Cách phòng chống chốc lây - bệnh thường gặp ở trẻ em

(BaoveNTD) - Chốc lây hay còn gọi là ghẻ phỏng, rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ sang thương da bệnh đến da lành trên cùng một trẻ, hay từ trẻ này đến trẻ khác. Đây là dạng nhiễm trùng da thường gặp ở trẻ nhỏ, do vi trùng gây ra.

Chốc lây là bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở trẻ em, xảy ra ở lớp nông thượng bì của da nên thường không để sẹo. Tuy nhiên, bệnh rất dễ lây lan và thường lây trực tiếp từ sang thương da bệnh đến da lành trên cùng một trẻ, hay từ trẻ này đến trẻ khác nên bệnh này còn gọi là “chốc lây”.

Nguyên nhân gây chốc

cach-phong-chong-choc-lay-benh-thuong-gap-o-tre-em

Bệnh do tụ cầu vàng hay do liên cầu trùng sinh mủ, hoặc phối hợp cả hai loại vi trùng này. Hai vi trùng này có thể tạm trú ở những người bình thường nhưng mang mầm bệnh, thường ở cửa mũi trước (thường gặp nhất), vùng nách, hầu họng, vùng bẹn - chậu và có thể tự lây nhiễm hay lây cho các trẻ em khác.

Chốc da thường gặp khi da ẩm, thời tiết nóng nực. Và bệnh dễ gặp khi môi trường đông đúc, có khi sau khi bị côn trùng cắn.

Nhưng đa số chốc, ghẻ phỏng thường không để lại sẹo sau khi hết bệnh.

Điều trị tại nhà

Bệnh thường tự khỏi sau 3-5 ngày. Tuy nhiên, cần lưu ý đến việc chăm sóc cơ thể để bệnh mau phục hồi.

- Cắt móng tay sạch sẽ.

- Rửa sạch bằng dung dịch sát khuẩn hay xà phòng diệt khuẩn.

- Bôi tại chỗ các dạng kháng sinh tại chỗ dạng nước hay pommade.

- Không bôi các thuốc có corticoide.

- Hiếm khi phải uống kháng sinh.

- Đi bác sĩ khi thấy quanh vùng da bệnh đỏ tấy, nổi nhiều, sốt liên túc 3 ngày mà không bớt.

- Không sờ trực tiếp vào vùng da bị bệnh nhằm tránh lây lan. Tuyệt đối không được gãi vùng da bệnh.

cach-phong-chong-choc-lay-benh-thuong-gap-o-tre-em
Khi bé yêu bị chốc lây thì cần phải cắt móng tay sạch sẽ

Phòng bệnh

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh làm trầy xước da, điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng da.

- Giữ da sạch sẽ, tránh ẩm quá, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn.

- Cho bé bú đầy đủ, uống đủ nước, ăn nhiều rau, không ăn thức ăn ngọt.

- Không tiếp xúc với những trẻ bị bệnh hoặc có dấu hiệu nhiễm bệnh khác.

Ngày nay, có nhiều bệnh lạ mới xuất  hiện, vì thế, các bậc cha mẹ trẻ cần phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đề phòng khi bé yêu của mình bị bệnh. Các mẹ cần bình tĩnh theo dõi kĩ các triệu chứng thì có thể biết bé bị bệnh gì và có hướng điều trị tại nhà đúng cách cho bé.

Xuân Anh Lê