Bắt khẩn cấp 4 đối tượng cung cấp thẻ ATM

Chiều 9-10, Đội 8 Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an TPHCM phối hợp với Phòng PC46 - Công an tỉnh Đồng Nai thực hiện lệnh bắt và khám xét khẩn cấp 4 đối tượng có liên quan đến hoạt động lừa đảo qua điện thoại.

Công bố lệnh bắt và khám xét khẩn cấp 4 đối tượng

Bốn đối tượng bị bắt khẩn cấp gồm Bùi Hồ Trúc Giang (27 tuổi, ngụ đường Võ Thành Trang, phường 11 quận Tân Bình), Bùi Đức Phương (31 tuổi, anh trai Giang, ngụ cùng địa chỉ trên), Lê Thái Xuân (20 tuổi, quê tỉnh Phú Yên, tạm trú tại nhà trọ trên đường Lê Trung Nghĩa phường 12 quận Tân Bình) và Trịnh Nguyễn Nhật Cường (19 tuổi, ngụ đường 3-2, phường 14 quận 10).

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Giang lập ra tài khoản trên trang mạng xã hội facebook để mua thẻ ATM của những tài khoản mở tại một số ngân hàng, sau đó đưa lại cho Phương để Phương cung cấp cho đường dây lừa đảo do đối tượng người Đài Loan cầm đầu. Những thẻ này được dùng làm phương tiện để chuyển tiền lừa đảo. Thông qua facebook, biết Giang cần mua thẻ ATM nên Xuân và Cường làm thẻ ATM để bán cho Giang với giá 100.000 đồng/thẻ.

Tang vật thu giữ trong quá trình khám xét tại phòng của Bùi Hồ Trúc Giang

Khi thấy tin nhắn đến điện thoại báo số dư trong thẻ ATM của tài khoản mở tại Ngân hàng Sacombank và Ngân hàng Vietcombank do mình đứng tên lần lượt có 1,5 triệu đồng và 45,5 triệu đồng, dù không biết nguồn gốc số tiền này nhưng Xuân và Cường bàn nhau báo mất thẻ ATM để ngân hàng khóa tài khoản. Sau đó, Xuân và Cường dùng CMND đến ngân hàng rút toàn bộ số tiền này.

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại và tài khoản ngân hàng. Các đường dây lừa đảo có tổ chức do các đối tượng người Đài Loan - Trung Quốc cầm đầu, cấu kết với các đối tượng trong nước hoạt động xuyên quốc gia. Các tổ chức tội phạm này sử dụng thiết bị viễn thông công nghệ cao, thực hiện cuộc gọi qua Internet, giả mạo số thuê bao của các cơ quan pháp luật Việt Nam để thông báo nợ cước điện thoại, sau đó hù dọa người bị hại rằng đang bị điều tra do có liên quan đến vụ án rửa tiền, vụ án mua bán ma túy.

Khi người bị hại chuyển tiền vào tài khoản do bọn chúng chỉ định để giám định xem có phải là tiền có nguồn gốc phạm tội hay không, nhóm lừa đảo nhanh chóng thao tác chuyển số tiền qua nhiều tài khoản khác nhau bằng Internet Banking (dịch vụ chuyển tiền qua mạng), sử dụng các thẻ ghi nợ quốc tế rút tiền tại các trụ máy ATM trong và ngoài nước để chiếm đoạt. Sau khi Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM liên tục triệt phá các đường dây lừa đảo qua điện thoại, những đối tượng còn lại chuyển hướng sang thực hiện hành vi lừa đảo ở các tỉnh, thành khác, trong đó có địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo thông tin từ Công an tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm hiện tại đã có hàng trăm người bị hại với số tiền bị lừa đảo lên đến hàng chục tỷ đồng.

 Theo ÁI CHÂN (SGGP)