Bưởi đỏ “tiến vua” hút hàng dịp Tết

Đó là giống bưởi Luận Văn màu đỏ, đặc sản của huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Giống bưởi tiến vua này một thời rơi vào quên lãng, đến nay đang được nhân giống trở lại và nhanh chóng hút khách với 100-200 nghìn/quả.

Ông Nguyễn Văn Hải, thôn Mục Ngoại – xã Thọ Xương (Thọ Xuân - Thanh Hóa) cho hay, bưởi Luận Văn có nguồn gốc từ làng Luận Văn, xã Thọ Xương (Thọ Xuân). Điều đặc biệt của giống bưởi này là khi quả còn non có màu xanh như các giống khác nhưng khi chín chuyển dần sang màu đỏ gấc.

Bên cạnh đó, múi bưởi đỏ hồng, mọng nước và có  hương thơm rất đặc trưng. Hơn nữa, bưởi Luận Văn thường chín vào dịp cuối năm nên rất có giá trị kinh tế, đem lại thu nhập cao cho các hộ dân trồng bưởi.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Thọ Xuân, toàn huyện có khoảng 500 hộ tham gia trồng bưởi Luận Văn với diện tích trên 50 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Thọ Xương, Xuân Bái và Xuân Lam.


 Bưởi chờ vào Tết của anh Nguyễn Văn Hải

Vì diện tích trồng bưởi rất nhỏ nên cung không đủ cầu, giá bưởi tăng cao, nhất là vào những dịp cuối năm. Ông Nguyễn Văn Mậu, một hộ dân trồng bưởi cho hay, năm nay so với năm ngoái sản lượng không bằng, vì thế nguồn cung lại ít hơn nữa.

Đến thời điểm này, nhiều thương lái và khách hàng ở các nơi trong tỉnh cũng như ngoại tỉnh đã đặt trước. Giá bán trung bình dao động từ 100-150 nghìn/quả, tuy nhiên, có nhiều quả đẹp được bán với giá 200 nghìn đồng.

Người dân địa phương cho hay, nếu được lau sạch bằng rượu, quả bưởi có thể tươi đẹp cả tháng, đặc biệt, bưởi có màu đỏ gấc thể hiện sự may mắn, tài lộc, rất thích hợp cho việc thờ cúng trong dịp Tết...


 Những quả bưởi đầu tiên

Theo sử sách kể lại, thời hậu Lê, bưởi Luận Văn được nhân dân dâng tiến vua và tục lệ này được lưu truyền cho đến ngày nay, nên cứ vào dịp lễ hội Lam Kinh, nhân dân địa phương lại có mâm lễ bưởi Luận Văn dâng vua Lê Thái Tổ. Vì vậy, ngoài giá trị kinh tế, bưởi Luận Văn còn có giá trị văn hóa, ý nghĩa tâm linh.

Theo chị Nguyễn Thu Hồng, chủ cửa hàng buôn bán hoa quả tại Mễ Trì Thượng (Từ Liêm – Hà Nội), bưởi Luận Văn được chị biết đến trong chuyến đi thăm khu di tích Lam Kinh (Xuân Lam – Thọ Xuân – Thanh Hóa). Nhận thấy đây là giống bưởi ngon, đẹp mắt, thị trường chưa có nhiều nên Tết Nguyên đán năm ngoái mua về bán thử và bán rất chạy.


 Vườn bưởi sắp cho thu hoạch

Dịp Tết đó chị Hồng bán được hơn 800 quả với giá từ 200 nghìn trở lên mỗi quả. Năm nay, còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết nhưng chị Hồng đã đến vườn đặt trước với số lượng lớn hơn năm ngoái.

Chị Hồng cũng cho hay, khách hàng năm ngoái nhiều người cũng đã dặn trước và đặt hàng chị, đặt cọc tiền trước trong khi hiện nay, lượng bưởi ít, chị gom hàng nhưng vẫn chưa đủ.

Ông Lê Đức Đệ, Chủ tịch UBND xã Thọ Xương, giống bưởi Luận Văn đang được khôi phục lại trong thời gian gần đây thông qua dự án phát triển của các cấp chính quyền. Dự án này nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân.

Theo ông Đệ, hiện nay, ngoài xã Thọ Xương, bưởi Luận Văn đã được nhân rộng ra các xã lân cận trên địa bàn huyện, như: Xuân Bái, Xuân Lam, Xuân Phú…

Theo anh Trần Công Thắng ở thôn 2 (Xuân Bái – Thọ Xuân), trước kia, khâu sản xuất và cung ứng giống bưởi Luận Văn trên địa bàn huyện Thọ Xuân chưa được kiểm soát, việc trồng và nhân giống hoàn toàn do các hộ thực hiện theo phương pháp chiết cành nên chất lượng giống không bảo đảm... Với sự hỗ trợ của Dự án “Ứng dụng kỹ thuật tiến bộ xây dựng mô hình trồng, thâm canh bưởi Luận Văn đặc sản tại Thọ Xuân”, chất lượng và sản lượng bười đang được nâng cao.


 Múi bưởi Luận Văn màu đỏ như gấc

Bên cạnh đó, Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định số 3462/QĐ-SHTT ngày 18.12.2013  về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00039 cho sản phẩm bưởi “Luận Văn” nổi tiếng.

Theo Hoàng Long ( MTG )