Cẩn thận bị bỏng khi dùng túi sưởi cá nhân

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, túi sưởi là đồ dùng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vỡ nổ. Nếu không biết cách sử dụng hay mua các loại túi sưởi gia công của Trung Quốc rẻ tiền thì chẳng khác nào rước hoạ về nhà.

Trong những ngày lạnh, nhu cầu sử dụng túi sưởi, túi chườm ấm đa năng rất cao. Túi sưởi được quảng cáo là giúp sưởi ấm cơ thể 6-8 tiếng đồng hồ. Cấu tạo thông thường của túi sưởi gồm có cực điện làm nóng trong môi trường nước muối loãng, rơle khống chế nhiệt ở khoảng 60-70 độ tùy sản phẩm. Túi có bộ phận cách điện và không cách nhiệt là các lớp vải nhựa giữ nước bên trong giúp nhiệt tỏa ra sưởi ấm.

Các loại túi sưởi ấm có hình ngộ nghĩnh  là mặt hàng bán chạy trong những ngày này. Ngoài các mẫu thông thường như năm trước, thị trường túi sưởi năm nay xuất hiện loại có hình xe hơi, người nhện, gấu bông... với kích thước tương đối lớn. Giá bán các sản phẩm này dao động 150.000 - 180.000 đồng mỗi chiếc.

Chị Thương, nhân viên bán hàng một shop túi sưởi tại Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết, chỉ trong vài ngày trở lại, tính cả khách hàng nội thành và các tỉnh khác, trung bình mỗi ngày chị bán được 50 chiếc túi. Khách hàng chủ yếu là các gia đình có con nhỏ, dân văn phòng. Loại túi sưởi hàng nội địa với giá rẻ hơn, bán nhiều tại các hiệu thuốc, giá dao động 70.000 - 120.000 đồng cũng được mua nhiều trong những ngày này.

Chị Trần Thị Hảo, nhân viên một quầy thuốc trên phố Giải Phóng quận Hoàng Mai, Hà Nội kể, đến chiều 28.1, chị đã phải nhập thêm một đợt hàng mới gần 50 chiếc túi sưởi để bán, nhưng vẫn thiếu hàng.

“Khách mua rất nhiều, chủ yếu là người nhà bệnh nhân. Nhiều người mua một lúc 2 - 3 cái để chống rét”, chị kể. Hiện tại, nguồn hàng chị Hảo hay nhập về cũng đã giới hạn số đơn hàng, nên chị không nhập được nhiều như trước nữa.

can-than-bi-bong-khi-dung-tui-suoi-ca-nhan

Túi sưởi là một trong những mặt hàng bán chạy trong ngày Hà Nội rét đậm. 

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Lợi, Viện Khoa học Công nghệ Nhiệt lạnh (ĐH Bách Khoa Hà Nội), túi sưởi là một sản phẩm làm ấm bao gồm một túi đựng đầy chất lỏng (nước, muối và hóa chất) có khả năng tích nhiệt cao. Ngoài ra, túi sưởi còn bao gồm một bộ phận gia nhiệt.Trong bộ phận gia nhiệt có bố trí một rơ le nhiệt độ để tự động ngắt mạch điện khi chất lỏng trong túi đạt nhiệt độ khoảng 70 độ C. Thông thường, bên trong túi, người ta tuyệt đối không cho không khí đi vào. Bởi vì nếu trong túi có không khí, khi sạc điện nhiệt độ tăng lên đồng nghĩa với áp suất cũng tăng dễ dẫn đến nguy cơ nổ vỡ. Chính vì vậy, khi thiết kế, trên mặt túi thường có một nút nhựa để xả khí, trong trường hợp sử dụng túi sưởi hình thành khí.

Túi sưởi của các hãng sản xuất của Việt Nam đều làm bằng chất liệu nhựa chịu nhiệt, khi đưa ra thị trường đều phải qua các khâu kiểm định chất lượng và chứng nhận an toàn cho người sử dụng.

Tuy nhiên, túi sưởi cũng như bất kỳ loại đồ điện nào đều có thể gây họa cho người dùng nếu thiếu hiểu biết khi sử dụng. Không ít người vừa cắm điện cho túi vừa ôm, thậm chí ngồi, đè lên túi sưởi... túi dùng lâu bị hở, bục, rách dễ gây chập điện hoặc bỏng. Hơn nữa, nổ cũng có thể do rơ le nhiệt trục trặc không ngắt, làm túi sưởi đạt độ sôi lâu cũng có thể bị vỡ. Cũng có trường hợp nổ rách túi bên ngoài do cắm lâu quá, nước giãn nở, đầy bọt khí… trong khi túi không thể giãn nở to hơn dẫn tới bục.

