình hình”. 

Đến nay, nhiều khu vực vì bị khai thác quá sâu và quá gần các ngôi mộ nên cứ mỗi trận mưa là lại gây ra tình trạng sạt lở và nhiều ngôi mộ đứng trước nguy cơ bị cuốn trôi. 

Báo Đời sống & Tiêu dùng sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc này trong số báo tiếp theo. 

Theo Minh Sỹ - Nguyên Vũ (Báo Đời sống & Tiêu dùng)

Quảng Nam: Người sống kêu cứu cho người chết

Bài gốc trên báo Đời sống & Tiêu dùng