Viết tiếp vụ “Người sống kêu cứu cho người chết” ở Quảng Nam - Bất chấp đạo lý và lệnh cấm của chính quyền tỉnh

Sau khi báo Đời sống & Tiêu dùng số 75 ra ngày 18/9/2014 phản ánh vụ việc “Người sống kêu cứu cho người chết” xảy ra tại Quảng Nam, nhóm PV đã cung cấp thông tin này đến với lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND Tỉnh Quảng Nam.

Được sự chỉ đạo nghiêm túc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, chúng tôi đã tiếp cận với ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ngay lập tức, vị lãnh đạo này đã triệu tập ông Đỗ Xuân Diện - Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai để trả lời cho nhóm PV. Ông Diện khẳng định chắc nịch: “Tỉnh đã có lệnh ngưng khai thác mà vẫn lén khai thác là…trái phép!”.

Công khai hút cát trắng nghĩa địa: Tỉnh không hay biết ?!

Viết tiếp vụ “Người sống kêu cứu cho người chết” ở Quảng Nam

Chiếc xe múc ở hiện trường

Trong quá trình điều tra thực trạng nhóm người tự xưng của Công ty Phú Long đưa xe tải vào khu nghĩa địa Động Chai (xã Tam Anh Nam, H.Núi Thành, Quảng Nam) khai thác cát trắng xâm phạm mồ mả người dân, PV ĐS&TD liên hệ ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và được vị lãnh đạo này tiếp tại phòng làm việc UBND tỉnh.

Do mới được giao nhiệm vụ quản lý và theo dõi các hoạt động ở Khu kinh tế mở Chu Lai nên ông Thu chưa kịp nắm chi tiết các vấn đề liên quan. Vì vậy, Phó Chủ tịch tỉnh ngay lập tức triệu tập ông Đỗ Xuân Diện - Phó Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai đến, nhằm cung cấp các thông tin cần thiết cho PV.

Tại buổi làm việc, ông Diện cho biết, việc UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý cho Công ty CP Kính nổi Chu Lai thuê đất để khai thác cát trắng, đồng thời giải phóng mặt bằng chuẩn bị cho Dự án Khu Công nghiệp cơ khí đa dụng và ô tô Chu Lai nằm trên địa bàn xã Tam Anh Nam trong thời gian 2 năm 2 tháng tính từ ngày 26/6/2012 - 26/8/2014 là có thật.

Tuy nhiên, vào tháng 4/2013, có thông tin việc khai thác trên gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là xâm phạm mồ mả người đã khuất. Đồng thời, dân kiến nghị xây dựng một nghĩa trang nhân dân khác để di dời nghĩa địa. Do vậy, sau khi đoàn công tác do tỉnh Quảng Nam thành lập gồm Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, Sở TN - MT, UBND H.Núi Thành và UBND xã Tam Anh Nam thị sát tình hình, nhận thấy thực tế còn tồn tại nhiều bất cập nên đã quyết định ngưng cho phép việc khai thác cát trắng. Theo ông Diện, đến nay, vẫn chưa có quyết định nào cho phép việc khai thác cát trắng tại khu vực này tiếp diễn.

Sau khi PV cung cấp những hình ảnh hoang tàn tại nghĩa địa Động Chai, ông Diện tỏ ra “bất ngờ”. Lãnh đạo cơ quan chính quyền tỉnh khẳng định chưa biết về tình trạng “bất chấp đạo lý” này và cam kết sẽ tiếp thu, xác minh ngay, nếu đúng như những gì PV phản ánh sẽ có biện pháp xử lý triệt để. 

Viết tiếp vụ “Người sống kêu cứu cho người chết” ở Quảng Nam

Vết cào cát trắng vẫn còn mới ngay cạnh chân huyệt mộ

“Chủ trương của UBND tỉnh, là khi nào có nghĩa trang mới, khang trang hơn và hoàn thành việc di dời mồ mả mới tiếp tục cho khai thác cát trắng. Việc cải táng các phần mộ, sẽ thuận theo ý dân về thời gian để họ lựa chọn ngày phù hợp theo đúng phong tục” - ông Diện khẳng định.