Mới đây, Bé Nguyễn Thị Bảo Trâm 17 tháng tuổi được đưa vào Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cấp cứu trong tình trạng bị bỏng nặng do túi sưởi đặt trong lòng bé phát nổ khi đang sạc. Bác sĩ Vũ Hùng, Khoa Chấn Thương - Chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bỏng chi dưới, mông bẹn và bộ phận sinh dục do túi sưởi nóng bị bục. Bé Trâm bị bỏng sâu cấp độ 3.

Theo chị Nguyễn Thị Lan, mẹ cháu bé, thời tiết lạnh nên dùng túi sưởi ấm cho con. Túi chườm bị nổ khi đang sạc và lại để trong lòng của bé nên trẻ bị bỏng nặng, nước từ túi sưởi chảy ra cũng khiến người mẹ bỏng nhẹ ở chân.

Trước đó, vào khoảng gần cuối tháng 12/2011, một bệnh nhi 8 tuổi tại Tuyên Quang cũng phải nhập viện điều trị vì bị bỏng sau khi sử dụng túi sưởi bị bục. Sự việc này đã khiến nhiều người tiêu dùng lo ngại về mức độ an toàn của túi sưởi. Song, theo phân tích của các chuyên gia thì sự việc này là do sử dụng sai hướng dẫn.

Để đảm bảo an toàn, bác sĩ Hùng khuyến cáo đối với bất kỳ sản phẩm điện nào khi sử dụng nên tìm hiểu xuất xứ, chỉ mua túi sưởi có nhãn mác đầy đủ và có độ tin cậy, cần tuân thủ hướng dẫn nhà sản xuất. Khi cắm điện để túi sưởi tránh xa người, không sờ tay vào ổ cắm điện, không để gần trẻ em, không để vật nặng đè lên túi, không ngồi lên túi...

Đặc biệt, các gia đình có trẻ nhỏ và người bệnh càng phải cẩn thận hơn. Trẻ em có thể chạy nhảy hay ngồi lên túi sưởi, còn dùng để ném nhau như một thứ đồ chơi, dùng vật sắc nhọn vạch lên túi... nếu làm bục túi sưởi dễ gây bỏng. Ngoài ra, một nguyên tắc bất di bất dịch khác đảm bảo an toàn trong khi sử dụng túi sưởi là tuyệt đối không dùng túi khi đang cắm điện.

Ngoài ra, các chuyên gia tư vấn, muốn túi sưởi phát huy hiệu quả giữ nhiệt, người tiêu dùng cần lưu ý một số vấn đề khi sử dụng:

Trước khi cắm điện, để túi vào nơi bằng phẳng. Chỗ cắm điện trên mặt túi hướng lên trên, cắm dây vào chỗ cắm điện trên túi trước rồi mới cắm vào ổ điện sau. Bạn nên lót một chiếc khăn hay miếng vải bên dưới túi để cách nhiệt.

Khi cắm điện để túi sưởi tránh xa người ít nhất 2m, không sờ tay vào ổ cắm điện, không để gần trẻ em, không để vật nặng đè lên túi, không ngồi lên túi, không dùng vật sắc nhọn vạch lên túi...

Khi cắm điện đèn báo trên phích cắm báo sáng, nạp đủ nhiệt đèn sẽ tắt. Cũng có thể không cần chờ đèn tắt dùng tay ước lượng độ nóng theo ý muốn.

Trong quá trình cắm điện thỉnh thoảng dùng tay lắc nhẹ cho dung dịch trong túi nóng đều và độ nóng cao hơn. Khi dung dịch trong túi chuyển động có tiếng kêu tộp, tộp, là bình thường.

Khi đủ độ nóng cần thiết rút dây điện ra khỏi ổ cắm trước rồi mới rút phích cắm ở túi ra. Khi rút giữ chặt phần ổ điện trên túi, tránh làm đứt dây nối với nguồn điện.

Không đổ dung dịch trong túi ra ngoài, không dùng bất cứ dung dịch nào thay thế dung dịch chuyên dùng của túi để tránh xảy ra sự cố nguy hiểm. 

Nếu trên bề mặt túi bẩn có thể dùng giẻ tẩm dung dịch tẩy nhẹ để lau sạch, không dùng chất tẩy mạnh tránh hư hại sản phẩm. Không được lau khi đang cắm điện, không được ngâm túi trong nước để giặt rửa. Nếu túi bị ướt nhất định phải lau khô mới được cắm điện sử dụng.

Vào mùa lạnh, người già, trẻ em, phụ nữ sau sinh... rất cần được ủ ấm, nhất là về đêm và sáng sớm. Khi dùng túi sưởi giữ ấm cho cơ thể, cần lưu ý các vị trí quan trọng như khớp, bàn chân, bàn tay... để giúp khí huyết lưu thông, làm giảm đau.

Theo Quỳnh Chi (NTD)