Cách sơ cứu khi bị ngộ độc ngày Tết

Dịp Tết Nguyên Đán cũng là dịp mà con số người phải nhập viện vì các triệu chứng ngộ độc, rối loạn tiêu hóa cao nhất. Sau đây là một số cách sơ cứu thông thường trong các trường hợp ngộ độc phổ biến vào ngày này.

1. Ngộ độc rượu

cách xử lý ngộ độc thực phẩm

Người ngộ độc rượu do sử dụng rượu tự nấu, pha chế, ngâm, ủ có hàm lượng độc tố rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Khi phát hiện người uống có dấu hiệu say rượu, người nhà cần tìm cách giúp nôn hết, sau đó xát mạnh hai bên má; cho uống một cốc sữa nóng, trà đặc hoặc nước chanh; Cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt nằm nơi thoáng (nhưng tránh gió lùa), tư thế nằm úp xuống giường, hai tay xuôi ra sau, mặt nghiêng về bên trái. Nếu có biểu hiện co giật, thở không đều, ngã chảy máu tai, mắt, loạn nhịp tim phải đưa đến bệnh viện ngay. Triệu chứng ngộ độc thường là ngủ li bì.

cách xử lý ngộ độc thực phẩm

Theo TS.BSCKII Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, không nên để người uống rượu say ngủ quá lâu, nếu không thấy tỉnh phải đưa ngay người ngộ độc đến viện. Để tránh ngộ độc, tốt nhất là không nên uống nhiều rượu. Không nên uống nhiều loại rượu cùng một lúc. Uống rượu có tính chất khai vị, uống ít để kích thích ăn uống, chứ không phải uống đến no.

2. Ngộ độc thực phẩm

Ngộ độc thực phẩm là biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống phải thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây độc, thức ăn bị ôi thiu… Thông thường bạn sẽ mắc phải các triệu chứng này khoảng 3-4 giờ sau khi ăn nhầm thực phẩm bị nhiễm độc. Những triệu chứng thường gặp nhất của ngộ độc thực phẩm là nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng…hoặc những triệu chứng khác tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc.

Nếu chẳng may gặp người bị ngộc độc với các dấu hiệu như đã nói ở trên thì nên lập tức tiến hành các bước sơ cứu sau đây:

- Cho người bệnh nghỉ ngơi và gây nôn bằng cách cho người bệnh uống nhiều chất lỏng, có thể pha một cốc nước muối loãng cho người bệnh uống rồi kích thích cổ họng (dùng tay cho để chặn lưỡi) cho đến khi nôn ra được (chú ý nâng đầu người bệnh lên cao tránh bị trào ngược vào phổi). Trường hợp này, người ngộ độc nôn càng nhiều thì cơ thể càng mau đẩy được độc tố ra ngoài. Và chỉ tiến hành phương pháp này nếu người trúng độc vẫn tỉnh. Nếu bị hôn mê thì tuyệt đối không được làm vì có thể gây tắc thở vì sặc.

- Cho uống nước orezol để bù và chống mất nước, đồng thời giúp trung hòa chất độc trong cơ thể người bệnh. Tỷ lệ pha theo đúng hướng dẫn.

- Đặt người bệnh nằm ngửa, đầu thấp. Bạn cũng nên để ý, nếu có biểu hiện nghẹt thở nên kéo lưỡi người bệnh ra ngoài để tránh lưỡi bị thụt vào gây ngạt thở, nguy hiểm đến tính mạng.

- Đưa đến cơ sở y tế: Nếu cảm thấy người ngộ độc chưa có dấu hiệu hồi phục, hoặc cảm thấy họ bị ngộ độc quá nặng, nên đưa người ngộ độc đến các cơ sở y tế để bác sỹ tiến hành rửa ruột cho người ngộ độc hoặc các biện pháp điều trị cần thiết.

- Theo dõi nhịp tim: Cần theo dõi nhịp tim của người bệnh thường xuyên. Nếu có bất kỳ thay đổi nào của nhịp tim cần hô hấp kịp thời để tránh việc ngừng thở gây nguy hiểm đến tính mạng.

- Ăn nhẹ: Sau khi tiến hành các bước sơ cứu trên, có thể cho người bệnh ăn một chút thức ăn mềm, dễ tiêu như súp, cháo nhưng không nên cho uống sữa để cơ thể họ dần hồi phục.

Theo Minh Minh (Người Đưa Tin)