Chủ quan với các vết xước nhỏ, nhiều người bị nhiễm trùng nặng

Các vết thương, vết rách trên da dù nhỏ hay lớn đều có thể bị nhiễm trùng nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời.

Gần đây, các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã xử trí một bệnh nhân bị viêm mô mềm dẫn tới nhiễm khuẩn huyết có sốc, toàn bộ vùng cẳng chân của bệnh nhân bị hoại tử.

TS.BS Thân Mạnh Hùng - Khoa Cấp cứu của bệnh viện chia sẻ, bệnh nhân bị xước ở chân nhưng vẫn chủ quan không sơ cứu đúng cách và sau đó vẫn lội nước bùn ở ruộng, dẫn đến nhiễm các loại vi khuẩn. Vì bệnh nhân bị hoại tử vùng cẳng chân nên phải tiến hành cắt lọc để loại bỏ các tổ chức hoại tử, tiếp đó đắp thuốc bên ngoài để tổ chức da hồi phục.

Hay như một nữ bệnh nhân bị nhiễm trùng bàn tay do chủ quan với vết thương nhỏ trong lúc nấu ăn khiến ngón tay sưng tấy đỏ lan rộng lên bàn tay và cổ tay, hoại tử da cùng áp xe vùng vết thương. Bệnh nhân phải tới bệnh viện điều trị, may mắn không bị nhiễm trùng huyết.

BS. Hùng cho biết thêm, có những vết thương người bình thường không thể đánh giá được mức độ nghiêm trọng, bởi sâu bên trong đó có thể đã nhiễm các vi khuẩn. Khi chúng phát triển có thể đi vào máu dẫn đến nhiễm khuẩn huyết hậu quả rất nặng, thậm chí là tử vong.

chu-quan-voi-cac-vet-xuoc-nho-nhieu-nguoi-bi-nhiem-trung-nang

Các vết thương, vết rách trên da dù nhỏ hay lớn đều có thể bị nhiễm trùng nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời. Ảnh minh họa.

Những vết thương hở thường gặp

Vết thương hở có thể được phân thành 4 dạng như sau:

  • Vết trầy xước: Da bị trầy xước khi cọ xát vào bề mặt nhám và cứng như mặt đường. Vết thương dạng này thường ít chảy máu, nhưng vẫn cần vệ sinh để tránh bị nhiễm trùng.
  • Vết rách: Bất cẩn khi sử dụng dao, các dụng cụ và máy móc thường xảy ra rách da.
  • Vết thủng: Vết thương thường có dạng một lỗ nhỏ gây ra bởi các vật dài, nhọn như móng tay hoặc kim.
  • Vết thương mất da: Một phần da và mô dưới da bị rách và rơi ra hẳn.

Các vết thương hở có thể rất nhỏ từ vết xước da, vết kim đâm, đứt tay cho đến những vết thương lớn hơn như đứt da sâu, rách da mảng lớn... đều cần có cách xử lý thích hợp, tránh việc nhiễm trùng.

Các bước xử lý vết thương hở đúng cách để tránh nhiễm trùng

Với các vết thương do tai nạn lao động hoặc do tai nạn sinh hoạt hằng ngày gây rách và chảy máu da, kèm theo tổn thương phần mềm, ngay thời điểm vết thương xuất hiện đã có nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn và tác nhân gây bệnh khác.

Đối với các vết thương hở nhưng nông, vết nhỏ gọn, nhìn sạch thì có thể rửa bằng các dung dịch sát khuẩn, sau đó băng kín vết thương.

Tuy chỉ là một vết rách da nhẹ nhưng nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời có thể sẽ trở nên nghiêm trọng chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Ngoài ra, chúng ta cần nắm được cách nhận biết vết thương đang bị nhiễm trùng để có cách xử lý kịp thời.

Những vết thương nhỏ có thể được xử lý tại nhà theo các bước sau:

  • Cầm máu bằng cách ép nhẹ một miếng vải hoặc băng sạch vào vết thương và nâng cao lên cho đến khi máu ngừng chảy.
  • Làm sạch vết thương dưới vòi nước chảy; rửa vùng xung quanh với xà phòng và không được để dính vào vết thương.
  • Bôi dầu hoặc thuốc mỡ một lớp mỏng để giữ bề mặt vết thương ẩm, kháng khuẩn và ngăn ngừa sẹo.
  • Băng vết thương lại bằng cách đặt một miếng băng hoặc gạc lên và cố định bằng băng keo để giữ vết thương sạch.
  • Thay băng ít nhất một lần một ngày hoặc bất kỳ khi nào miếng băng trở nên ướt và bẩn cũng là điều bạn nên lưu tâm trong xử lý vết thương hở.
  • Tiêm vaccine uốn ván nếu chưa tiêm trong vòng 5 năm trở lại, đặc biệt các vết thương sâu và dính bẩn.

Khi thấy các dấu hiệu sau thì nên đi bác sĩ:

  • Chảy máu liên tục mặc dù đã băng ép lại.
  • Chảy máu kéo dài hơn 20 phút .
  • Chảy máu do một tai nạn nghiêm trọng.
  • Vết thương sâu.
chu-quan-voi-cac-vet-xuoc-nho-nhieu-nguoi-bi-nhiem-trung-nang

Bạn không nên chủ quan khi gặp các vết thương hở nhỏ.

Cách n hận biết nhiễm trùng vết thương hở và cách chăm sóc

Nhận biết

Bạn không nên chủ quan khi gặp các vết thương hở nhỏ. Nếu thấy những dấu hiệu sau đây, rất có thể các vết "không đáng quan tâm đó" khiến bạn nhập viện, thậm chí phải cắt bỏ, hay tháo khớp ngón tay, chân, bàn tay chân.

  • Vết thương chảy dịch màu vàng hoặc dịch xanh lá cây có mùi khó chịu
  • Vết thương có dấu hiệu bị sưng hoặc đỏ tấy, đau nhiều.
  • Vùng bị đỏ lan. Xuất hiện các vệt đỏ trên da xung quanh vết thương.
  • Sốt, người mệt mỏi.

Cách chăm sóc vết thương đúng cách tại nhà

  • Giữ vết thương sạch và khô. Khi bị thương, sau khi cầm máu, hãy vệ sinh vết thương để lấy đi những bụi bẩn để sự nhiễm khuẩn trên vết thương, sau đó băng vết thương lại bằng băng gạc sạch.
  • Nếu vết thương có rỉ dịch nên thay băng cho vết thương hàng ngày, lau vết thương với nước muối sinh lý, làm khô vết thương bằng khăn sạch. Tuyệt đối không dùng oxy già hay dung dịch thuốc tím vì nó sẽ gây tổn thương những tế bào lành, làm vết thương lâu lành hơn và để lại sẹo.
  • Khi vết thương có mủ nên rửa vết thương để loại bỏ phần mủ giúp vết thương nhanh lành hơn.
  • Không bóc vảy vết thương đã lành vì dễ dẫn đến chảy máu và để lại sẹo.
  • Ngay khi da đã lành lại nó khá mỏng manh, vì vậy bạn cần chăm sóc và bảo vệ.
  • Không tự ý bôi hay đắp bất kỳ một loại lá hay thuốc dân gian nào vì có thể dẫn tới biến chứng như dị ứng, hoại tử vết thương, bội nhiễm, nhiễm trùng máu…
  • Chú ý chế độ dinh dưỡng. Bạn nên ăn các loại thực phẩm có liên quan đến việc tạo máu như sắt, acid folic, vitamin B12… để tái tạo máu.

Theo GiaDinh