Được biết, gần đây tỉnh Quảng Nam xúc tiến kêu gọi đầu tư và đã khởi công xây dựng bước đầu nghĩa trang nhân dân tại xã Tam Anh Nam với diện tích 26,3 hecta, tổng vốn đầu tư khoảng 70 tỷ đồng. Theo cam kết của lãnh đạo tỉnh, đây sẽ là nghĩa trang nhân dân đạt chuẩn khi cách xa khu dân cư 3 km, có tường rào, nhà tang lễ và đài dâng hương…

Với cương vị Phó Chủ tịch, ông Đinh Văn Thu đồng thuận với phương án vừa nêu. Ông nói: “Việc này là làm cho dân, nên phải lắng nghe tâm tư của dân. Nếu họ có khúc mắc gì về việc di dời, đền bù, phải cố gắng giải thích và thuyết phục theo hướng vì mục đích chung là góp phần xây dựng kinh tế của địa phương và của tỉnh”.

Ai chống lưng cho việc làm trái đạo lý?

Có một thực trạng đáng báo động, là mặc dù UBND tỉnh đã yêu cầu tạm ngưng khai thác từ tháng 4/2013, nhưng theo phản ánh bức xúc của người dân, việc khai thác cát trắng xâm phạm mồ mả thậm chí còn rầm rộ hơn vào thời gian gần đây. Hiện trường tại nghĩa địa Động Chai, con đường hằn nhiều vết xe tải nặng, vết cào cát còn mới và chiếc xe múc tang vật vẫn còn đó là minh chứng cho lời tố cáo của người dân là có căn cứ. Vậy, nhóm người nào dám bất chấp lệnh tạm ngưng của UBND tỉnh Quảng Nam?

Trở lại công văn số 2106/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam đồng ý cho Công ty CP Kính nổi Chu Lai thuê đất và khai thác cát trắng. Mặc dù, trong các điều khoản, tỉnh đã nêu rõ việc khai thác tuyệt đối không được gây tác động tiêu cực lên đời sống người dân ở mọi mặt. Nếu xảy ra mâu thuẫn, BQL khu kinh tế mở Chu Lai có trách nhiệm tạm ngưng cho phép khai thác và báo cáo lên cấp cao hơn. Đã quy định rõ là vậy, nhưng dường như trong quyết định này lại hoàn toàn không “đả động” việc khu vực cho phép khai thác là một nghĩa địa đang tồn tại hàng trăm ngôi mộ. Phải chăng, việc lập dự án, thẩm định dự án của các cấp liên quan trước khi trình UBND tỉnh là… có vấn đề? Trong đó, đặc biệt là trách nhiệm của địa phương, nhất là UBND xã Tam Anh Nam, về việc báo cáo tình hình thực tế.

Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, chúng tôi tiếp tục thâm nhập bất ngờ vào nhà riêng ông Châu Đức Trung, Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam, được sự cho phép của ông, chúng tôi thẳng thắn đặt ra các câu hỏi và được ông Trung trả lời khẳng định về hàng loạt khó khăn trong việc di dời mồ mả. Thế nhưng điều bất ngờ là, ông hoàn toàn không biết quyết định tạm ngưng khai thác cát trắng ngay trên địa bàn xã của UBND tỉnh - dù đã gần 1 năm rưỡi kể từ ngày có quyết định. Ông còn kể, ngày 5/9, Công ty Phú Long đưa xe vào khu vực nghĩa địa Động Chai khai thác cát trắng. Do xảy ra mâu thuẫn gay gắt với người dân nên ông cử cán bộ xuống hiện trường lập biên bản (?!). Đặt giả thiết, nếu vị lãnh đạo xã xác định hành vi của nhóm người này là “cát tặc”, hẳn ông đã cử lực lượng công an xã kết hợp với người dân để bắt theo quy định của pháp luật.

Như vậy, qua điều tra của PV, thực tế những gì Báo Đời sống & Tiêu dùng phản ánh hoàn toàn chính xác. Sự việc bất chấp đạo lý đang diễn ra tại xã Tam Anh Nam rõ ràng có lỗi của cấp chính quyền huyện, xã, khiến người dân hoang mang và gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Một lệnh cấm khai thác cát được cơ quan chính quyền cấp tỉnh ban hành từ cách đây 16 tháng mà đến nay chính quyền cấp dưới lại “không hề hay biết”. Chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra về sự việc này nhằm cung cấp những thông tin mới nhất cho công luận.

Ai sẽ chịu trách nhiệm cuối cùng cho hành động vi phạm pháp luật diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật” này ? Ai sẽ là người gánh hậu quả về việc làm “trái luân thường đạo lý”? Xin mời bạn đọc đón đọc số báo tuần sau, ra ngày 25/9/2014.

Theo Minh Sỹ - Nguyên Vũ (Báo Đời sống & Tiêu dùng)

Viết tiếp vụ “Người sống kêu cứu cho người chết” ở Quảng Nam

Bài gốc trên báo Đời sống & Tiêu dùng